Đôi khi không chịu đựng nổi, mẹ đành phải ra xúc cho con. Bước ra khỏi nhà, trong khi mẹ "vắt chân lên cổ" vì đồng hồ đã chỉ tới 7h30 sáng, thằng con vẫn rề rà xỏ giày, đeo balo. Khi việc giục con trở nên vô tác dụng, bà mẹ sẽ trách mắng, thậm chí cho nó vài roi vào đít. Buổi sáng hệt như một cuộc chiến, hầu như ngày nào cũng như thế.

Ảnh minh họa: Internet

Trên thực tế, người lớn luôn muốn con hành động theo ý tưởng và nhịp độ của họ. Tuy nhiên, nhịp sinh học và nhịp độ của người lớn và trẻ em là hoàn toàn khác biệt. Trẻ, kể cả nhỏ cũng có những ý tưởng của riêng mình. Đối mặt với điều này, người lớn thường có phản ứng nóng nảy, vội vàng, không những không giải quyết được vấn đề, mà còn có tác động tiêu cực đến sự phát triển tâm lý của con. Trong khi đó, phản kháng lại yêu cầu của cha mẹ, nhiều trẻ chọn hình thức im lặng, bướng bỉnh chống lại, đây được gọi là "tấn công thụ động" trong tâm lý học.

Vậy cha mẹ nên làm gì để có thể giải quyết được sự "lệch pha" nhịp độ này, mà không làm tổn thương đứa trẻ?

1. Hãy cố gắng thích nghi với nhịp độ của con bạn

Dưới 6 tuổi, đứa trẻ chưa có nhận thức về thời gian. Bé không biết thời gian có ý nghĩa gì với mình, dù với người lớn, thời gian quả là "vàng ngọc". Vậy thì bạn chỉ nên làm tăng cảm giác cấp bách với trẻ, để trẻ hiểu về tính giới hạn thời gian. Tuy nhiên, cảm giác cấp bách này không nên quá lớn, bởi vì sự chú ý của trẻ em không tốt như người lớn. Nếu bạn cứ thúc giục con làm điều gì đó quá mức, chúng thậm chí sẽ làm mọi thứ rối tung lên, và bỏ cuộc.

Sự thúc giục quá mức tạo ra căng thẳng cho đứa trẻ, thậm chí truyền tải thông điệp rằng: "Cha/mẹ không thể yên tâm về con, phải giám sát con", khiến đứa trẻ đánh mất tự tin. Thay vì giục con cuống cuồng: "Nhanh lên, có nhanh lên không", hãy truyền tải thông điệp khuyến khích và mong đợi đồng hành: "Cha/mẹ hy vọng con sẽ... ".

Nhịp độ sinh học giữa trẻ và người lớn là khác nhau. Cần điều chỉnh và thích nghi với nhịp độ của con, thay vì mang lại cảm giác lo âu, tức giận cho đứa trẻ, nếu không, nó sẽ mất đi sự cân bằng tâm lý.

2. Khuyến khích và khen ngợi trẻ

Khi cha mẹ dành cho trẻ lời khuyến khích, ngợi khen thay vì trách móc và thúc giục, những điều này gây ấn tượng cho đứa trẻ và thôi thúc bé làm tốt. Để được khen, để không làm người lớn thất vọng, bé sẽ thực hiện công việc nhanh hơn, dần bỏ thói quen "câu giờ".

Cha mẹ cũng có thể sử dụng biện pháp "hẹn hò", ví dụ nói rằng con hãy nhanh lên, rồi chúng ta cùng đi xem phim hoạt hình, cùng chơi game, cùng ăn ngon... Điều này sẽ khiến trẻ cảm thấy cần phải tăng tốc để có được phần thưởng mà chúng thích.

3. Trao trả lại trách nhiệm cho trẻ

Nhiều trẻ em không có khái niệm tự mình làm mọi thứ khi nó còn nhỏ. Điều này do chính cha mẹ, người lớn quá yêu con, dẫn đến việc làm tất cả, khiến đứa trẻ không tự mình làm gì. Thông thường, trẻ theo độ tuổi sẽ cần được phân công công việc cụ thể, ví dụ tự mặc quần áo, tự xúc ăn... Nếu trong tiềm thức trẻ nghĩ rằng đó là việc của bố mẹ, chúng không cần phải tự làm điều đó, chúng sẽ hình thành thói quen ề à, không tập trung thực hiện.

Ảnh minh họa: Internet

Nhiều phụ huynh cho rằng để trẻ làm thì "tự mình làm cho xong", hay "mất thời gian", tuy nhiên, cách cha mẹ làm hộ con cái sẽ khiến trẻ mất cơ hội vận động. Về lâu dài, đó là một cái vòng luẩn quẩn, khả năng làm việc của trẻ bị giảm sút, trẻ ngày càng phụ thuộc, càng lười biếng.

4. Buộc trẻ gánh chịu hậu quả của sự trì hoãn 

Nhờ sự giúp đỡ của cha mẹ, có thể đứa bé không đi học muộn, làm tốt bài về nhà, ăn ngủ đúng giờ, mọi thứ đều được thực hiện đúng thời gian quy định. Tuy nhiên, tất cả những kết quả này đều có nhờ cha mẹ, không phải nỗ lực tự thân trẻ. Sự thật của thành tích này là cha mẹ luôn là người đứng đằng sau "thúc đít", ép buộc, như vậy hoàn toàn không tốt cho bé.

Trên thực tế, cha mẹ có thể để con chủ động xem xét hậu quả của sự lề mề của mình. Ví dụ, nếu trẻ xúc ăn chậm, đến lớp muộn, bạn nên để con bị cô giáo phê bình, như vậy lần sau bé sẽ hiểu việc chậm chạp có thể bị cô mắng. Khi không được sự che chắn của cha mẹ và nhận trực tiếp hậu quả từ hành động của mình, trẻ sẽ tự điều chỉnh sao cho phù hợp.

Mỗi đứa trẻ đều có những quy tắc tăng trưởng cá nhân, và cha mẹ nên tôn trọng quy tắc này. Vì thế, khi đào tạo con, sự nhẫn nại là rất cần thiết. Sự sốt ruột của cha mẹ chỉ làm ảnh hưởng đến tính cách của đứa trẻ, khiến  trẻ trở nên hấp tấp, ẩu đoảng, thay vì đạt kết quả công việc tốt nhất.