Phát hiện ung thư lúc 8 tuần

Ca phẫu thuật được PGS Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản trung ương thực hiện. Thai phụ đặc biệt là chị Nguyễn Thị Liên (28 tuổi, quê Hà Nam).

Chị Liên phát hiện bị ung thư vú khi mang thai ở tháng thứ 4. Ban đầu, từ 8 tuần thai chị đã thấy ngực có các u cục nhưng lại nghĩ đó là dấu hiệu của người mang thai và chị Liên cũng không đi khám gì.

Tuy nhiên, càng ngày chị càng bị ho, người mệt mỏi, đau tức ngực và xuất hiện hạch ở vai. Chị Liên mới đến Bệnh viện K trung ương kiểm tra. Bác sĩ khám và chẩn đoán chị Liên bị ung thư vú giai đoạn 4, di căn. Nhận kết quả chẩn đoán bệnh, chị Liên như sét đánh ngang tai. Chị sốc và coi như mọi thứ đã dừng lại với mình. Lúc này, chị chỉ còn hy vọng duy nhất là chiến đấu với bệnh tật để bảo vệ con.


Các bác sĩ mổ cho bệnh nhân - Ảnh BVCC

Sau khi các bác sĩ của Bệnh viện K và Bệnh viện Phụ sản trung ương cùng tư vấn cho gia đình chị Liên về việc điều trị bệnh cũng như các biến chứng thai nghén có thể xảy ra. Không chút lưỡng lự, chị Liên quyết định giữ thai với hy vọng chỉ cần được nhìn mặt con.

Nhằm thực hiện mong muốn duy nhất của bà mẹ trẻ, chị Liên cùng với các bác sĩ bước vào cuộc chiến với bệnh ung thư và bảo vệ sinh linh bé bỏng trong bụng chị.

22 tuần, chị Liên bắt đầu lên bệnh viện K điều trị hoá chất. Các bác sĩ theo dõi rất sát sao. Chị điều trị hai liệu trình hoá chất và tiếp tục được theo dõi thai nhi, đánh giá sự phát triển của thai.

Bệnh ung thư kèm theo tác dụng phụ của hoá chất khiến thể lực của người mẹ ngày càng yếu. Chị Liên bắt dầu khó thở. Hàng ngày, chị không thể nằm mà chỉ ngồi thở.

Căn bệnh ung thư vú di căn xương, phổi khiến chị Liên đau đớn ngủ cũng không được. Ngồi 24/24 và bị những cơn đau hành hạ. Chị Liên tự nhủ mình sẽ cố gắng đến cùng để có thể giúp con mạnh khoẻ nhất.

Đến ngày 22/5, thai nhi được 31 tuần. Các bác sĩ đánh giá sức khoẻ của chị Liên không thể đảm bảo cho việc nuôi dưỡng thai nhi nên đã quyết định phẫu thuật lấy thai.

Ca mổ đặc biệt

Trước ca mổ, các bác sĩ đều động viên chị Liên vì chị sắp được nhìn mặt con. Còn với chị Liên, chỉ mong ước ca mổ thành công giúp chị có thể nhìn mặt con được một lần. Dù chỉ một lần với bà mẹ này đã vô cùng mãn nguyện.

Các bác sĩ không thể gây mê cho chị mà chỉ gây tê tuỷ sống. Chị Liên tỉnh táo trong ca mổ. Do không thể nằm như những sản phụ thông thường khi mổ đẻ, chị Liên được bác sĩ cho ngồi mổ đẻ.

Cháu bé sơ sinh được đưa về BV Phụ sản trung ương chăm sóc - Ảnh BVCC 

Ca mổ do trực tiếp PGS Cường mổ. Một bé trai 1,5 kg cất tiếng khóc chào đời trong sự vỡ oà hạnh phúc của cả ekip bác sĩ và người mẹ đáng thương.

Sau khi chào đời, được nhìn mẹ và bé sơ sinh nhanh chóng được đưa về Bệnh viện Phụ sản trung ương để chăm sóc đặc biệt. Cháu bé được chị Liên đặt tên là Đỗ Bình An với hi vọng cháu sẽ bình an suốt cuộc đời.

Bác sĩ Nguyễn Tiến Đức, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện K cho biết, bệnh nhân Liên nhập viện khi mang thai 22 tuần, thể trạng sức khỏe yếu, suy hô hấp khó thở, tràn dịch màng phổi. 

Gia đình và bệnh nhân đều thống nhất giữ thai nên các bác sĩ của Bệnh viện K đã phải hội chẩn với Bệnh viện Phụ sản Trung ương thống nhất cố gắng duy trì em bé ở trong bụng mẹ được ngày nào tốt ngày ấy.  

Đến ngày 22/5 thì không thể giữ thai vì nguy cơ tử vong ở người mẹ xảy ra bất cứ lúc nào. Các bác sĩ cũng không gây mê được cho chị Liên vì sợ ca mổ xong chị không tỉnh lại. Nhưng thật may mắn ca mổ đã thành công.

Cháu bé chào đời khoẻ và chị Liên được các bác sĩ bệnh viện K chăm sóc trong thời gian tới để hồi phục sức khoẻ, tiếp tục điều trị ung thư.

Ca mổ đặc biệt này khiến các bác sĩ lại nhớ tới ca mổ cho nữ thiếu uý công an Đậu Thị Huyền Trâm vào năm 2015 khi chị Trâm bị ung thư phổi giai đoạn cuối.