Thiếu nữ bị liệt cánh tay do hiến máu

Cô Gabriella Ekman, ở Ontario, Canada quyết định đi hiến máu lần đầu tiên khi vừa tròn 17 tuổi. Cô hy vọng nó có thể cứu mạng ai đó nhưng không hề biết việc này lại thay đổi cuộc đời mình mãi mãi.

Khi đến điểm hiếm máu do Hội huyết học Canada tổ chức, một y tá chuyên lấy máu bệnh nhân để phục vụ xét nghiệm hoặc hiến máu, đã thực hiện thủ thuật lấy máu của cô. Lúc đó, Gabriella đã nghe thấy tiếng "khục khục" khi y tá đưa chiếc kim tiêm vào cánh tay mình. Cô y tá đó biết có điều bất thường xảy ra nhưng thay vì thông báo với Gabriella hay bác sĩ, người này không nói gì. Sau đó, nhân viên xét nghiệm thông báo mẫu máu hiến có hiện tượng oxy khác lạ, giống máu lấy từ động mạch (thay vì tĩnh mạch như thông thường). Đến lúc này, mọi việc đã quá muộn.

Sau khi hiến máu cô gái liệt vĩnh viễn cánh tay phải của mình (Ảnh minh họa: Internet)

Gabriella nhớ lại: "Khoảng 10 đến 15 phút sau, tôi bắt đầu cảm thấy có điều gì đó không ổn. Vì chưa từng được truyền máu hay đi hiến máu nên tôi không biết chuyện gì đang xảy ra cả".

Trong những tuần tiếp theo, cánh tay Gabriella sưng tấy lên rất đâu, bầm tím từ trên xuống dưới kéo dài từ cổ tay đến vai. Khi đến viện, bác sĩ nói rằng tình trạng của Gabriella đã khẩn cấp và cần được điều trị ngay.

Tại đây bác sĩ xác định cô bị chảy máu từ động mạch vào cánh tay và đã tiến hành phẫu thuật cầm máu, loại bỏ cục máu đông, nối lại chỗ thủng trên động mạch.

Dù giữ được tính mạng nhưng cuộc sống của Gabriella không thể trở lại như cũ. Dù động mạch đã được cầm máu nhưng cánh tay của cô vẫn rất đau. Sau khi trải qua nhiều thủ thuật và vật lý trị liệu, khả năng vận động của cánh tay phải vẫn không cải thiện.

Các bác sĩ chẩn đoán, Gabriela mắc Hội chứng Đau Khu vực Phức hợp (CRPS) - một dạng đau mãn tính hiếm gặp liên quan đến chấn thương.

Năm nay Gabriella đã 21 tuổi và cánh tay phải của cô mất khả năng vận động. Mọi sinh hoạt trong cuộc sống của cô đều phải phụ thuộc vào mẹ. Cánh tay phải của cô hầu như lúc nào cũng phải đeo nẹp. Ngoài ra, chấn thương này cũng làm ảnh hưởng đến tinh thần của cô.

Những điều cần lưu ý khi đi hiến máu

Đừng hiến máu khi đói

Chóng mặt và nhức đầu nhẹ là những tác dụng phụ phổ biến sau khi hiến máu. Để chống lại những tác dụng phụ không mong muốn này, đầu tiên, bạn phải nhớ ăn uống đủ để đảm bảo năng lượng. Bạn cũng đừng quên uống nước để giữ cơ thể đủ nước. Nếu có kế hoạch hiến máu trong tương lai, bạn nên chú ý ăn các loại thực phẩm giàu chất sắt một vài ngày trước khi đi hiến máu.

Đáp ứng các tiêu chuẩn

Trước khi hiến máu, chuyên gia y tế sẽ kiểm tra xem bạn có đủ tiêu chuẩn hay không. Các bước kiểm tra bao gồm kiểm tra trọng lượng, nồng độ hemoglobin, huyết áp và bệnh sử.

Nghỉ ngơi ngay sau khi hiến máu

Thủ tục hiến máu sẽ kéo dài khoảng 10-15 phút. Bạn sẽ được lấy khoảng 350ml máu/lần hiến. Khi hiến máu, người hiến sẽ được nằm hoặc ngồi, thả lỏng cơ thể. Sau khi hiến máu, bạn có thể bị chóng mặt nhẹ. Vì vậy, điều quan trọng là phải nghỉ ngơi thư giãn, không nên di chuyển nhanh.

Ăn sau khi hiến máu

Để phục hồi lại lượng máu đã hiến tặng và giảm chóng mặt, bạn nên ăn uống ngay sau khi hiến. Uống nước trái cây hoặc nước lọc sẽ bổ sung lượng chất lỏng một cách nhanh chóng. Tránh xa các chất caffeine và rượu.

Đừng gắng sức

Thông thường, người hiến máu sẽ cảm giác yếu đi trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, ngay cả khi cảm thấy bình thường thì thực chất cơ thể bạn vẫn chịu ảnh hưởng nhẹ trong ít nhất một ngày. Bởi vậy, lời khuyên đưa ra là bạn không nên hoạt động mạnh, luyện tập thể thao… sau khi hiến máu.