Thanh thản trong cõi dương gian
Tháng Bảy với người Việt có rất nhiều ý nghĩa. Tháng Bảy có tiết ông Ngâu bà Ngâu như ngày lễ Valentine của người Á Đông. Tháng Bảy có tết Trung Nguyên xá tội - tháng của người dương làm việc âm. Tháng Bảy trong Phật giáo nhắc đến chuyện ngài Mục Kiền Liên đi cứu mẹ.
Miền Bắc – Trung – hay Nam đều có cách chuẩn bị cho ngày rằm tháng Bảy mỗi nơi mỗi khác, nhưng phép tắc nhà Phật vẫn bàng bạc trong các hoạt động của người dân.
Mùa Vu lan, nhớ Thầy Thích Nhất Hạnh chế ra lễ bông hồng cài áo là một phép hiện sinh để nhắc nhở những người con hiếu kính với cha mẹ. Lễ Bông hồng cài áo mang tính thiết thực có tính chất giáo dục dần dà lan ra cả miền Trung và miền Bắc, nhưng tính chất giáo dục một chiều càng về sau trở nên bị lạm dụng, trở nên nặng nề vì tôi nghĩ nó không phải là bản chất của Phật giáo.
Tôi xin kể một câu chuyện: Tôi có một anh bạn, mẹ anh vừa mất. Bà rất phúc hậu, các con của bà cũng toàn những người tử tế, từ con dâu đến con rể. Cách đây nhiều năm tự nhiên bà mơ gặp bồ tát, thế là bà nhờ anh bạn tôi thỉnh một pho tượng bồ tát về nhà, ngày ngày tụng kinh, chăm ông bị ốm; đến khi ông mất bà về ở hẳn nhà người con trai trưởng, là anh bạn tôi, vẫn thói quen ngày tụng kinh niệm Phật chăm sóc các con, các con thì cứ luôn tìm mọi cách để sao cho bà sống thoải mái nhất.
Bà là một người sống đơn giản, nghĩ mọi thứ đơn giản. Tôi thấy hình như duy nhất toàn bộ năng lượng trong bà đều dành cả cho con cháu, chăm từng bữa ăn quan tâm mọi thứ của một góc rất nhỏ bé; có những thứ lớn hơn bà né sang một bên tránh can thiệp vào chuyện riêng tư của các con.
Có những hôm chúng tôi qua ăn cơm, bà buột miệng: Bà giờ chỉ thấy nhớ ông, muốn về với ông, chứ giờ nghĩ cứ nhắm mắt một cái mà đi được thì là vui nhất. Thế rồi đến một ngày bà đi thật, một cơn đau tim làm bà đi rất nhanh, trong khi bà không hề có tiền sử bệnh tim.
Chúng tôi thương bà, nhưng nghĩ đi nghĩ lại thì đúng là có một sự thanh thản lạ kỳ vì khi bà ra đi bà mà không phải lo lắng cho ai, không canh cánh, không sân si. Lúc bấy giờ tôi mới hiểu hết ý nghĩa của từ “thanh thản”, có phải chăng cõi Tây Phương cực lạc kia chính là “cõi thanh thản” của cuộc sống con người; khi mà xung quanh có những thứ mà người đời coi là báu vật thì mình vẫn thanh thản đón nhận một cách vô vi ấy là cõi niết bàn.
Nhưng còn một ý nghĩa nữa là cõi tây phương thắng cảnh cũng chả phải ở đâu xa, mà ở trong cuộc sống của chúng ta… khi chúng ta biết sống thanh thản.
Tôi vẫn nói với vợ: Con mình sinh ra còn có đủ ông đủ bà nội ngoại hai bên, đó chính là cái phúc của con mình, và là cái phúc của ông bà, nên trân trọng điều đó…
Mỗi lúc nhà có chuyện gì, vợ tôi lại hỏi: anh thấy bà quyết thế có được không? Tôi chỉ bào bà quyết sao tùy bà miễn sao bà cảm thấy vui vẻ với việc đó là được. Người già luôn luôn canh cánh nỗi lo cho người trẻ, nhiều lúc sự quan tâm đó trở nên thái quá, trong khi những người con đôi lúc lại coi bố mẹ mình như một tượng đài của những thứ bảo thủ, cũ kỹ, chậm chạp và nặng nề.
