Thanh niên 26 tuổi tử vong vì ung thư, bác sĩ cảnh báo dấu hiệu tuyệt đối không bỏ qua
Thông tin về tình hình ung thư tại khoa Khám bệnh, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, Th.BS Thân Văn Thịnh - Phó khoa Khám bệnh cho biết, 8 tháng đầu năm, bệnh viện phát hiện mới 3.306 ca mắc ung thư. Con số tăng rất nhiều so với các năm trước và cao nhất trong 5 năm trở lại đây.
Theo Ths.BS Thịnh, nguyên nhân là do dịch Covid-19 người dân không có điều kiện đi thăm khám. Sau dịch, bệnh nhân đến khám tăng vì vậy số ca mắc được phát hiện nhiều hơn.
Ths.BS Thịnh thông tin thêm nhiều bệnh nhân chủ quan vì vậy dẫn đến việc phát hiện ung thư ở giai đoạn muộn. Điển hình là bệnh nhân nam 26 tuổi (Long Biên, Hà Nội) có tiền sử uống nhiều bia rượu. Miêu tả về nam thanh niên này có thể dùng từ: “Uống đến quên ăn, quên ngủ”.
Sau một thời gian lạm dụng đồ uống có cồn, người bệnh phát hiện vết loét ở lưỡi. Nam thanh niên đến quầy thuốc được cho là bị nhiệt miệng và dùng kháng sinh, chống viêm, giảm đau nhưng các triệu chứng không thuyên giảm.
Do ăn uống đau nhức, bên cạnh điều trị bằng kháng sinh, nam thanh niên còn điều trị vết thương ở miệng bằng cách uống thuốc nam và đắp các loại lá. Vài tháng sau, bệnh không thuyên giảm, anh mới đến Bệnh viện Ung bướu Hà Nội thăm khám trong tình trạng chảy máu miệng, hôi thối, có hiện tượng xâm lấn.
Từ kết quả sinh thiết, các bác sĩ kết luận người bệnh mắc ung thư lưỡi giai đoạn 4. Nhận kết quả, thanh niên trẻ vô cùng sững sờ. Lúc này người bệnh đã bỏ qua “giai đoạn vàng” để điều trị, không thể phẫu thuật. Sau 1 năm người bệnh qua đời. “Bệnh nhân tử vong do nhiều nguyên nhân trong đó có nguyên nhân suy kiệt do không thể ăn uống. Đây là trường hợp rất đáng tiếc, khi bệnh nhân chủ quan với dấu hiệu nhỏ dẫn đến bệnh tiến triển nặng”. Từ đó, Ths.BS Thịnh khuyến cáo, khi xuất hiện vết loét, tổn thương trên da kéo dài (trên 3 tuần), người dân nên đi tầm soát để phát hiện bệnh, điều trị sớm.
Yếu tố nguy cơ gây bệnh ung thư
Theo GLOBOCAN, Việt Nam xếp thứ 91/185 về tỷ suất mắc mới và thứ 50/185 về tỷ suất tử vong trên 100.000 người. Tỷ lệ tử vong ở Việt Nam phổ biến nhất là ung thư gan, ung thư phổi, ung thư vú, ung thư đường tiêu hóa (dạ dày, đại- trực tràng) ung thư máu, tiền tuyến giáp, ung thư cổ tử cung.
Nguyên nhân gây ung thư, theo Ths.BS Thân Văn Thịnh, chưa được chứng minh, nhận định rõ ràng. Ths.BS Thịnh nêu một số nhóm nguy cơ có thể gây ung thư:
- Nguyên nhân do ô nhiễm môi trường sống, môi trường làm việc như nhiễm xạ không khí, nhiễm xạ nguồn nước… Ô nhiễm phóng xạ gây ra ung thư, đặc biệt ung thư giáp, ung thư máu, ung thư hạch. Ung thư da do tiếp xúc kéo dài với tia tử ngoại của ánh nắng mặt trời. Ung thư da bìu ở thợ sửa ống khói do tiếp xúc “mồ hóng”. Ung thư bàng quang hay gặp công nhân làm nghề tiếp xúc thuốc nhuộm vải…
- Nguyên nhân từ thói quen, tập tục ăn uống: Uống rượu, bia kéo dài gây một số bệnh ung thư khoang miệng, ung thư thực quản. Hút thuốc lá nguy cơ ung thư phổi, bàng quang… Ăn nhiều đồ muối, đồ nướng có liên quan ung thư dạ dày, nên tỷ lệ mắc cao ở các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc… (những nước có tập quán ăn nhiều đồ sống, muối, đồ nướng), ăn nhiều đồ mỡ cũng được cho là dẫn đến ung thư đại trực tràng. Thực phẩm nhiễm nấm mốc như lạc mốc, ớt mốc đặc biệt chủng nấm Aspergillus Flavus dễ gây ung thư gan.
