Con người hiện đại chịu nhiều áp lực từ công việc, học tập, cuộc sống, tình trạng đột quỵ không còn là vấn đề xa lạ. Trong những năm gần đây, người ta cho rằng, đột quỵ giống như “sát thủ vô hình”, có thể cướp đi tính mạng bất cứ lúc nào, đặc biệt điều này ngày càng phổ biến ở người trẻ.

Gần đây, một tài xế taxi họ Hoàng (Trung Quốc) sau khi lái xe suốt 12 tiếng, anh trở về nhà và muốn đi tắm cho thoải mái. Bỗng nhiên, vợ anh nghe thấy tiếng động lớn trong nhà tắm, vội vàng chạy tới mở cửa thì thấy chồng ngã bất tỉnh trên sàn.

Anh Hoàng lập tức được đưa đi cấp cứu, kết quả chụp CT cho thấy có một vùng não bị xuất huyết. Dù được bác sĩ nỗ lực cấp cứu nhưng anh vẫn không qua khỏi.

Các vụ đột quỵ xảy ra trong nhiều tình huống khác nhau, trong đó có nhiều trường hợp bị đột quỵ khi đang tắm. Nếu không chú ý khi tắm có thể dẫn tới những tai nạn không thể cứu chữa.

Đột quỵ trong phòng tắm

Đột quỵ là tình trạng ngừng thở, nhịp tim yếu ớt, bệnh nhân mất ý thức, bất tỉnh, cảm giác như sắp chết, có thể tử vong trong vài phút. Nếu được cấp cứu trong thời gian “vàng”, cơ hội cứu sống bệnh nhân sẽ tăng lên đáng kể.

Những yếu tố gây đột quỵ trong phòng tắm:

- Đột tử do tim: Thông thường, bệnh nhân mắc bệnh tim có thể tử vong khi bị nhồi máu cơ tim đột ngột. Khi bị đột quỵ tim, tim sẽ ngừng đập đột ngột, ngừng cung cấp máu, máu không thể lưu thông tới các cơ quan trong cơ thể, dẫn tới tình trạng thiếu máu cục bộ, thiếu oxy lên não, gây tử vong nhanh. Đối tượng phổ biến là người bị thiếu máu cơ tim và mắc bệnh tim mạch vành.

- Đột tử không do tim: Tình trạng đột quỵ có thể xảy ra ở những bệnh nhân mắc bệnh về đường tiêu hóa, bệnh thần kinh. Chẳng hạn như bệnh nhân từng bị xuất huyết não, cao huyết áp, thuyên tắc phổi…

Những sai lầm không nên mắc phải khi tắm

Mặc dù tắm có thể giúp giải tỏa mệt mỏi, loại bỏ bụi bẩn trên cơ thể nhưng bạn nên cẩn thận đừng mắc 4 sai lầm dưới đây:

1. Tắm sai thời điểm

Buổi sáng sau khi ngủ dậy không nên tắm ngay, lúc này huyết áp thường tăng cao, nếu tắm có thể bị tai biến.

Không nên tắm ngay khi đổ nhiều mồ hôi do vận động mạnh, lúc này tim đập nhanh, máu chảy nhanh, có thể gây nguy hiểm chết người.

2. Tắm quá lâu

Tắm trong thời gian quá lâu sẽ làm giãn các mao mạch trên da. Do đó, lượng máu cung cấp cho não sẽ giảm đi, dẫn tới tình trạng thiếu oxy máu tạm thời lên não, đồng thời có thể gây co thắt động mạch vành, thúc đẩy sự hình thành huyết khối, gây rối loạn nhịp tim trầm trọng và đột tử.

3. Nhiệt độ nước quá cao hoặc quá thấp

Nhiệt độ nước quá lạnh, quá nóng cũng tiềm ẩn những rủi ro nhất định. Tắm nước nóng dễ gây thiếu oxy, tắm nước lạnh dễ gây các bệnh về tim mạch, mạch máu não.

4. Cửa sổ phòng tắm đóng kín

Vào mùa đông, nhiệt độ trong nhà và ngoài trời chênh lệch lớn, nhiều người thích đóng kín cửa sổ khi tắm, họ có thể rơi vào tình trạng chóng mặt, tức ngực, đánh trống ngực, khó thở, thậm chí ngất xỉu. Nếu tình trạng này kéo dài lâu có thể dẫn tới tử vong.

Những dấu hiệu bất thường cần tới bệnh viện khám gấp

Trước khi đột quỵ xảy ra, một số người bệnh sẽ xuất hiện những dấu hiệu như sau:

- Nhịp tim chậm

Nhịp tim quá chậm có thể gây ngừng tim, đột tử trong trường hợp nghiêm trọng. Đặc biệt đối với người già, nhịp tim thường chậm hơn so với người trẻ, vì vậy họ là đối tượng cần chú ý nhất.

 

- Cơ thể mệt mỏi

Nếu không vận động hoặc làm việc quá sức mà cơ thể vẫn xuất hiện các triệu chứng như mất ngủ, hồi hộp thì cần cảnh giác. Đây cũng có thể là dấu hiệu của bệnh viêm cơ tim. Viêm cơ tim dễ gây suy tim cấp, nếu không được cấp cứu kịp thời rất dễ đột tử.

- Tức ngực và hồi hộp 

Nếu bạn đột ngột cảm thấy khó thở, tức ngực, đau ngực thì cần phải cảnh giác. Nhồi máu cơ tim cấp tính có thể xảy ra bất cứ lúc nào, tỷ lệ tử vong cực cao.

- Chân tay tê yếu

Khi tay chân tê yếu, nói năng không rõ ràng, bạn cần cảnh giác với bệnh tai biến mạch máu não.

- Đổ mồ hôi nhiều

Nếu bạn đổ mồ hôi nhiều trong một khoảng thời gian ngắn, vượt quá lượng mồ hôi thông thường, cần cảnh giác với sự xuất hiện của nhồi máu cơ tim.

Tóm lại, đột quỵ là một căn bệnh rất nguy hiểm, mọi người cần phải tự trang bị cho mình những kiến thức cơ bản nhất. Ngay khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường liên quan tới đột quỵ, bạn cần gấp rút đưa người bệnh đi cấp cứu trong khung thời gian “vàng”.