Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đề xuất giảm điều kiện về số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu hàng tháng từ 20 năm xuống 15 năm.

Theo đó, người lao động sẽ được hưởng lương hưu khi đáp ứng hai điều kiện sau: 

- Đủ 61 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 56 tuổi 08 tháng đối với nữ. 

- Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và cứ mỗi năm tang thêm 4 tháng đối với nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035.

Khi người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu thì mức lương hưu hàng tháng được tính bằng 45% mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội. Điều đó tương ứng với 20 năm đóng bảo hiểm xã hội đối với lao động nam và 15 năm đóng bảo hiểm xã hội đối với lao động nữ. Sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.

Đối với lao động nam đủ điều kiện quy định có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm thì mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu là 2,25%.

Về điều kiện đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, cơ quan soạn thảo cho biết, quy định này nhằm tạo cơ hội cho một số nhóm đối tượng bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội muộn (45 – 47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc tham gia không liên tục hay làm công việc đặc thù có thời gian làm nghề ngắn dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội cũng có cơ hội được lĩnh lương hưu hàng tháng và được bảo đảm bảo hiểm y tế.

Quy định này cũng góp phần giảm số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần do đủ điều kiện hưởng lương hưu.

Đối với những người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội dài hơn thì vẫn được hưởng lương hưu với tỷ lệ hưởng lương hưu cao hơn không thay đổi so với quy định hiện hành.

Theo kế hoạch, dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp tháng 11/2023, thông qua tại kỳ họp tháng 5/2024 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.