Ở tuần thứ 20, cân nặng cũng như chiều cao của thai đã có sự thay đổi rõ rệt, bé đã lớn và phát triển nhanh hơn nên sẽ hấp thụ nhiều dinh dưỡng từ mẹ hơn. Ngoài ra, trong giai đoạn này, thay vì chán ăn, buồn nôn như 3 tháng đầu thai kỳ thì mẹ bầu lại thay đổi "180 độ" và luôn có cảm giác thèm ăn, kể cả trong khi ngủ.

Vậy cơ thể mẹ bầu thay đổi ra sao ở tuần 20 của thai kỳ?

Vào tuần thứ 20 của thai kỳ, mẹ bầu sẽ rất dễ mắc phải các triệu chứng như giãn tĩnh mạch, ợ nóng, ợ chua,... là do tử cung của thai phụ giãn nở mạnh khiến dây chằng bị chèn ép và ảnh hưởng đến các cơ quan khác của cơ thể.

Đồng thời, tim của mẹ sẽ phải hoạt động liên tục để cung cấp đủ máu nuôi dưỡng thai nhi. Từ đó, làm tăng áp lực lên các mạch máu ở chân, dễ gây ra các bệnh liên quan đến tĩnh mạch như phù nề tay, chân. Tuy nhiên, hầu hết các triệu chứng này sẽ biến mất sau khi sinh em bé.

Mang thai 20 tuần là thời điểm mẹ bầu đã đi được một nửa chặng đường bầu bì gian nan và nặng nhọc, lúc này em bé đã có sự phát triển đáng kể đồng thời cơ thể của mẹ cũng có những thay đổi cho phù hợp với thai kỳ. (Ảnh minh họa: Internet)

Cũng trong tuần 20 của thai kỳ, mẹ bầu cũng sẽ gặp một số vấn đề nhỏ liên quan đến da như mụn, dị ứng mỹ phẩm. Bên cạnh đó, thai phụ còn dễ mắc phải các triệu chứng khó chịu như khó tiêu và táo bón. Do vậy, thai phụ nên uống nhiều nước, bổ sung chất xơ và hạn chế ăn đồ cay nóng và thực phẩm đóng hộp. 

Bên cạnh đó, bụng bầu trong tuần này cũng to hơn hẳn và cân nặng của mẹ bầu cũng tăng lên gây ra nhiều khó khăn trong sinh hoạt. Cạnh đó, mẹ bầu còn có thể thường xuyên đãng trí, thế nhưng đây cũng chỉ là chuyện bình thường đối với các bà bầu.

Thai 20 tuần phát triển ra sao?

Thai 20 tuần tuổi đã phát triển rất nhanh về cả chiều cao lẫn cân nặng. Theo đó, bé có thể đạt cân năng khoảng 340g và dài khoảng 27cm. Đồng thời, lớp mỡ ở dưới da thai nhi cũng đã dày hơn trước kia nên mẹ bầu cần có một chế độ ăn uống điều độ, bổ sung thêm chất đạm, chất sắt và canxi để bé chắc xương.

Lông mày, mí mắt, móng tay cũng như bộ phận sinh dục của bé cũng đã bắt đầu hình thành và phát triển. Ngoài ra, thai nhi có thể mút ngón tay cái của mình nhưng hành động này vẫn chưa thực sự phát triển đầy đủ trong giai đoạn này. Bên cạnh đó, thai nhi lúc này bắt đầu sản xuất phân su và có thể thải phân su ngay trong tử cung.

Dinh dưỡng cho mẹ bầu tuần thứ 20 của thai kỳ

Chế độ ăn uống hợp lý, khoa học là điều rất quan trọng với mẹ bầu mang thai tuần thứ 20. (Ảnh minh họa: Internet)

Để đảm bảo không tăng cân quá nhiều trong quá trình mang thai, mẹ bầu nên có một chế độ ăn uống hợp lý và giảm bớt lượng thức ăn tiêu thụ ở các bữa chính. Thay vào đó, thai phụ nên chia nhỏ các bữa ăn và có ăn vặt để hạn chế cơn thèm ăn và vẫn cũng cấp đủ dưỡng chất nuôi thai nhi.

Cung cấp đầy đủ và đa dạng tất các loại dưỡng chất, đặc biệt là chất sắt cho thai nhi bởi đây là thời điểm bé đang phát triển và cần nhiều hồng cầu có trong chất sắt. Theo đó, mẹ có thể ăn nhiều thịt lợn, thịt bò, các loại đậu, ngũ cốc, bột yến mạch, lúa mì,... để bổ sung thêm sắt. 

Thai phụ nên ăn nhiều rau canh và trái cây như cam, bưởi, chuối, cải xoăn, súp lơ, rau bina... để cung cấp thêm khoáng chất và vitamin cho cơ thể.

Một số lời khuyên cho bà bầu mang thai tuần 20

Nên dành nhiều thời gian thư giãn để tinh thần thoải mái và cơ thể khỏe khoắn hơn. Theo đó, thai phụ mang thai tuần 20 có thể nghe nhạc, đọc sách, tập yoga, tắm nước ấm,... 

Lưu ý nên kiểm soát cân nặng và duy trì chế độ ăn hợp lý, khoa học nhưng vẫn cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng để nuôi dưỡng thai nhi phát triển.

Uống đủ nước để phòng ngừa táo bón thai kỳ, đồng thời hạn chế ăn đồ cay nóng và tuyệt đối không sử dụng chất kích thích cũng như đồ uống có cồn.