Lười uống nước, 300 viên sỏi thận “hỏi thăm”

Từng phẫu thuật cho nhiều bệnh nhân bị sỏi thận, bác sĩ Nguyễn Đình Liên, Khoa Ngoại – Tiết niệu, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tiếp nhận đặc biệt lưu ý tới một trường hợp số lượng sỏi thận “khủng” lên tới 300 viên.

Trong 300 viên sỏi “lúc nhúc” trong thận bệnh nhân có một viên “sỏi san hô” kích cỡ lớn”. Số lượng sỏi thận lớn khủng khiếp này đã gây đau đớn rất nhiều cho người bệnh trong nhiều năm trời.

Sỏi lúc nhúc trong thận bệnh nhân. Ảnh: BSCC

“Sỏi thận là hiện tượng chất khoáng trong nước tiểu lắng đọng lại ở thận, lâu ngày tạo thành sỏi. Bệnh chủ yếu gặp ở những người lao động nặng nhọc, lười uống nước nhưng lúc uống lại uống quá nhiều.

Tuy nhiên, chị em hay bị viêm nhiễm đường sinh dục cũng khiến vi khuẩn có cơ hội xâm nhập, khiến viêm đường tiết niệu, lâu dần lắng đọng các chất bài tiết của cơ thể và gây nên sỏi thận. Nếu không điều trị triệt để sỏi thận có thể dẫn đến kết cục suy thận rất nguy hiểm”, bác sĩ Liên cho hay.

Chớ coi thường bệnh sỏi thận!

Theo bác sĩ Liên, nếu sỏi thận kích cỡ nhỏ, số lượng ít có thể tự đẩy ra ngoài theo đường nước tiểu.

Bác sĩ Nguyễn Đình Liên, Khoa Ngoại – Tiết niệu, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Ảnh: Thu Hà

Tuy nhiên, nếu được hỗ trợ thêm bằng các phương pháp vật lý thì hiệu quả sỏi tự đẩy ra khỏi cơ thể sẽ cao như vỗ hông lưng, nhảy dây, tư thế “trồng cây chuối”.

Vỗ hông lưng: Động tác này sẽ tạo ra những đợt “sóng vỗ” có tác dụng rung lắc làm cho viên sỏi trên thận rơi xuống thấp. Dòng nước tiểu trên đài bể thận được đổ dồn xuống thấp tạo ra những đợt thác đẩy viên sỏi niệu quản chui xuống dưới, ngoài ra với lực xoáy vào viên sỏi, dòng nước tiểu có tác dụng bào mòn viên sỏi.

Chạy, nhảy dây: Khi di chuyển, viên sỏi sẽ có lực hút thuận lợi xuống thấp. Ngoài ra lượng nước tiểu trong lòng bể thận niệu quản trên sỏi sẽ di động dội xuống dưới đập vào viên sỏi và lách qua khe giữa lòng niệu quản và bề mặt viên sỏi.

Tư thế “trồng cây chuối”: Tư thế này áp dụng khi viên sỏi thận nằm ở đài dưới. Do đó muốn sỏi di chuyển xuống niệu quản cần phải đưa sỏi lên bể thận hoặc đài trên, đài giữa để sỏi rơi xuống bể thận niệu quản. Tư thế trồng cây chuối là một tư thế đáp ứng được điều kiện trên, hoặc tư thế nằm nghiêng 45 -75 độ, đầu dốc trên ghế nghiêng.

Sỏi thận nếu không được điều trị triệt để sẽ có thể gây suy thận. Ảnh: BSCC

Với các phương pháp vỗ rung hông lưng, bác sĩ Liên đã từng gặp trường hợp bệnh nhân nữ ra thêm 22 viên sỏi vỡi kích thước trung bình.

“Nếu gặp các triệu chứng như hay bị đau ở vùng lưng, háng hay dưới xương sườn, cảm giác đau khi đi tiểu, nước tiểu có mùi hôi, hòa lẫn máu, đi tiểu liên tục, hay bị sốt, cảm giác ớn lạnh thì hãy đi khám để được phát hiện bệnh từ sớm và được điều trị đúng phương pháp. Tuyệt đối không tự ý uống thuốc, chữa sỏi thận theo truyền miệng khiến tiền mất tật mang”, bác sĩ Liên khuyến cáo.

Bác sĩ Liên tư vấn thêm khi có sỏi thận, bệnh nhân cần đến gặp bác sĩ để được tư vấn chế độ ăn, khẩu phần ăn uống hợp lý. Nếu không bị bệnh viêm dạ dày hoặc mang thai thì bệnh nhân có thể uống sinh tố đu đủ chín, dứa ngọt, ăn canh đu đủ xanh nhằm bào mòn và tống sỏi ra khỏi cơ thể. 

Phòng bệnh sỏi thận bằng cách: 

- Uống đủ nước. 

- Hạn chế ăn muối và protein động vật.

- Tham vấn ý kiến bác sĩ trước khi dùng thực phẩm bổ sung can-xi.