Tên gọi ‘độc lạ’ của con trai sản phụ Việt đầu tiên mắc Covid-19
Sau hơn 1 tháng kể từ thời điểm chào đời trong phòng cách ly, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, em bé đã nặng 4.2kg, đang ở cùng ông bà ngoại tại Việt Trì, Phú Thọ.
Mẹ của bé, chị N.T.H. (30 tuổi) vừa được công bố khỏi bệnh chiều 16/10, sẽ được xuất viện về nhà trong một vài ngày tới. Chị H. rất háo hức mong đến ngày gặp con. “Dù khi về vẫn phải cách ly 14 ngày, không được ôm con, nhưng chỉ nghĩ đến chuyện nhìn thấy con từ xa, tôi đã hạnh phúc lắm rồi”, chị bảo.
Em bé được gia đình đặt cho tên gọi ở nhà rất độc lạ và đáng yêu: “Cô vít”. H. kể, chồng chị đã nghĩ ra cái tên này để ghi nhớ về quãng thời gian “bão táp” khi con trai ra đời.
Covid-19 đã khiến em bé chào đời không giống với những đứa trẻ bình thường. Sau sinh, em phải cách ly khỏi mẹ, theo dõi trong lồng ấp, hoàn toàn dùng sữa ngoài. Bố của em cũng chưa thể về nước do tình hình dịch vẫn căng thẳng.
Chị H. là bệnh nhân 411, cũng là sản phụ đầu tiên tại Việt Nam được ghi nhận mắc Covid-19. Chị cùng chồng sang Nga khoảng 2 năm nay để lao động, mưu sinh.
Tháng 2/2020, H. biết tin có bầu 2 tháng, cũng là thời điểm dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát phức tạp tại Nga. Lo ngại dịch bệnh, trước đó lại từng sinh non bé đầu, chị chỉ quanh quẩn ở nhà trong những tháng sau đó, hạn chế làm việc nặng và vận động mạnh. Mong ước của vợ chồng chị là tới ngày con chào đời, dịch sẽ lắng xuống để hai mẹ con an toàn nhập viện sinh.
Tuy nhiên, càng về những tháng giữa năm, tình hình dịch Covid-19 càng căng thẳng. Mỗi ngày, nước sở tại ghi nhận tới 9000-10.000 ca mắc mới, trong đó có rất nhiều người tử vong. Một sản phụ sống gần khu nhà của H. ở thành phố Matxcơva cũng đã bị nhiễm Covid-19 khi tới bệnh viện sinh con.
Thai được 7 tháng, chồng H. quyết định tới Đại sứ quán, xin cho vợ được về Việt Nam để đảm bảo an toàn khi “vượt cạn”.
Ngày 17/7, H. lên chuyến bay “giải cứu công dân” từ Liên bang Nga, quá cảnh qua Belarus để về Việt Nam. Tránh nguy cơ lây nhiễm, chị đã mặc đồ bảo hộ, đeo khẩu trang, thường xuyên sử dụng dung dịch nước rửa tay trên suốt chuyến bay.
Sau khi nhập cảnh qua sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh), sản phụ được đưa đi cách ly tập trung tại Nam Định. Đến ngày 23/7, chị bất ngờ nhận kết quả dương tính SARS-CoV-2, chuyển điều trị tại Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Nam Định.
Biết tin mắc Covid-19, H. khóc suốt đêm đầu tiên ở bệnh viện. “Cảm xúc rất hỗn độn. Chỉ có 1 mình trong căn phòng ấy, tôi cảm thấy cô độc, lại hoang mang, sợ hãi, lo cho mình, lo cho con. Tôi thậm chí đã có suy nghĩ bỏ trốn về quê để bớt đi nỗi sợ”, chị kể. Tuy nhiên, nhờ sự động viên của gia đình, chị đã bình tâm trở lại và vượt qua giai đoạn khủng hoảng ban đầu.
