Rối giữa "một rừng" phương pháp điều trị trên mạng

"Chào cả nhà! Hiện tại em và ba đang xạ trị toàn não tại Chợ Rẫy. Biểu hiện của ba em 10 ngày qua là mệt mỏi, nôn ói, mất ngủ và gần như không đi lại được. Ba than đau vùng thắt lưng và ăn vào cứ ói ra. Xin hỏi cả nhà có ai bị k phổi và xạ toàn não giống ba em không? Có cách nào để giảm bớt những triệu chứng hiện tại của ba em không ạ?"

Lời khẩn cầu của thành viên N.Q trên một diễn đàn dành cho bệnh nhân ung thư đã nhận được nhiều lời tư vấn của các thành viên khác.

"Mình khuyên bạn cho ba bạn nghe kinh Phật và thử tìm hiểu điều trị giảm nhẹ xem. Bác sỹ Vũ chắc sẽ tư vấn tốt cho bạn". 

Người khác lại mách: "Để giảm mất ngủ, mệt mỏi, nôn ói có thể ăn tổ yến chưng đường phèn và đánh 6 vùng phản chiếu hệ bạch huyết tra Youtube". 

Trên mạng internet tràn lan các bài thuốc chữa ung thư chưa được khoa học và thực tiễn kiểm chứng. Ảnh chụp màn hình.

Trên diễn đàn mạng này, có rất nhiều topic hỏi cách điều trị ung thư và topic nào cũng nhận được những lời mách nước của thành viên.

Thành viên D.T cho hay: "Bố e bị K gan giai đoạn 3, xơ gan nặng, đang điều trị bằng phương pháp hệ miễn dịch kết hợp uống nấm lim, thuốc lá của ông Phùng Nghệ An. Khối u có nhỏ lại, nhưng xơ gan biến chứng xuất hiện dịch ổ bụng.

Hôm qua vừa hút 2 lít dịch vàng. Nay lại có dấu hiệu chướng bụng. Mọi người có ai bị như thế và cách chữa như thế nào ạ, có cách nào làm chậm tăng dịch không? Có biết lương y nào chữa bệnh gan không ạ?". 

Ngay lập tức, một thành viên khác đáp lại: "Bố em đợt trước uống mắt mía cùng với nước dừa cũng đỡ hơn. Chị thử áp dụng xem". 

Gia đình bệnh nhân ung thư mách nhau các phương pháp điều trị bệnh. Ảnh chụp màn hình.

Chỉ cần gõ cụm từ những bài thuốc chữa ung thư lên google, người dùng có thể tìm được hàng trăm nghìn kết quả khác nhau.

Một trong những bài thuốc được lan truyền trên mạng internet. 

Nào nấm lim xanh, bột cóc, lá đu đủ... cho đến các chế độ ăn chỉ dùng gạo lứt, không ăn thịt, kiêng đường...Lạc trong "biển" phương pháp điều trị, người nhà cũng như bệnh nhân thêm bối rối. Trong đó, không ít người đã tự ý bỏ bệnh viện để về nhà điều trị theo lời truyền miệng. 

Bác sĩ cũng "bó tay"

Từng gặp không ít trường hợp người nhà từ chối điều trị, cho bệnh nhân ung thư về nhà uống thuốc nam và rất nhiều lần cảnh báo nhưng khi nói về thực trạng người bệnh tự rỉ tai nhau dùng bài thuốc truyền miệng chưa được kiểm chứng, bác sĩ Phạm Thị Việt Hương, Khoa Nhi, Bệnh viện K3 vẫn mang nhiều nỗi niềm bức xúc. 

Cách đây mấy tháng, bác sĩ Hương tiếp nhận một bệnh nhi 12 tháng tuổi ở nội thành Hà Nội. Bé có khối u nguyên bào thần kinh giai đoạn sớm, chưa di căn tủy, chưa có hạch ổ bụng. Các xét nghiệm sinh hóa giải phẫu bệnh đều thể hiện thuận lợi điều trị.

Bác sĩ Phạm Thị Việt Hương, Bệnh viện K3. Ảnh: FBNV

Bác sĩ Hương dành thời gian tư vấn rất kỹ, động viên người mẹ rằng hiếm khi gặp được bệnh nhi u nguyên bào thần kinh giai đoạn sớm, tiên lượng tốt như thế. Sau khi nghe bác sĩ phân tích, gia đình cháu nói sẽ quyết tâm điều trị.

Vậy mà trái với niềm hy vọng của chị, chỉ sau một đêm suy nghĩ, bố mẹ cháu đã nói bà nội không muốn cho cháu truyền hóa chất.

Chờ tới 10 ngày sau đó, bố mẹ cháu vẫn không thay đổi quyết định. Họ vẫn quyết từ chối bệnh viện, cho con điều trị thuốc nam trong sự ngỡ ngàng, tiếc nuối khôn nguôi của người thầy thuốc.

Đây không phải là trường hợp bệnh nhi duy nhất bỏ viện. Trước đó, bác sĩ Việt Hương từng gặp trường hợp bệnh nhi bị u nguyên bào thần kinh với kích thước khối u khoảng 8cm. Dù đã có chẩn đoán, phác đồ điều trị nhưng bà nội cháu bé vẫn nhất quyết đưa cháu về, cho đi bốc thuốc ở một thầy lang tận Hà Giang.

