Lấy mẫu xét nghiệm tầm soát cho cán bộ, nhân viên Bệnh viện Quân y 175 Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Dịch COVID-19 quay trở lại hoành hành vào thời điểm Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Hàng ngàn cán bộ y tế tham gia tuyến đầu chống dịch, vì thế cũng bỏ lỡ khoảnh khắc sum vầy bên gia đình, người thân. Họ, những con người bình dị đã hy sinh niềm vui Tết của cá nhân để trọn vẹn hơn mùa Xuân của cộng đồng, của đất nước.

Tết đặc biệt ở “điểm nóng” COVID-19

Những ngày cận Tết Nguyên đán, nhận được lệnh “chi viện” cho Bệnh viện Dã chiến Củ Chi, chị Nguyễn Thị Phương Trang, điều dưỡng Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh tức tốc gửi con cho ông bà ngoại để lên đường làm nhiệm vụ.

Dẫu biết rằng chuyến công tác này sẽ kéo dài đến qua Tết Nguyên đán nhưng chị Trang vẫn sẵn sàng lên đường bởi “ngoài kia nhiều đồng nghiệp còn vất vả, gian khổ hơn mình."

"Đây là cái Tết đầu tiên mình xa con, nhớ con lắm nên mỗi ngày đều gọi điện trò chuyện với con, hẹn con sau khi hoàn thành nhiệm vụ sẽ bù đắp cho bé," chị Trang tâm sự.

Còn điều dưỡng Lê Trương Đạt, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã phải tạm gác lại niềm vui của mình để nhận nhiệm vụ tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi.

“Theo kế hoạch, mình dự định làm đám hỏi vào ngày 24 tháng Chạp nhưng vì nhận nhiệm vụ gấp nên buộc phải hoãn lại. Rất may là bạn gái của mình cũng hiểu, thông cảm và chúng mình đã cùng hẹn một ngày đẹp sau Tết để tổ chức sự kiện trọng đại của cuộc đời," anh Đạt cho hay.

Bệnh viện Dã chiến Củ Chi - nơi đang điều trị cho hơn 40 bệnh nhân mắc COVID-19 - trải qua cái Tết đầu tiên thật đặc biệt.

Bác sỹ Trần Chánh Xuân, Phó Giám đốc bệnh viện, cho hay tua trực Tết Nguyên đán có 40 nhân viên y tế được điều động từ nhiều bệnh viện khác của thành phố. Đến mùng 9 Tết, tua trực mới kết thúc và sẽ có êkíp khác đến thay thế.

"Lãnh đạo Sở Y tế đã chuẩn bị đầy đủ các loại bánh chưng, bánh tét, bánh mứt, thịt kho… để mọi người đều được đón Tết như ở nhà. Thế nhưng, dù sao đây cũng là một cái Tết thật đặc biệt với tất cả chúng tôi," bác sỹ Xuân chia sẻ.

Trước thời khắc giao thừa, khi các nghi thức chúc tụng, vui Xuân sắp bắt đầu thì tất cả phải hoãn lại bởi một ca mắc COVID-19 được chuyển đến. Sau khi thực hiện xong công việc bàn giao, tiếp nhận, bố trí phòng bệnh, hậu cần cho bệnh nhân thì thời khắc giao thừa cũng đã qua đi. Đêm giao thừa vì thế cũng trở nên lặng lẽ! Nhiều nhân viên y tế đã tranh thủ thời gian gọi điện về cho gia đình chúc Tết.

"Dù không được sum vầy cùng gia đình nhưng chúng tôi không phiền lòng bởi hy sinh điều nhỏ nhặt này nhưng có được niềm vui, sự an toàn cho người dân thì cũng hoàn toàn xứng đáng," bác sỹ Vũ Nhật Nam, chi viện từ Bệnh viện quận Bình Thạnh bày tỏ.

Cũng có bánh chưng, bánh tét và đầy đủ bánh mứt, hoa mai, hoa đào…, Tết ở Khu cách ly trung tâm quận 2 lại khiến người cách ly cảm thấy ấm lòng.

Bác sỹ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện quận 2, thành phố Thủ Đức cho biết trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn ra phức tạp, khu cách ly Trung tâm quận 2 tiếp nhận nhiều trường hợp F1 liên quan đến các ca mắc COVID-19, vì thế trong những ngày Tết cổ truyền, lãnh đạo Bệnh viện quận 2 cố gắng mang không khí xuân nhằm động viên tinh thần cho cả người phải cách ly và nhân viên y tế đang làm nhiệm vụ nơi đây.

Bà Lê Thị Thúy, một trường hợp F1 của bệnh nhân COVID-19 chia sẻ dù rất buồn vì không được đón Tết cùng gia đình nhưng ở khu cách ly vẫn có đầy đủ thực phẩm Tết, cây mai cây đào...