- Nguyên nhân do nhiễm khuẩn, virus: Ung thư vòm mũi họng, ung thư hạch liên quan virus Epstein-Barr - loại ký sinh trong môi trường đồ muối như cá muối, cua muối. Điều này cũng liên quan mật thiết đến tỷ lệ ung thư theo vùng miền. Ví dụ tỷ lệ ung thư vòm họng cao hơn ở miền Trung, miền Bắc nước ta do tập tục ăn uống của người dân. Ung thư dạ dày liên quan có tỉ lệ nhất định liên quan đến nhiễm vi khuẩn HP(Helicobacter Pylori) kéo dài… Nhiễm virus viêm gan B, C gây ung thư gan hay ung thư cổ tử cung, ung thư vùng vòm mũi họng do nhiễm virus HPV (lây truyền qua quan tình dục không an toàn) .
- Nguyên nhân do dùng thuốc hay các phương pháp can thiệp y học: Ung thư thứ phát sau điều trị hóa chất, xạ trị như: Ung thư tuyến giáp dễ gặp bệnh nhân sau xạ trị vùng đầu cổ, ung thư vú có thể dễ gặp hơn trên phụ nữ can thiệp thẩm mỹ, ung thư vú và nội mạc tử cung cao hơn khi đối tượng sử dụng thuốc tránh thai kéo dài…
- Ngoài ra, một số ung thư do yếu tố gia đình, ví dụ ung thư đại trực tràng trong bệnh đa polyd gia đình. Ung thư vú, ung thư buồng trứng dễ mắc ở những phụ nữ có bà ngoại, mẹ, chị em gái bị trước đó.
- Ngày nay do lối sống lười vận động, dẫn đến béo phì cũng là điều kiện thuận lợi cho gia tăng liên quan một số bệnh ung thư: Dạ dày, đại trực tràng, vú…
Bí quyết giúp dự phòng ung thư
Ths.BS Thân Văn Thịnh cũng đưa ra các biện pháp dự phòng ung thư. Cụ thể, đầu tiên bệnh nhân phải ăn uống thực phẩm sạch, thực phẩm tránh nhiễm phóng xạ, tránh chất độc hại như thuốc trừ sâu, chất bảo quản thực phẩm, tránh thực phẩm nguy cơ gây ung thư đồ muối, đồ nướng, đồ mốc, hạn chế ăn thịt bảo quản
Người dân nên hạn chế dùng đồ uống có ga, có cồn như rượu bia để tránh ung thư thực quản, khoang miệng (ung thư lưỡi, niêm mạc miệng, amydal, hạ họng…). Nam bác sĩ cũng thông tin, vào dịp đầu năm mới, có ngày, bác sĩ thăm khám và sàng lọc 16 ca ung thư thực quản/ngày do liên quan đến yếu tố uống nhiều rượu bia. Không hút và bỏ thuốc lá (thuốc lá truyền thống và thuốc lá điện tử) tránh nguy cơ ung thư phổi.
Một số yếu tố do thói quen sinh hoạt không khoa học, lười vận động béo phì. Cụ thể béo phì làm tăng tỉ lệ mắc ung thư vú, đại trực tràng, ung thư dạ dày… nên việc tập thể dục, chơi thể thao, kiểm soát cân nặng vô cùng quan trọng. Vận động cùng dinh dưỡng tốt, giảm Stress góp phần giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư.
Trong quá trình làm việc, người lao động cần tăng cường bảo hộ lao động, tránh tiếp xúc các yếu tố như chì, asen… - những yếu tố có thể gây ung thư, đặc biệt ung thư tuyến giáp. Bên cạnh đó, người làm việc ngoài trời cũng cần có biện pháp chống ánh nắng mặt trời do liên quan ung thư da.
Th.BS Thịnh cũng nhấn mạnh, chúng ta nên hạn chế ăn thịt đỏ, tăng cường rau củ quả. Người dân cần tiêm vắc xin phòng một số bệnh ung thư như ung thư cổ tử cung, ung thư gan (vắc xin ngừa HPV, viêm gan B).
Đặc biệt, điều quan trọng là người dân nên khám sức khỏe định kỳ, tầm soát các loại ung thư để phát hiện và điều trị bệnh sớm.
Điều gì xảy ra khi đội mũ vào mùa đông?
Đội mũ vào mùa đông không chỉ để chống lạnh mà còn mang lại những lợi ích sức khỏe không...
Người Nhật ăn gì để giảm gãy xương?
Một số chuyên gia đã phát hiện ra rằng mặc dù lượng canxi hấp thụ của người Nhật thấp hơn...
Khảo sát 36.000 người trên 40 tuổi phát hiện: Đây thời gian đi bộ mỗi ngày để tăng thêm 11...
Nếu muốn gia tăng tuổi thọ, đây là phương pháp hữu hiệu bạn nên áp dụng.
7 sai lầm trong chế độ ăn uống nên tránh để ngăn ngừa bệnh tiểu đường!
Bệnh tiểu đường là một tình trạng kéo dài suốt đời, có nghĩa là nó không thể đảo ngược được....