Câu chuyện thứ nhất

Khi Khổng Tử đi chu du liệt quốc, đến vùng đất giáp ranh giữa nước Trần và nước Thái thì gặp cảnh khó khăn không còn lương thực. Mấy thầy trò bị bỏ đói, chỉ có thể húp nước cháo cầm hơi. Thế nhưng ông vẫn điềm nhiên ngồi trước nhà gảy đàn ca hát.

Học trò của ông là Tử Lộ thấy vậy mới thưa: “Lúc này phu tử vẫn có thể ca hát, lẽ nào đây cũng là yêu cầu của lễ hay sao?”. Khổng Tử nghe vậy không trả lời ngay mà đợi sau khi chơi hết bản nhạc mới đáp: “Tử Lộ à! Trong tình cảnh này người quân tử gảy đàn chơi nhạc là để khiến cho tâm mình không kiêu ngạo phóng túng, còn tiểu nhân chơi nhạc là che giấu nỗi sợ hãi của mình. Con đi theo ta lẽ nào lại còn không hiểu tình cảnh của ta sao?”. Tử Lộ nghe nói xong mới bắt đầu bình tâm xuống.

Vừa đúng lúc này gió nhè nhẹ đưa đến hương thơm thoang thoảng, Khổng Tử theo hướng hương thơm truyền lại mà đi, tới một thung lũng nhỏ nơi thâm sâu tịch cốc phát hiện một nhành lan rừng đang nở, hương thơm dịu mát, lặng lẽ lan toả khắp nơi. Khổng Tử nói với các học trò của mình: “Hoa lan trong tịch cốc, không phải vì không có người mà nó không đơm hoa toả hương, trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng không thay đổi bản chất của mình. Giống như người quân tử thanh tao, chính trực, kiên cường, họ là quân tử chân chính!”.

 
Câu chuyện thứ hai

Một hôm, Nhan Uyên và Tử Lộ đứng hầu bên Khổng Tử, Khổng Tử nói: “Các trò hãy nói chí hướng của mình ta coi”. 

Tử Lộ nói: “Con sẵn lòng chia sẻ quần áo, xe ngựa cùng với bạn bè, dùng đến hỏng, rách cũng không hối tiếc”. (Nguyên văn: Nguyện xa mã y cừu, dữ bằng hữu cộng, tệ chi nhi vô hám).

Nhan Uyên nói: “Con không muốn phô bày những điều tốt đẹp, sở trường của mình, không phô bày công lao của mình”. (Nguyên văn: Nguyện vô phạt thiện, vô thi lao).

Tử Lộ thỉnh giáo Khổng Tử: “Chúng con mong muốn được biết chí hướng của thầy”. (Nguyên văn: Nguyện văn tử chi chí). 

Khổng Tử nói: “Chí hướng của ta là muốn làm cho người gia yên tâm, an vui, làm cho bạn bè tin tưởng tín nhiệm lẫn nhau, làm cho trẻ em được quan tâm chăm sóc”. (Nguyên văn: Lão giả an chi, bằng hữu tín chi, thiếu giả hoài chi). 

Ta thấy ba nhân vật trong mẩu chuyện này với bacảnh giới. Tử Lộ tuy đã vượt qua người thường vốn là vị tư, vị ngã, Tử Lộ đã vì bằng hữu, vị nhân, vị tha, nhưng chỉ giới hạn trong cái tình bằng hữu còn khá nhỏ bé.

Nhan Hồi vượt lên hơn rất nhiều, đối với bản thân thì tu dưỡng để đạt đạo, mà không khoe tài năng, bản sự, đức độ, dốc sức làm việc cho người khác, cho xã hội mà không kể công. Còn Khổng Tử là một chữ Nhân rộng lớn, vì nhân quần, vì người khắp thiên hạ, hoàn toàn vô ngã vị tha, vì một xã hội thái bình thịnh thế, người người yên vui, nhà nhà hạnh phúc.