Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, sau khi vào Biển Đông bão số 4 có thể vẫn duy trì sức gió rất mạnh cấp 13-14, giật cấp 16 (khi đến Nam quần đảo Hoàng Sa), khi vào gần bờ có thể vẫn mạnh cấp 12-13, giật cấp 15.

 

Theo tờ Zing News, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết các địa phương nằm trong vùng ảnh hưởng của bão cần lên phương án cụ thể sơ tán người dân ứng với kịch bản từng cấp bão, đảm bảo nhu cầu về lương thực, thực phẩm thiết yếu.

Đồng thời, lãnh đạo cũng thông tin nếu bão mạnh đến cấp 13 trên đất liền, tập trung người dân ở trường học chưa chắc đã an toàn. Vì vậy, cấp cơ sở cần rà soát kỹ nơi tránh trú đảm bảo trên địa bàn.

Để ứng phó với tình hình trên, lực lượng tại chỗ cần chủ động, sẵn sàng trang bị phương tiện, lương thực thực phẩm, thuốc men... tối thiểu đủ dùng trong 7 ngày.

Hiện tại, các tỉnh từ Quảng Ninh đến Bình Thuận chỉ đạo sẵn sàng các biện pháp ứng phó với bão gần biển Đông.

Bão Noru đổ bộ vào Philipines
 

Về phương án sơ tán dân, có khoảng 213.914 hộ/868.230 người nằm trong diện sơ tán. Trong đó các tỉnh Thừa Thiên Huế - Quảng Ngãi sẵn sàng phương án sơ tán 93.312 hộ/368.878 người tuỳ theo diễn biến của bão.

Bên cạnh đó, toàn tỉnh Thừa Thiên – Huế hiện có 2.062 phương tiện với 11.350 lao động hoạt động khai thác thủy sản. Trong đó, có 613 phương tiện tàu thuyền khai thác biển, còn lại là thuyền bãi ngang, ven biển, ghe thuyền đầm phá. Tỉnh đã tiến hành kêu gọi các tàu, thuyền hoạt động đánh bắt thủy sản trên biển và vùng đầm phá vào bờ, sắp xếp trú ẩn tại các địa điểm an toàn.

Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên – Huế, đến 9 giờ ngày 25/9 toàn tỉnh hiện còn 17 phương tiện với 156 lao động hoạt động thủy sản trên biển; dự kiến trong sáng ngày 26/9 sẽ vào bờ. Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên - Huế có phương án đảm bảo an toàn cho các tàu hàng hải, neo đậu an toàn tại các cảng Thuận An, Chân Mây, tránh va trôi.