Tình trạng yêu sớm, kết hôn muộn có thể để lại nhiều hệ lụy về sinh sản

Theo kết quả điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình của Tổng cục Thống kê Việt Nam, xu hướng kết hôn tại nước ta có nhiều biến động gần đây. Trong đó, cư dân TP Hồ Chí Minh có độ tuổi kết hôn trung bình cao nhất cả nước (29,8 tuổi - trong khi con số này của cả nước là 26,9 tuổi).

Cùng với đó, hiện nay, nhiều người trẻ chọn chỉ yêu nhưng không ràng buộc về hôn nhân. Thống kê cho thấy, tỉ lệ người độc thân tại Việt Nam có xu hướng tăng, từ 6,23% năm 2004 lên gần gấp đôi là 10,1% hiện nay. Theo các chuyên gia, việc kết hôn muộn có thể đồng nghĩa với việc sinh con muộn, từ đó gây ra nhiều hệ lụy về sinh sản, gánh nặng bệnh tật cũng như những áp lực về kinh tế, xã hội trong tương lai. 

Sinh con khi tuổi cao có thể tăng nguy cơ biến chứng, cũng như dị tật thai nhi. Ảnh minh họa. 

Bác sĩ sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung (Hà Nội) cho biết, hiện nay xu hướng hẹn hò, kết hôn của giới trẻ, nhất là thế hệ Gen Z đã khác xưa rất nhiều. Họ có thể sẵn sàng yêu đương, quan hệ sớm ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, nhưng lại kết hôn và sinh con rất muộn. Điều này có thể làm gia tăng những hệ lụy về sức khỏe sinh sản. 

Theo bác sĩ Dung, việc "yêu" sớm nhưng chưa ý thức tốt về tình dục an toàn, tránh thai an toàn... có thể dẫn tới nguy cơ mắc các bệnh lây qua đường tình dục, gia tăng tỉ lệ vô sinh hiếm muộn. "Thực tế, việc mắc bệnh tình dục, hay nạo phá thai nhiều lần sẽ góp phần làm giảm cơ hội làm cha, làm mẹ đáng kể. Một người quan hệ năm 17-18 tuổi, nhưng đến 30 tuổi mới lập gia đình, thì trong hơn 10 năm đó, nếu họ quan hệ không an toàn dẫn tới mắc bệnh, phá thai... thì nguy cơ vô sinh luôn hiện hữu", bà Dung cảnh báo.

Theo bác sĩ Dung, khi kết hôn muộn, lại hiếm muộn, một cặp vợ chồng sẽ phải chịu "gánh nặng kép" về kinh tế, tinh thần, khi vừa chịu áp lực tâm lý, vừa có thể phải dồn tiền tích cóp bấy lâu vào việc chữa vô sinh. Ngoài ra, khi kết hôn muộn ở tuổi ngoài 30, cả nam và nữ đã trải qua “giai đoạn vàng” sinh nở, nên dễ đối mặt với nhiều vấn đề, chẳng hạn phụ nữ ngoài 35 tuổi mới sinh con đầu lòng thì nguy cơ dị tật ở trẻ, tai biến khi mang thai hoặc khó có con do chất lượng trứng, tinh trùng kém... thường cao hơn. 

Cần thay đổi tư tưởng, nhất là bình đẳng giới để khuyến khích kết hôn sớm

Dưới góc độ xã hội, TS Khuất Thu Hồng (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội) cho rằng, kết hôn muộn là xu hướng được nhiều người lựa chọn hiện nay. Nguyên nhân là do tư tưởng yêu đương cởi mở hơn, họ ưu tiên sự nghiệp học hành, kinh tế vững chắc sau đó mới lập gia đình. 

Nhiều người kết hôn muộn vì muốn ổn định cuộc sống trước hoặc cũng có thể do sợ sự đổ vỡ sau hôn nhân. Ảnh minh họa. 

Theo bà Hồng, thực tế người Việt vẫn luôn hướng về gia đình, thích con cái nhưng họ kết hôn muộn hơn vì lo gánh nặng kinh tế sau khi sinh con. Vì thế, nhiều người lựa chọn việc kết hôn muộn để đảm bảo một cuộc sống thật vững chắc trước khi lập gia đình.

Không chỉ vậy, phụ nữ Việt luôn bị mặc định về những vai trò trong gia đình, chẳng hạn, ngoài sinh con, chăm sóc con cái, họ còn chăm sóc bố mẹ già, lo thu vén chuyện nhà cửa, trong khi vẫn phải đi làm kiếm tiền. Chính đều đó khiến nhiều người “sợ” kết hôn, sợ đổ vỡ sau hôn nhân nên chấp nhận đơn thân hoặc kết hôn muộn.  

Để giải quyết “bài toán” này, TS Khuất Thu Hồng cho rằng, ngoài việc có chính sách khuyến khích thanh niên kết hôn sớm trước 30 tuổi thì cũng nên thay đổi quan niệm về bình đẳng giới trong xã hội. Theo đó, cần giải phóng phụ nữ ra khỏi những trách nhiệm khuôn mẫu, người đàn ông cũng cần chia sẻ việc nhà để phụ nữ thoải mái tư tưởng, phấn đấu cả công danh, sự nghiệp từ đó họ sẽ muốn kết hôn và sinh con sớm hơn.

Ngoài ra, việc có những chính sách an sinh xã hội cũng rất quan trọng, bởi không chỉ phụ nữ mà ngay cả nam giới khi sự nghiệp, kinh tế chưa ổn định cũng không muốn kết hôn. Vì thế, ở những nơi tỉ lệ kết hôn muộn cao như TP Hồ Chí Minh hay một số thành phố lớn, càng cần có chính sách hỗ trợ việc làm, nhà ở để họ an cư, từ đó sẽ nghĩ đến việc kết hôn và sinh con.

Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 588/QĐ-TTg 2020 phê duyệt "Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030" trong đó có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân sớm kết hôn, sinh con.

Mục tiêu của Chương trình nhằm tăng 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh thấp; giảm 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh cao. Ngoài ra, chính sách này còn hướng đến việc đảm bảo chất lượng dân số, nguồn nhân lực, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững đất nước.

Tin liên quan