Sự xung đột thế hệ đó rất nhiều gia đình Việt Nam hay nước ngoài đều ảnh hưởng; đôi khi có sự áp đặt ngược lại từ những người con lên cho bố mẹ mình vì khi còn trẻ bạn luôn hay tin những điều bạn đang quyết định sẽ là điều đúng. Điều này xảy ra với những người con tài năng và có chút thành tựu. Còn người phương tây thì chọn một phương án hay nhất chính là nhà dưỡng lão. Nhưng đối với tôi, đó là môi trường làm cho người già ra đi một cách nhanh nhất và dường như họ cảm thấy bị lạc lõng và bỏ rơi. Tất cả những hệ lụy này được xuất phát từ sự “không thanh thản”.
Quay trở lại câu chuyện của anh bạn tôi: trở lại đám tang của bà, một đám tang ít thấy những nỗi buồn, tôi chứng kiến hình ảnh cả nhà cùng niệm Phật, cùng tụng quyển kinh mỗi ngày cúng tuần. Hầu hết công việc nhà anh bạn tôi đều tự làm cho bà bằng một thứ tình cảm rất đặc biệt, nhiều lúc mọi người còn chia sẻ với nhau những giấc mơ về bà và trong câu chuyện đều là bà đang ở cõi Tây Phương rồi, vui vẻ cùng các cụ rồi … thế mà vui!
Thực ra có những cái chết đã làm cho con người ta tỉnh thức trong sự giác ngộ, hóa ra cõi cực lạc không phải cao siêu lắm, không phải cứ hàng ngày cầm quyển kinh lên đọc, không phải trong đám tang có thể mời được những cao tăng đến, không cần phải có những đoàn xe hoa có hình tượng Phật hay Bồ Tát, mà cõi cực lạc đơn giản nó là sự thanh thản trong mỗi con người, thanh thản trong đời sống hiện sinh bên những người thân, trong bản thân mình biết dừng và biết đủ. Giống như mẹ của anh bạn tôi, khi con cháu đông vui không phải lo lắng một điều gì, bà muốn đi đâu, muốn làm gì đều có thể được trong hạn ngạch của cuộc sống ấy là lúc bà nói giờ bà lại nhớ ông; phải chăng đó chính là hành trình trở về theo đúng cách nói của các cụ: Sinh ký Tử quy.
Sự sống kỳ diệu là vậy. Vì thế, tháng Bảy này không cần trên ngực ta phải cài đóa hồng màu nào, mà quan trọng ta chọn cách sống như thế nào với người còn sống và người đã khuất, một cuộc sống được gọi là thanh thản để tạo nên một cõi niết bàn đích thực trong cõi dương gian này.
Cuộc sống hiện tại của nữ diễn viên Dương Cẩm Lynh sau biến cố nợ nần
Sau biến cố nợ nần, Dương Cẩm Lynh dần quay lại công việc nghệ thuật và tập trung kinh doanh....
Sao nữ tiên phong cho dàn mỹ nhân VTV thế hệ mới lên xe hoa trong năm 2024, được chồng...
Ngọc Huyền là người tiên phong cho dàn mỹ nhân VTV thế hệ mới lên xe hoa trong năm 2024....
Bảo Anh khoe con gái cực yêu, ngày càng lém lỉnh khiến CĐM 'mê xỉu': Mới 17 tháng đã được...
Trên trang cá nhân của con, Bảo Anh thường xuyên chia sẻ hình ảnh, câu chuyện đáng yêu của cô...
Ngu Thư Hân có bước tiến ngang hàng Triệu Lộ Tư, được Đinh Vũ Hề giúp lập kỷ lục đáng...
Người được chọn lên trang bìa Cosmopolitan tháng 11 là nữ diễn viên Ngu Thư Hân - gương mặt gây...