Hồng có hàm lượng vitamin, một số hợp chất hữu cơ và khoáng chất rất cao. Chúng bao gồm vitamin A, vitamin C, vitamin E và vitamin B6, cũng như chất xơ, Mangan, Đồng, Magiê, Kali, Phốt pho, Canxi, Sắt...

Hồng có hàm lượng vitamin và khoáng chất rất cao - Ảnh minh họa: Internet

Hồng là loại trái cây rất phổ biến tại Việt Nam và được nhiều người ưa thích. Nhưng nếu bạn vẫn còn thắc mắc “liệu ăn quả hồng có tốt không?”, thì hãy cùng nhau điểm qua những tác dụng của quả hồng dưới đây.

Ăn quả hồng có tác dụng gì?

Kháng viêm, chống nhiễm trùng

Quả hồng chứa một lượng khá lớn chất Catechins và Polyphenolic (chất chống oxy hóa). Các chất này có khả năng kháng viêm rất tốt, nhờ đó, ăn hồng giúp hỗ trợ kháng viêm và chống nhiễm trùng.

Tăng cường hệ miễn dịch

Quả hồng tuy nhỏ nhưng lượng vitamin C mà nó cung cấp lại rất đáng kể. Vitamin C chính là yếu tố ngăn ngừa các bệnh như cảm cúm, cảm lạnh, các bệnh nhiễm trùng phổi như hen suyễn. Vì vậy, ăn hồng thường xuyên giúp hệ miễn dịch của cơ thể khỏe mạnh hơn.

Tăng cường thị lực

Muốn có một đôi mắt sáng, bạn hãy bổ sung quả hồng vào thực đơn dinh dưỡng của mình. Nguồn vitamin A dồi dào từ quả hồng sẽ giúp cải thiện thị lực, tăng cường tầm nhìn cho đôi mắt. Ngoài ra, lượng sắt trong quả hồng còn giúp hỗ trợ sản xuất hồng cầu trong máu.

Chống ung thư

Cùng với khả năng chống oxy hóa, giảm thiểu nguy cơ phát triển khối u, quả hồng giòn còn chứa Betulinic acid, được chứng minh là một hợp chất chống lại các gốc tự do trong tế bào, ngăn ngừa hình thành ung thư.

Điều này có nghĩa, nếu trong cơ thể con người đang tồn tại một khối u, ăn hồng giòn có thể làm giảm kích thước và ngăn chặn sự tiến triển của khối u thành ung thư.

Ngoài ra, quả hồng giòn còn chứa hàm lượng cao vitamin C và vitamin A, cũng như các hợp chất Phenolic như Catechins và Gallocatechins – là những chất liên quan trực tiếp đến việc phòng chống các loại ung thư khác nhau.

Hỗ trợ giảm cân

Chìa khóa giảm cân nằm ở lượng chất xơ dồi dào cùng vị ngọt tự nhiên của quả hồng, hạn chế cảm giác thèm ăn và thèm ngọt, hỗ trợ tích cực cho quá trình giảm cân.

Một trái hồng nặng khoảng 168 gram và chỉ cung cấp 31 gram carbohydrate, hầu như không có chất béo, do đó là một thực phẩm ăn vặt rất lý tưởng cho người muốn giảm cân.

Chìa khóa giảm cân nằm ở lượng chất xơ phong phú và vị ngọt tự nhiên của quả hồng - Ảnh minh họa: Internet

Vì thế, nếu bạn đang có ý định giảm cân thì hãy bổ sung ngay quả hồng vào thực đơn giảm cân hàng ngày của mình.

Tốt cho hệ tiêu hóa

Quả hồng rất giàu chất xơ, nên việc ăn hồng thường xuyên sẽ giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh hơn.

Bên cạnh đó, quả hồng chứa rất nhiều chất Tanin (gọi là mủ, một chất trong vỏ trái cây), loại chất nhầy này có khả năng kiểm soát chuyển động của đường ruột, qua đó hỗ trợ điều trị các bệnh tiêu chảy.

Quả hồng xanh giã nát, cho thêm nước đun sôi để nguội, nước uống này chữa tiêu chảy rất hiệu nghiệm.

Tốt cho người bị huyết áp cao

Những người bị cao huyết áp cần phải tránh những loại thực phẩm có chứa nhiều muối. Hồng được biết đến là loại trái cây có lượng Natri cực thấp, đồng thời chất Shiboul trong quả hồng có tác dụng làm hạ huyết áp. Nên bệnh nhân cao huyết áp có thể thêm quả hồng vào thực đơn hàng ngày.

Trị thiếu máu

Chất Đồng (Cu) dồi dào trong trái hồng sẽ giúp cơ thể hấp thụ chất Sắt một cách tốt nhất, giúp hình thành nên các tế bào máu, từ đó phòng ngừa và điều trị bệnh thiếu máu.

Chống xuất huyết

Trong Đông y, vỏ, rễ, thân cây và tai quả hồng cũng được sử dụng trong các bài thuốc cầm máu - Ảnh minh họa: Internet

Người Nhật Bản thường sử dụng quả hồng để kiểm soát chảy máu do bị thương. Trong Đông y, vỏ, rễ, thân cây và tai quả hồng cũng được sử dụng trong các bài thuốc cầm máu.

