Ngày 2-10, Sở GD&ĐT TP.HCM đã công bố đề minh hoạ 3 môn thi lớp 10 năm 2025 theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.

XEM ĐỀ MINH HOẠ THI LỚP 10

Học sinh Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, quận Gò Vấp trong 1 giờ học. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Với môn Toán, đề thi lớp 10 gồm 7 câu, trong đó câu 1 và 2 là các bài toán quen thuộc, cơ bản về đồ thị, hệ thức vi-et, giải phương trình; từ câu 3 đến câu 6 là bài toán thực tế; câu 7 là hình học phẳng.

Căn cứ vào cấu trúc đề và đề minh hoạ, có thể thấy so với đề thi lớp 10 theo chương trình giáo dục phổ thông 2006, đề thi lớp 10 năm 2025 đã giảm 1 câu về bài toán thực tế, đồng thời xuất hiện thêm dạng toán thực tế mới về xác suất thống kê.

Nói về thay đổi này, ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết điều chỉnh trong đề thi phù hợp với yêu cầu cần đạt và mục tiêu đánh giá môn học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở bậc THCS.

Theo đó, chương trình mới của môn Toán ở bậc THCS gồm 3 mạch kiến thức: Hình học và đo lường; số và đại số; thống kê và xác suất. Trong khi đó, chương trình cũ không có phần kiến thức xác suất thống kê.

Vì vậy, trong đề thi lớp 10 môn Toán năm nay có dạng bài về xác suất thống kê. Những nội dung trong đề thi lớp 10 theo chương trình cũ không còn phù hợp chương trình mới nên cần sự điều chỉnh.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết thêm, chương trình giáo dục phổ thông 2006 có những câu hỏi yêu cầu học sinh phải vận dụng nhiều định lý mới giải được. Tuy nhiên, ở chương trình giáo dục phổ thông 2018, kiến thức hàn lâm trong hình học đã được giảm tải.

Ví dụ, câu 7 bài hình học phẳng yêu cầu chứng minh trước đây đã thay thế bằng việc tính toán, học sinh hiểu là đã có thể làm được.

“Chương trình giáo dục phổ thông 2018 kiến thức ở mức độ thông hiểu, nhận biết, vận dụng thấp chứ không quá đòi hỏi sâu vận dụng cao như trước. Do vậy, việc ra đề thi lớp 10 phải được cân nhắc, đánh giá lại các mạch kiến thức học sinh được học trong chương trình” – ông Quốc nói.

Chính vì vậy, trong đề minh hoạ môn Toán thi lớp 10 đã xuất hiện dạng toán thực tế về xác suất thống kê. Trong 4 bài toán thực tế, mức độ thông hiểu chiếm 60%; vận dụng chiếm 40% song không đòi hỏi quá cao và được rải đều.

Ông Quốc cho biết, trong chương trình mới, từ lớp 6 học sinh đã làm quen với dạng toán thực tế. Trong các kỳ kiểm tra định kỳ ở từng khối lớp giáo viên có đề cập đến các dạng toán này với mức độ phù hợp.

Riêng mạch kiến thức về xác suất thống kê, học sinh đã được học từ lớp 7 ở mức độ cơ bản. Đến lớp 8 bắt đầu tính toán mức độ vừa phải. Lên lớp 9, mạch kiến thức được đề cập cũng không quá khó.

Bài toán thực tế về xác suất thống kê trong đề thi sẽ chỉ ở mức vận dụng thuần túy, nằm trong chương trình THCS học sinh được học.