"Chúng tôi chia sẻ với nhau từng cái bánh, từng bịch mứt. Tết ở đây vì thế cũng ấm lắm," bà Thúy nói từ cửa sổ phòng cách ly.

"Bao giờ hết dịch mới là Tết"

Trưa 30 Tết, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn họp khẩn với Ban lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC), chính thức đưa ra kế hoạch giám sát chủ động, lấy mẫu xét nghiệm diện rộng trong cộng đồng.

Chiều 30 Tết, lệnh giám sát được phát ra, toàn bộ nhân viên Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, 21 trung tâm y tế quận, huyện và thành phố Thủ Đức tỏa ra các địa điểm xác định nguy cơ cao như nhà ga, bến xe, chợ truyền thống, đến từng khu dân cư, tận nhà người dân để triển khai việc lấy mẫu xét nghiệm.

Trong đêm 30 Tết, 2.000 mẫu giám sát chủ động cộng đồng đã được lấy. Khi mọi việc hoàn tất thì Mặt Trời đã ló dạng ở đằng đông.

“Tất cả chúng tôi đã trải qua một đêm giao thừa đáng nhớ như thế," bác sỹ Lê Hồng Nga, Trưởng Khoa Bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ.

Là đơn vị “đứng mũi chịu sào” trong đại dịch COVID-19, kể từ khi dịch bệnh bùng phát, không kể ngày thường hay ngày lễ, tất cả nhân viên của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh đều không được nghỉ phép.

Càng gần tới Tết Nguyên đán, số ca mắc đột ngột tăng cao thì lệnh “tổng động viên” cũng được ban ra. Huy động toàn bộ nhân lực, sáng đèn suốt đêm, thay nhau hoạt động 24/24… là những “mệnh lệnh” của lãnh đạo HCDC.

Từng bộ phận ai vào việc nấy, khẩn cấp lên đường, đội giám sát đi từng khu cách ly kiểm tra; đội điều tra, truy vết lên đường đến tận từng nhà dân; đội phân tích đánh giá nguy cơ sáng đèn suốt đêm tìm ra các mối liên quan giữa từng ca bệnh…

Ai cũng hối hả, tất bật với công việc chỉ với mục tiêu duy nhất “chặn đứng được chuỗi lây nhiễm tại sân bay Tân Sơn Nhất, không để lây lan ra cộng đồng."

"Chưa bao giờ chúng tôi trải qua một cái Tết với đầy áp lực như thế này. Tết thì ai cũng muốn được sum họp, nghỉ ngơi, đi chơi, nhưng khi có dịch thì chúng tôi vẫn sẵn sàng lên đường vì sự bình yên của người dân," bác sỹ Lê Hồng Nga cho hay.

Bác sỹ Nga tâm sự đây là cái Tết đặc biệt nhất kể từ khi bước chân vào nghề y. Những ngày Tết, chị không có được phút giây nghỉ ngơi đúng nghĩa, không kịp ngồi xuống ăn một bữa cơm thật đàng hoàng, cả ngày quay cuồng với điều tra, truy vết, xem xét số liệu, đánh giá tình hình…

“Thèm lắm cảm giác đi mua sắm, nấu cơm đón ông bà, mặc áo dài đẹp dạo đường hoa Xuân rực rỡ... Chỉ mong dịch mau tan,” bác sỹ Nga ước ao.

Không chỉ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật mà toàn bộ hệ thống y tế dự phòng tại 21 quận, huyện và thành phố Thủ Đức đều hoạt động hết công suất trong những ngày Tết Nguyên đán Tân Sửu. Những bước chân của cán bộ y tế dự phòng không vì Tết mà dừng lại. Không chậm lại dù chỉ một bước, ngay cả trong đêm 30, họ vẫn mải miết từng bước chân truy vết trong cộng đồng, dẫu cho muôn nơi người người đang vui vầy, đoàn viên trong Năm mới.

Bệnh viện dã chiến Củ Chi. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Tết này, ngoài Bệnh viện Dã chiến Củ Chi, các khu cách ly tập trung thì toàn Thành phố Hồ Chí Minh có gần 40 điểm phong tỏa, điều này cũng đồng nghĩa với hàng trăm cán bộ, chiến sỹ, dân quân, nhân viên y tế không được nghỉ Tết. Họ đã gác đi niềm vui sum vầy năm mới của bản thân và gia đình để mang đến sự bình yên cho người dân.

Xin được mượn những lời “động viên” của bác sỹ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh dành cho cán bộ, nhân viên y tế để tri ân về họ - những chiến binh quả cảm trên tuyến đầu chống dịch: Tết về COVID lan tràn/Anh em y tế sẵn sàng ra quân/ Miệt mài quên cả mùa Xuân/ Vượt qua bao nỗi gian truân nhọc nhằn/Sắt son chung một lời thề/"Thắng giặc COVID, mới về chơi Xuân!"/Mong cho "giặc dữ" lui binh/Anh em mình sẽ linh đình, ăn (Tết) sau!./.