Thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Khánh Toàn, Chủ nhiệm khoa Y học Cổ truyền, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Hà Nội

Dừa cạn có tên khoa học là Catharanthus roseus (L.) G. Don., thuộc họ trúc đào Apocynaceae. Trong dân gian, chúng ta còn gọi là trường xuân, hoa hải đằng, bông dừa, dương giác... Cây dừa cạn cao khoảng 0,4-0,8 m, có bộ rễ rất phát triển, thân gỗ ở phía gốc, mềm ở phần trên, mọc thành bụi dày, có cành đứng.

Theo nghiên cứu của dược học hiện đại, hoạt chất của dừa cạn là những ancaloid có nhân indol như vinblastine, vincristine, vinleurosin... có trong tất cả bộ phận của cây, nhiều nhất ở rễ và lá. Dừa cạn có tác dụng chống ung thư, làm hạ huyết áp, đường máu, lợi niệu và kháng khuẩn.

Theo kinh nghiệm của y học dân gian một số nước, rễ dừa cạn có tác dụng tẩy giun và chữa sốt. Thân và lá được dùng để chữa một số bệnh ngoài da và nhất là chữa bệnh tiểu đường. Việc dùng dừa cạn chữa bệnh tiểu đường cũng được ghi nhận ở Ấn Độ, châu Đại Dương, nam châu Phi, quần đảo Antilles, nhưng chưa có chứng minh bằng thực tế khoa học.

Chính nhờ thực nghiệm trên chuột, các nhà khoa học Canada phát hiện tác dụng làm giảm bạch cầu của một số chất tách được từ dừa cạn. Điều này cũng dẫn đến sự phát hiện ra chất vincaleucoblastin và 3 ancaloid khác cũng có tác dụng chống u là leurosin, leurocristin, leurosidin.

Ngoài ra, người ta còn phát hiện tác dụng tẩy giun khá mạnh, lợi tiểu của catharanthin, vindolinin và vindolidin.

Ở nước ta, người dân thường dùng dừa cạn dưới dạng thuốc sắc để làm thuốc lợi tiểu, chữa cao huyết áp và bệnh tiểu đường. Mỗi ngày dùng 10-16 g.