Nhóm lao động Việt Nam tháo chạy khỏi sòng bạc ở Campuchia. Ảnh cắt từ clip

Công an tỉnh An Giang đã vào cuộc làm rõ vụ việc và điều tra các đối tượng có liên quan, có dấu hiệu của tội phạm tổ chức cho người xuất cảnh trái phép. Công an tỉnh Đồng Nai cũng vừa phối hợp với các địa phương triệt phá đường dây đưa trái phép hàng trăm người sang Campuchia. Bà Lê Thị Thu Hằng, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, cũng “đề nghị phía Campuchia hỗ trợ tìm kiếm người bị mất tích, cũng như điều tra nguyên nhân vụ 40 công dân Việt Nam bỏ trốn khỏi sòng bài giáp biên giới hai nước”.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Campuchia Sar Kheng cho biết, đang tiến hành một cuộc kiểm tra quy mô toàn quốc với tất cả người nước ngoài, ngoại trừ nhân viên ngoại giao. Giới chức Campuchia cũng xác nhận, vừa bắt giữ quản lý một casino ở tỉnh Kandal - nơi 40 người Việt Nam đã bỏ trốn vì điều kiện làm việc “như địa ngục”.

Thời gian qua, nhiều người nghèo, phụ nữ… có hoàn cảnh khó khăn, cần việc làm đã sập bẫy các đường dây lừa đảo qua biên giới. Các đối tượng này đã tận dụng triệt để mạng xã hội, các app quảng cáo trực tuyến hoặc môi giới trực tiếp để lôi kéo, dụ dỗ, hứa hẹn đổi đời cho người nghèo, trong khi chúng ta đang thiếu các thiết chế giới thiệu, giải quyết việc làm hiệu quả… để bao phủ các đối tượng yếu thế.

Đã có bằng chứng cho thấy sự chuyển đổi kinh tế ở các địa phương thời gian qua chưa thật sự tạo được nhiều việc làm cho đại bộ phận người dân. Việc làm ở nông thôn thiếu và một bộ phận dân nghèo thành thị thu nhập thấp bị đẩy ra khỏi khu vực lao động truyền thống. Những người mất sinh kế đã vượt biên trái phép sang Campuchia mong đổi đời, để rồi bị cưỡng bức làm việc như “địa ngục trần gian”.

Đã đến lúc chúng ta tạo dựng niềm tin, biên giới mềm bảo vệ dân nghèo, người lao động và lao động trẻ em, phụ nữ từ gia đình, làng xóm, quê hương. Cần những ưu tiên cho tam nông, ly nông bất ly hương, xây dựng nông thôn mới thực chất, chăm lo dân nghèo đô thị nhiều hơn, giảm nghèo bền vững. Rà soát chính sách, bố trí lại cơ cấu lao động đảm bảo yêu cầu phát triển cân đối, hài hòa; tạo việc làm tại chỗ, xây dựng thị trường lao động lành mạnh. Thực thi các biện pháp mạnh mẽ và hữu hiệu hơn nữa để quản lý không gian mạng, ngăn chặn từ xa các vụ lừa đảo qua mạng và nâng cao ý thức tự cảnh giác của người dân.

Các cơ quan chức năng Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành, địa phương trong nước, nhất là các địa phương giáp biên giới, tiếp nhận thông tin, triển khai các biện pháp bảo hộ, hỗ trợ công dân gặp hoạn nạn. Điều quan trọng là cần sự tiếp cận tổng thể, toàn diện, đa ngành, không chỉ nỗ lực giải quyết của các địa phương khu vực biên giới khi xảy ra vụ việc, không chỉ của ngành ngoại giao, công an… mà rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của ngành lao động, cần nhiều hơn các giải pháp kinh tế - xã hội, giải quyết vấn đề từ cái gốc công ăn, việc làm, niềm tin xã hội. Truyền thông, báo chí trong nước cần tăng cường tuyên truyền, cảnh báo nâng cao nhận thức của người dân về việc đi lao động ở nước ngoài. Và hơn hết là vai trò, trách nhiệm của gia đình và cộng đồng dân cư, chính quyền địa phương để ngăn ngừa các vụ việc tương tự xảy ra.