Một tuần gần đây, miền Bắc bước vào những ngày mưa phùn, nồm ẩm khiến cuộc sống, sinh hoạt của người dân bị ảnh hưởng khá nhiều. Đặc biệt, môi trường nồm ẩm cũng khiến nhiều loại virus, vi khuẩn và nấm mốc sinh sôi gây nhiều ảnh hưởng tới sức khỏe.

Bác sĩ Phạm Chiến Thắng, Phó trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho biết, trong 1-2 tuần trở lại đây, bệnh nhân đến khám tại bệnh viện tăng 20-30% so với ngày thường, chủ yếu là các bệnh đường hô hấp như viêm phổi, bệnh phổi mãn tính, hen phế quản, giãn phế quản…

Bé Thanh Thúy (3 tuổi, ở Yên Nghĩa, Hà Đông) đã được gia đình đưa đến khám, sau đó điều trị tại viện một tuần  vì viêm phổi. Mẹ bé Thúy cho biết, ban đầu con chị bị sốt cao, ho nhiều, chị nghĩ do thời tiết thay đổi nên chỉ cho uống thuốc nhưng không đỡ. Khi bé sốt cao không hạ, gia đình mới đưa đến khám thì đã bị viêm phổi nặng, có chỉ định nhập viện.

 

Trẻ đi học mầm non cần được lưu ý đến khâu vệ sinh trường học và vệ sinh cá nhân. Ảnh: BSCC.

Cũng có con gái 1 tuổi phải nằm viện điều trị vì viêm phổi, chị Thu Hoài (Kim Bài, Thanh Oai, Hà Nội) cho biết, mỗi khi thời tiết bất thường, con chị rất dễ ốm. Lần này, anh chị thấy con bỏ bú, ho, chảy nhiều mũi, khó thở nên đưa con đi khám thì được chẩn đoán viêm phổi.

“Trời nồm ẩm khiến môi trường ẩm ướt, nền nhà lúc nào cũng ướt sũng dù gia đình đã dùng máy lọc không khí, lau dọn thường xuyên. Trong khi, con gái tôi đang tuổi tập đi nên thường xuyên ngồi, bò ở dưới nền, có lẽ vì thế nên cháu đổ bệnh nhanh hơn những đợt thay đổi thời tiết trước đó”, chị Hoài cho biết.

Trẻ nhỏ sức đề kháng kém nên dễ bị đổ bệnh mùa nồm ẩm. Ảnh:BSCC.

Ngoài trẻ nhỏ thì người già nhập viện trong giai đoạn nồm ẩm này cũng gia tăng, đặc biệt là những người có bệnh lý hô hấp. BSCKII Nguyễn Văn Giang, Phó trưởng Khoa Hô hấp và Bệnh phổi, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho biết, hiện khoa điều trị cho một số bệnh nhân có diễn biến phức tạp, diễn tiến bệnh nhanh, nặng hơn thời gian trước rất nhiều. Theo bác sĩ Giang, có bệnh nhân buổi sáng cơ thể bình thường nhưng buổi chiều đã xuất hiện các cơn khó thở, nặng, có thể suy hô hấp. Vì vậy, các bác sĩ luôn theo dõi sát sao bệnh nhân, tránh tình trạng bệnh tiến triển nặng hơn.

Điển hình như trường hợp của bà Nguyễn Thị Hoa (58 tuổi, ở Hà Đông, Hà Nội) có sẵn bệnh lý phổi tắc nghẽn mãn tính nên từ khi nồm ẩm bà không dám ra ngoài đi chợ, thể dục mà chỉ sinh hoạt trong nhà. Bà cũng thường xuyên lau dọn nền nhà để không bị ẩm ướt, nhưng do ở nhà mặt đất nên tình trạng "đổ mồ hôi" nền nhà, ẩm tường diễn ra liên tục. Cách đây vài này, buổi sáng các con đi làm bà vẫn sinh hoạt bình thường, đến cuối giờ chiều bà đột nhiên lên cơn khó thở phải gọi con về gấp đưa đến viện. Khi đến viện, bà Hoa đã suy hô hấp, may mắn không nguy hiểm đến tính mạng.

Nhiều người già buổi sáng bình thường nhưng chiều nhập viện vì thời tiết nồm ẩm. Ảnh:BSCC.

Bác sĩ Giang cho biết, nồm ẩm, độ ẩm tăng cao là điều kiện thuận lợi để virus, vi khuẩn, nấm mốc, ký sinh trùng phát triển. Với những bệnh nhân bệnh phổi mãn tính nền sức khỏe kém cộng với yếu tố môi trường như vậy, càng gia tăng nguy cơ bội nhiễm cũng như kích thích các đợt cấp bệnh phổi xuất hiện trở lại.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Giang, cách tốt nhất để phòng bệnh là cần có giải pháp để giữ gìn vệ sinh môi trường sống và nâng cao sức đề kháng của cơ thể. Cụ thể:

- Nên duy trì chế độ sinh hoạt khoa học: ngủ đúng giờ và đủ giấc; chú ý tập thể dục hằng ngày để tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, nâng cao đề kháng của cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh.

- Với người già và trẻ nhỏ, cần chú ý chế độ dinh dưỡng hợp lý, khoa học, cân bằng và đầy đủ các dưỡng chất, vi chất, vitamin cần thiết. Ăn chín, uống sôi để tránh mắc các bệnh về đường tiêu hóa; hạn chế tối đa việc ăn đồ tái, sống.

- Khi ra khỏi nhà, nên đeo khẩu trang để phòng bệnh. Mặc đủ quần áo để thích ứng với thời tiết bên ngoài. Luôn mang theo ô hoặc áo mưa khi ra ngoài để cơ thể không bị dính nước mưa nhiễm lạnh.

Do thời tiết nồm ẩm nên khi ra ngoài dù người lớn hay trẻ nhỏ cũng cần đeo khẩu trang. Ảnh minh họa. 

- Cần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong thời tiết nồm ẩm; không ăn đồ ăn ôi thiu, mốc để tránh nhiễm khuẩn; giữ cho bát đũa sạch sẽ, không bị ẩm mốc.

- Nên sử dụng máy hút ẩm để tạo độ khô ráo hoặc bật điều hòa ở chế độ khô để giảm bớt độ ẩm, duy trì độ ẩm không khí ở mức 40 - 60% là tốt nhất. Quần áo cần được sấy thật khô để tránh tạo điều kiện cho nấm mốc phát triển.

- Sàn nhà, cửa kính là những nơi dễ đọng nước, gây ẩm ướt và trơn trượt, dễ gặp nguy hiểm khi di chuyển nên cần được lau thường xuyên bằng khăn khô. Hạn chế mở cửa để không khí ẩm nồm có thể vào nhà.

* Tên các bệnh nhân trong bài đã được thay đổi