Chữa nấc

Có nhiều bài thuốc chữa nấc đơn giản, dễ kiếm mà lại rất hiệu nghiệm chỉ từ những quả hồng. Có thể dùng tai hồng sao vàng, tán thành bột mịn rồi uống với rượu là có thể chữa khỏi nấc.

Ngoài ra, có thể dùng tai hồng (100g), đinh hương (8g) và gừng tươi (5 lát) sắc lấy nước uống nhiều lần trong ngày cũng trị nấc rất hiệu quả. Các bài thuốc này có thể trị dứt điểm bị nấc trong nửa ngày, lâu nhất là 3 ngày trong trường hợp bệnh đã kéo dài.

Có bầu ăn quả hồng giòn được không?

Phụ nữ trong thời kỳ mang thai ăn hồng phải hết sức lưu ý - Ảnh minh họa: Internet

Quả hồng chứa rất nhiều thành phần có lợi cho sức khỏe, cải thiện làn da và tóc... Tuy nhiên, ăn như thế nào để phát huy hết tác dụng của quả hồng mà không gây hại cho sức khỏe, đặc biệt đối với phụ nữ trong thời kỳ mang thai là điều phải hết sức lưu ý.

Tránh ăn hồng lúc đói

Không riêng gì quả hồng, mà tất cả các loại trái cây chứa nhiều mủ đều không phù hợp để ăn lúc đói. Khi đói bụng, dạ dày sẽ tiết nhiều axit hơn, kết hợp với mủ có trong trái cây, sẽ dễ tạo chất kết tủa, ảnh hưởng đến hoạt động của hệ tiêu hóa.

Với hồng, do chứa nhiều Pectin và axit Tannic nên khi kết hợp với chất axit trong dạ dày sẽ tạo thành chất kết tủa cực mạnh, có thể lưu lại trong dạ dày khá lâu, tạo thành sỏi, dẫn đến tắc nghẽn đường tiêu hóa.

Bà bầu bị tiểu đường nên hạn chế ăn hồng

Hàm lượng đường trong quả hồng khá cao, khoảng hơn 10%. Hơn nữa, lại là đường dễ hấp thụ. Vì vậy, những mẹ bầu bị tiểu đường trong thai kỳ, tốt nhất nên hạn chế ăn hồng, tránh tình trạng đường trong máu tăng cao, gây ảnh hưởng cho sức khỏe của cả mẹ và bé.

Hồng dễ gây sâu răng

Lại là chất Tannin với hàm lượng cao trong quả hồng, sau khi ăn chất này thường dễ bám dính lại kẽ răng, nếu chất này bị lưu giữ trong thời gian lâu trên răng dễ làm sâu răng, răng xỉn màu.

Dưới tác động của các hormone thai kỳ, nguy cơ sâu răng của bà bầu thường cao hơn so với bình thường nên càng cần lưu ý. Vì vậy, bà bầu hãy nhớ đánh răng thật sạch sau khi ăn hồng. 

Nên gọt vỏ khi ăn hồng

Khi ăn hồng, chúng ta nên gọt sạch vỏ - Ảnh minh họa: Internet

Chất Tanin trong quả hồng tập trung nhiều nhất ở vỏ (có vị chát). Vì vậy, khi ăn hồng, chúng ta nên gọt sạch vỏ, vừa giúp giữ trọn vẹn vị ngon, ngọt của quả hồng, vừa không gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa.

Bà bầu không nên ăn quá nhiều hồng

Hàm lượng Tanin quá cao trong quả hồng có thể gây ức chế khả năng hấp thu sắt của cơ thể. Vì vậy, bà bầu không nên ăn quá nhiều hồng, nhất là những mẹ bầu bị thiếu máu.

Bà bầu có vấn đề tiêu hóa, đặc biệt là táo bón không nên ăn hồng

Bà bầu có vấn đề tiêu hóa, táo bón, ốm nghén nặng, chức năng dạ dày kém không nên ăn hồng, vì có thể làm các vấn đề này trở nên nghiêm trọng hơn.

Quả hồng giòn kỵ với thực phẩm gì?

Không ăn hồng với thịt ngỗng

Ngoài thịt ngỗng, những thực phẩm giàu protein như tôm, cua, cá… đều không thích hợp ăn kèm với hồng. Vì những thực phẩm này đều rất giàu protein, kết hợp với Tanin trong hồng dễ dẫn đến kết tủa, hình thành sỏi trong dạ dày. Trong một số trường hợp nghiêm trọng có thể gây tử vong.

Rượu

Hồng và rượu: Không thể kết đôi! - Ảnh minh họa: Internet

Rượu khi vào dạ dày sẽ kích thích bài tiết, kết hợp với Tanin tạo thành chất sền sệt, dính nhầy, gây khó tiêu hóa, lâu dần sẽ dẫn đến tắc ruột.

Không ăn hồng với khoai lang

Khoai lang có hàm lượng tinh bột cao, khi ăn cùng với hồng sẽ gây kết tủa, khó tiêu, khó đào thải ra ngoài, dễ gây sỏi trong dạ dày. Do đó, nên sử dụng 2 loại thực phẩm này cách nhau từ 4 – 6 giờ.

Có thể thấy tác dụng của quả hồng đối với sức khỏe vô cùng đa dạng. Nhưng cũng phải thật lưu ý những quy tắc trên khi ăn thức quả này. Hãy lưu lại những kiến thức về quả hồng để sử dụng nó một cách an toàn và dinh dưỡng.