Hơn 3 tuần điều trị tại Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Nam Định, H. không có các triệu chứng ho, sốt,… của Covid-19. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 của chị lại diễn tiến khá phức tạp với nhiều lần âm tính - dương tính đan xen. Ngày 17/8, các bác sĩ quyết định chuyển bệnh nhân lên Khoa Virus Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương tiếp tục điều trị.
Ngay khi đón mẹ con sản phụ, các bác sĩ Khoa Ngoại Sản, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã “xây dựng” phòng đỡ đẻ với đầy đủ bàn đẻ, dụng cụ, thuốc men ngay trên Khoa Virus Ký sinh Trùng. Một phòng mổ riêng trong bệnh viện cũng được chuẩn bị để chuyển mổ nếu cần thiết.
Khoảng 5h30’ – 6h sáng ngày 10/9, chị H. chuyển dạ ở tuần thai thứ 37. Kíp hỗ trợ sinh gồm một bác sĩ, một hộ sinh được chuẩn bị kỹ vấn đề trang phục bảo hộ để đảm bảo an toàn tối đa. Ca sinh thường diễn ra an toàn, sản phụ không mất nhiều máu. Bé trai chào đời khỏe mạnh, nặng 3,8kg, không có dị tật, các chỉ số đều tốt.
H. chia sẻ, chị cảm thấy rất tủi thân khi không có chồng, người thân bên cạnh. Tuy nhiên, người phụ nữ cố nén lại cơn xúc động, giữ sức để em bé chào đời bình an. Tới khi nghe thấy tiếng con khóc, chị mới bật khóc.
Sau sinh, em bé cách ly khỏi mẹ, chuyển xuống nằm lồng ấp tại Khoa Nhi. Ngay hôm sau, bé được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2, cho kết quả âm tính. Các bác sĩ theo dõi trẻ thêm 15 ngày trước khi cho ra viện, để ông bà đón bé về quê chăm sóc.
15 ngày đầu tiên, do không có điện thoại thông minh để liên lạc, H. chỉ có thể được nghe về đứa bé qua lời kể của bà ngoại. Sau này khi con đã về nhà, chị mới có thể ngắm kỹ gương mặt con qua video. Bé rất bụ bẫm, đáng yêu, ngoan và thích ngủ. “Hầu như lần nào gọi về cũng thấy con đang ngủ. Cứ ngắm con, rồi lại dặn bà ngoại khi nào con thức nhớ báo để tôi gọi tiếp. Nhìn con cả ngày cũng không chán”, chị H. mỉm cười, kể.
Sự khỏe mạnh, đáng yêu của em bé chính là động lực để người mẹ quên đi mệt mỏi những ngày điều trị. H. tâm sự, chị có lẽ là một trong những bệnh nhân Covid-19 ở Việt Nam có thời gian dương tính nCoV lâu nhất. “Ở lại viện, nhìn thấy các chị em khác được về, tôi lại buồn khi nghĩ đến mình. Đã cách ly quá lâu rồi, tôi luôn khao khát được về với gia đình, với các con”, chị nói.
Sau 3 lần liên tiếp âm tính SARS-CoV-2, chị H. đã được Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương công bố khỏi bệnh. Dự định của chị sau khi xuất viện, hoàn thành cách ly tại nhà là dành thật nhiều thời gian bên các con, bù đắp cho con những thiệt thòi đã qua.
Dự báo thời tiết ngày 23/11: Hà Nội nhiều mây, sáng sớm trời rét, miền Trung có mưa lớn
Từ chiều tối 22 đến 23/11, khu vực Hà Tĩnh, Quảng Bình, Phú Yên và Khánh Hòa có mưa, mưa...
Nỗi oan khó nói của ông chồng bị vợ nghi ngoại tình
Không ít bà vợ cảm thấy lo lắng và bất an khi chồng ngày một sa sút, thậm chí không...
Vì sao con người lùn đi khi về già?
Giảm chiều cao là một đặc trưng điển hình của việc con người già đi. Bắt đầu từ sau tuổi...
Đàn ông cũng cần được khóc
Nhiều nam giới trao đổi rằng họ không được ai dạy về cách thế hiện tình cảm yêu thương thế...