Mẹ tôi thường bảo, đàn bà và niềm đau, chưa khi nào hẹn thề, mà cứ là bạn của nhau. Như thể, đã sinh ra là đàn bà thì thể nào cũng vài bận biết nếm mùi buồn thử qua đau. Mẹ tôi lại trách vì lòng đàn bà vốn mong manh, nhưng lại một mực gánh gồng quá nhiều yêu thương. Một lần yêu là cho đầy, một khi thương là cho hết. Họ yêu không đắn đo nhiều, nghĩ suy cũng chẳng nề hà. Vì vậy, khi tổn thương ập đến, lại như không chịu nổi. Thương càng nhiều, đau càng rã rời, tất thảy hóa tro tàn.

Đàn bà tổn thương vì đàn ông, hóa ra lại đến lúc như dĩ nhiên. Đàn ông tổn thương đàn bà, có khi cũng thành thói quen khó bỏ. Tôi không đặt điều, lại càng không vu khống cho đàn ông. Chỉ là, quanh tôi quá nhiều đàn bà đau lòng không ngơi nghỉ, chỉ vì đàn ông. Như mẹ tôi, người đàn bà từng đánh đổi thanh xuân để bên ba tôi những ngày giông bão. Để khi mây tan, người ba tôi muốn nắm tay, lại không phải là bà. Như người bạn lâu năm của tôi, từ bỏ cả gia đình để là bến đỗ của duy nhất một người đàn ông. Vậy mà, người ấy lại vì phù phiếm bạc tiền, bỏ rơi bạn tôi. 


Điều khiến tôi thương đàn bà hơn hết thảy, chính là sự bao dung và thứ tha của họ. Ngay cả khi đàn ông đã phạm phải lỗi lầm lớn thế nào lần đầu, tôi luôn đảm bảo rằng, đàn bà sẽ luôn tha thứ. Đàn ông lại nghĩ, chỉ vì đàn bà ủy lụy, đàn bà phụ thuộc. Đàn ông không hiểu, một lần thứ tha của đàn bà đã bào mòn bao nhiêu thanh xuân, đày đọa lòng dạ của họ thế nào. Cứ thế mà đàn ông vịn vào những bao dung của đàn bà mà không tiếc tổn thương người phụ nữ của mình. Họ nghĩ, đàn bà không thể bỏ họ, thứ tha của đàn bà sẽ luôn đủ đầy. Đàn ông quay đầu lại, khi đã biết hối tiếc, cũng là đàn bà đã lặng lẽ biến mất.

Đàn bà lần đầu biết đau thương sẽ yếu đuối đến xót xa. Nỗi đau ban đầu như quá sức, như bao trùm cả thế giới nhỏ bé của đàn bà. Nhưng rồi, khi tổn thương cứ ập đến, như không thể kháng cự, như buông xuôi đầu hàng, họ lại không còn biết đau lòng là thế nào. Họ im lặng, là chấp nhận, là bình thản đến lạ thường. Chẳng khác gì thứ thuốc đắng cả. Ban đầu, cứ nghĩ sẽ không thể chịu nổi, rồi cũng có thể nuốt trôi như không. Thứ thuốc đắng đàn ông cho đàn bà uống, hóa ra đến một ngày cũng phát huy tác dụng. Đàn bà buông bỏ hết thảy theo sự im lìm thản nhiên. Sự im lặng chết chóc của đàn bà tổn thương đáng sợ hơn bất cứ điều gì.

Cũng vậy, nhà văn Trịnh Huyền Trang có phát biểu rằng, trong tình yêu , đàn bà có hai thời điểm: Một là nói rất nhiều, 2 là thời điểm im lặng và không nói gì.

“Thời điểm đàn bà nói nhiều, chính là thời điểm đàn bà yêu sâu đậm nhất, đàn bà yêu bao nhiêu, thì nói càng nhiều bấy nhiêu. Sự quan tâm của đàn bà được thể hiện bằng lời nói. Nhưng đàn ông không hiểu, lại coi sự quan tâm của đàn bà là gò bó, coi tình yêu của họ là phiền phức.

Thời điểm đàn bà nói ít và gần như im lặng chính là thời điểm họ mệt mỏi, họ bất lực và gần như thời điểm mối quan hệ gần đi đến hồi kết.

Đàn bà im lặng, đôi lúc đàn ông cho rằng họ đã thêm hiểu chuyện, họ đã thôi phàn nàn và không còn phiền phức, nhưng đàn ông không hiểu, khi đàn bà trở nên an phận và kiềm chế thì chính là lúc bản thân sắp mất đi họ.

Đàn bà chỉ nói, khi họ tràn đầy hi vọng và niềm tin vào tình yêu của họ. Đàn bà im lặng, khi họ kiệt sức và bất lực trước tình yêu mà họ từng hi vọng. Sự im lặng của đàn bà đồng nghĩa với việc kết thúc, đàn bà im lặng tựa như mặt biển, tưởng như êm ả lại ẩn chứa một cơn bão không tưởng chính là kết thúc.

Đừng khiến đàn bà im lặng, vì khi đàn bà im lặng chính là tráitimđã tổn thương đến tột cùng.”