Sau 2 tháng, u to đến nỗi chiếm hết ổ bụng, cháu suy kiệt chỉ còn da bọc xương, không thở nổi, gia đình mới đưa cháu sang bệnh viện K3 cầu cứu các bác sĩ.

Bà nội cháu nói: "Chỉ vì nghĩ truyền hóa chất sẽ đau đớn nên gia đình mới cho cháu đi chữa thuốc nam". Lúc này, việc điều trị trở nên vô cùng khó khăn.

“Hầu hết các ung thư trẻ em đều nhạy cảm với hóa trị, xạ trị. Trong đó có những bệnh ung thư ở trẻ em được coi là chữa khỏi nếu đến bệnh viện sớm và được điều trị đúng. Các phương tiện chẩn đoán, điều trị cập nhật ung thư cho trẻ hầu như là đều sẵn có ở Việt Nam.

Cha mẹ hãy đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế chuyên sâu có chuyên môn về ung thư trẻ em để con được cứu chữa trước khi quá muộn!”, Bác sĩ Việt Hương nhấn mạnh.  

Những bi kịch đau lòng vì tin vào “thánh chữa ung thư”

7 năm sống chung với bệnh viện để chống chọi với căn bệnh ung thư vú, trải qua 70 lần truyền hóa chất, nhà báo Trần Thị Cẩm Bào đã từng chứng kiến rất nhiều đồng bệnh ra đi.

“Tôi đã từng chứng kiến rất nhiều bệnh nhân ung thư ra đi không phải vì bệnh mà chỉ vì áp dụng những bài thuốc dân gian truyền miệng, không có cơ sở khoa học. uống bột cóc, bột giun, khổ qua rừng… theo lời đồn thổi, truyền miệng mà không biết những thứ đó chỉ khiến bệnh tình thêm nặng.

Đã có rất nhiều bệnh nhân ung thư bỏ điều trị, vào nhóm trên mạng xã hội thực hiện theo các phương pháp không chính thống như uống nano vàng, ăn cua sống, ngồi thiền, ăn gạo lứt… và chết oan uổng”, chị Cẩm Bào nói.

Điều chị Cẩm Bào mong mỏi là người bệnh ung thư tuyệt đối tránh xa các bài thuốc truyền miệng để không đẩy mình vào tình thế nguy kịch. Ảnh: Hoàng Diệu Thuần.

7 năm nay, chị chỉ tin vào những sản phẩm có nghiên cứu khoa học, được thực tiễn khẳng định.

Từ trải nghiệm, kiến thức của bản thân, chị muốn chia sẻ, trò chuyện thật nhiều và khuyên người bệnh tuyệt đối tuân thủ đúng phác đồ để chiến thắng bệnh tật, tuyệt đối cảnh giác với những bài thuốc truyền miệng hoặc “thánh chữa ung thư” tự xưng và những quan điểm điều trị ung thư phản khoa học lan truyền trên mạng xã hội.

Đừng cả tin, đánh mất cơ hội sống!

Bày tỏ quan điểm về những phương pháp điều trị ung thư lan truyền trên mạng xã hội chưa được kiểm chứng, PGS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K, Viện trưởng Viện nghiên cứu phòng chống ung thư khuyến cáo: “Người dân cũng như những người bệnh ung thư cần tìm hiểu và tham khảo các thông tin, tài liệu chính thống về phòng chống căn bệnh này từ các bác sĩ chuyên khoa và cơ sở y tế, hiệp hội ung thư uy tín.

Đặc biệt, bệnh nhân ung thư cần hỏi bác sĩ chẩn đoán, điều trị của mình thật nhiều để hiểu rõ về bệnh, các phương pháp điều trị, khả năng đáp ứng và tiên lượng kết quả. Bởi điều trị ung thư rất phức tạp, đòi hỏi chuyên môn sâu, kết hợp đa chuyên khoa mới có có thể có hiệu quả.

Không nên dễ dàng cả tin, tốn kém tiền bạc, thời gian, đánh mất cơ hội điều trị chính thống vì lựa chọn các phương pháp không chính thống, chưa có cơ sở khoa học”, PGS. Nguyễn Văn Thuấn khuyến cáo. 

PGS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K, Viện trưởng Viện nghiên cứu phòng chống ung thư. Ảnh: Thu Hà

Nói về quan niệm “hóa chất chưa tìm diệt được tế bào ung thư đã tàn phá lục phủ ngũ tạng của người bệnh dẫn đến tử vong” dẫn tới nỗi sợ hãi hóa chất cho người bệnh, PGS. Thuấn nhấn mạnh hóa trị vẫn là con đường sống của bệnh nhân ung thư.

Các hướng dẫn của các tổ chức ung thư hàng đầu thế giới như Viện Ung thư quốc gia Hoa Kỳ, Hội Ung thư châu Âu khẳng định cho tới nay, hóa trị vẫn là một trong các phương pháp quan trọng điều trị ung thư.

Theo ông, các độc tính của hóa trị hầu hết có thể kiểm soát được. Nếu chỉ định đúng, hợp lý, hóa trị bên cạnh điều trị khỏi một số ung thư còn có thể ngăn chặn được tiến triển của ung thư, cải thiện triệu chứng và kéo dài thời gian sống cho người bệnh.