Người đàn ông ‘nuôi’ 50 con sán lá gan trong người

Theo thông tin từ Báo Dân Trí, người đàn ông tên là Nguyễn V.C (52 tuổi, Quảng Yên, Quảng Ninh) vào cấp cứu tại Bệnh viện Bãi Cháy trong tình trạng đau bụng nhiều vùng thượng vị và hạ sườn phải, sốt cao, nôn. Được biết, ông C. có sở thích ăn gỏi cá sống. Trong một tuần ông có thể ăn từ 2-3 lần.

Cho đến lần này, ông C. bị đau bụng dữ dội và sốt cao nên gia đình đã nhanh chóng đưa ông đến bệnh viện để kiểm tra. Các bác sĩ khi tiếp nhận trường hợp này đã ngay lập tức đưa ông C. đi kiểm tra lâm sàng, siêu âm, chụp cắt lớp vi tính, các bác sĩ đã hội chẩn chuyên khoa và kết luận bệnh nhân bị nhiễm trùng đường mật cấp.

Phát hiện 50 con sán lá gan trong ống mật (Ảnh minh họa: Internet)

Sau đó, các bác sĩ chỉ định nội soi chụp mật tụy ngược dòng cấp cứu can thiệp lấy sỏi ống mật chủ hoặc đặt stent. Trong quá trình chụp nội soi ổ mật các bác sĩ bất ngờ phát hiện cả ổ sán lá gan ‘béo ú’ đang sống bên trong, sau quá trình điều trị các bác sĩ đã gấp ra 50 con sán lá gan có trong ống mật.

Theo chuyên gia điều trị cho ông C. thì sán lá gan gây tình trạng viêm loét đường mật, tắc đường mật, hoại tử túi mật, nhiễm trùng đường mật. Trong một số trường hợp ấu trùng sán sinh sôi có thể xâm nhập vào các cơ quan thiết yếu trong cơ thể như não, tim, phổi… đe dọa tính mạng người bệnh nên vô cùng nguy hiểm.

Món ăn gây bệnh sán lá gan

Sau trường hợp của ông C. các bác sĩ đã chỉ ra những món ăn gây bệnh sán lá gan mè người Việt không nên ăn quá nhiều vì nó vô cùng nguy hiểm.

Tiết canh: Món tiết canh mát giải nhiệt nên được nhiều người yêu thích. Tuy nhiên, do tiết canh được làm từ máu sống nên dễ bị vi khuẩn, ký sinh trùng xâm nhập gây ngộ độc cho bạn. Ngoài ra, nếu như có con lợn nào bị viêm cầu khuẩn thì người ăn tiết canh chắc chắn sẽ không thể nào qua khỏi.

Những món ăn sống: Ăn thực phẩm sống sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh sán lá gan. Nhất là một số loại rau sống được trồng ở môi trường ô nhiễm. Hơn nữa rau sống được tưới bằng nước bẩn, bón phân tươi là mầm mống khiến cho ký sinh trùng sinh sôi. Ăn phải chúng sẽ dễ dẫn đến các bệnh về đường tiêu hóa như: Tiêu chảy, nhiễm giun sán, hay kiết lị.

Thực phẩm tươi sống thường dễ nhiễm ký sinh trùng (Ảnh minh họa: Internet)

Cách phòng tránh bệnh sán lá gan

Để phòng tránh bệnh sán lá gan và các bệnh ký sinh trùng khác, các bác sĩ khuyến cáo người dân nên thực hiện ăn chín, uống sôi, không nên ăn các loại thực phẩm tươi sống chưa qua chế biến, hạn chế ăn rau sống, chỉ ăn khi mua ở nơi đảm bảo và vệ sinh rửa rau sạch đúng quy trình, tăng cường vệ sinh môi trường, giữ gìn nơi ở sạch sẽ, tẩy giun định kỳ 6 tháng một lần.