Thai nhi mang bướu khủng: không cần đình chỉ thai kỳ
Điều đáng nói, mẹ bé từng được nhiều người khuyên “bỏ” khi phát hiện thai dị tật vào tuần 21.
Bé gái may mắn này còn chưa kịp đặt tên và hồ sơ bệnh án lấy tên người mẹ Liêu Thị Ngọc M. Anh Phạm Ngọc Tiến, ở tỉnh Bến Tre - ba của bé kể: “Khi vợ mang thai, tôi đưa vợ đi khám đều đặn, sức khỏe con bình thường. Nhưng đến tuần thai 21, siêu âm ở phòng mạch tư tại Bến Tre, bác sĩ (BS) ghi “phát hiện một khối nhưng không rõ khối gì” và khuyên lên TP.HCM khám kỹ”.
Bé gái sơ sinh với khối bướu gấp rưỡi cơ thể
Ngay sau đó, vợ chồng chị M. khăn gói lên Bệnh viện Hùng Vương khám. Kết quả siêu âm cho thấy: thai nhi có khối bướu quái vùng cùng cụt do những tế bào chuyển động trong túi thai hình thành. Gia đình họp bàn, ý kiến anh chị em là “bỏ thai” vì nghe bướu quái là sợ đứa trẻ sẽ sinh ra với hình hài dị dạng.
Thế nhưng chị M. thuyết phục mọi người: “BS khuyên theo dõi thai và tái khám nên em sẽ giữ con đến cùng”. Ngày 20/3, ở tuần 35 chị M. nhập viện Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu (tỉnh Bến Tre) để mổ bắt con - vì BS cho biết thai kỳ kéo dài với khối bướu lớn của bé thì nguy hiểm cho cả mẹ lẫn con. Ngay khi bé ra đời, nặng 5,2kg với khối bướu ở vùng mông to gấp đôi cơ thể, BS cho chuyển bé lên Bệnh viện Nhi đồng 1.
Thạc sĩ - bác sĩ Đào Trung Hiếu - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 - cho biết: khối bướu của bé được xác định có kích thước rất lớn với đường kính 30cm - trong khi trên thế giới mới ghi nhận ca bướu tương tự đường kính 20cm. Tuy bé tỉnh táo, sức khỏe bình thường, nhưng nhìn màu sẫm của khối bướu và xét nghiệm cho thấy hồng cầu tuột - dấu hiệu khối bướu đang bị xuất huyết.
Nếu can thiệp trễ thì nguy cơ bé tử vong là chắc chắn. Trên thực tế, bệnh viện từng tiếp nhận một trường hợp có khối bướu tương tự, nhưng đã tử vong do được đưa đến muộn. Bệnh lý này, tỷ lệ bé gái bị nhiều hơn bé trai.
[Thai nhi mang buou khung: khong can dinh chi thai ky]
Sau ca phẫu thuật, bé đã được trả lại hình hài nguyên vẹn
Vì vậy, ê-kíp khoa Ngoại tổng hợp hội chẩn với BS gây mê, chẩn đoán hình ảnh… quyết định phẫu thuật ngay - phải trước 24g sau khi bé sinh mới có cơ hội cứu sống bé, dù đây thật sự là ca mổ nói theo BS Hiếu là “muôn vàn khó khăn”.
Lúc 9g ngày 21/3 ca phẫu thuật bắt đầu và kết thúc lúc 11g. Khối bướu nặng 3,1kg được cắt, bé được trả về cân nặng bình thường của trẻ sơ sinh: 2,1kg. Chỉ một ngày sau, bé được cai máy thở và tự bú trong niềm vui của gia đình và ê-kíp phẫu thuật.
Không chỉ trường hợp này, có khá nhiều thai phụ khi đi siêu âm, thai nhi được xác định có bướu thì gia đình hoang mang tột cùng và quyết định bỏ thai. Chị Nguyễn Mỹ N., ở huyện Thốt Nốt, TP.Cần Thơ cũng từng bỏ thai khi 23 tuần tuổi vì siêu âm cho thấy bé có khối bướu to cũng ở vị trí như bé gái nói trên.
Đến nay, chị vẫn còn day dứt vì đã nghe lời hàng xóm bỏ con - dù BS khám thai không khuyên bỏ. Trong khi đó, theo BS Hiếu, đối với u quái vùng cùng cụt, khả năng chữa lành gần 100%, nếu bé được can thiệp sớm - tốt nhất là trong 12g đầu sau sinh.
“Thai phụ khi đi khám thai, siêu âm nếu phát hiện có bướu quái vùng cùng cụt không nên quá lo lắng mà đình chỉ thai kỳ, vì đây là bệnh lý chữa được, chữa khỏi nên không có lý do gì để bỏ thai”, BS Hiếu khuyên.
Khi nào thai phụ cần tiêm vaccine uốn ván?
Vợ tôi có thai được 5 tháng và chưa tiêm vaccine uốn ván. Vậy, bác sĩ cho tôi hỏi khi...
Mắc bệnh tiểu đường có được ăn đường không?
Trong điều trị bệnh tiểu đường, dinh dưỡng là phương pháp điều trị không dùng thuốc được áp dụng đầu...
Loại sán dễ mắc khi ăn các loại rau mọc dưới nước
Mẹ tôi rất thích ăn rau sống, gần đây lại có biểu hiện sốt nhẹ, mệt mỏi, da sẩn ngứa....
Chồng ngủ ngáy to quá, tôi phải làm thế nào?
Thông thường, người ngủ ngáy to không biết là mình gây ồn ào làm phiền người bên cạnh.