Theo thông tin từ An Ninh Thủ Đô, bệnh thủy đậu thường tăng và bùng phát vào mùa đông xuân, nhưng ở tuần vừa qua số ca mắc bệnh này tại Hà Nội lại bất ngờ tăng mạnh. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, nếu như ở tuần 28 (từ 7 đến 14/7), thành phố chỉ ghi nhận 7 ca mắc thủy đậu thì đến tuần 29 (từ ngày 14 đến 21/7 vừa qua) ghi nhận tới 33 ca mắc.

Cộng dồn từ đầu năm 2023 cho đến nay, Hà Nội đã có 1.911 ca mắc thủy đậu, tăng 11,5 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Ảnh minh họa: Internet

Dẫn tin từ báo Đầu Tư, theo ghi nhận tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, thời gian gần đây cũng tiếp nhận nhiều ca mắc thủy đậu nặng, phải nhập viện, trong đó có 2 trường hợp tử vong và đều là người lớn.

Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai thông tin, thủy đậu ở người khỏe mạnh thường gây tổn thương các nốt phỏng trên da và sau 1-2 tuần sẽ khỏi không để lại di chứng. 

Các ca có biến chứng nặng gây viêm phổi, viêm não, suy đa phủ tạng thường xảy ra trên những cơ địa suy giảm miễn dịch hoặc có bệnh nền dùng các thuốc ức chế miễn dịch. 

Về mặt bệnh học, PGS.TS. Đỗ Duy Cường cho biết, thuỷ đậu là bệnh truyền nhiễm do virus Varicella zoster (VZV) gây ra, bệnh chủ yếu lây qua đường hô hấp. 

Do đó, đa số trường hợp người khỏe mạnh nhiễm thủy đậu là do tiếp xúc với người bệnh thông qua không khí như hít phải những giọt nước bọt bắn ra ngoài khi bệnh nhân ho, hắt hơi, hay tiếp xúc chất dịch từ mụn nước. Bệnh thường gặp ở trẻ em hoặc ở người trưởng thành nếu chưa được tiêm phòng vắc xin. 

Người lớn nếu không có miễn dịch khi tiếp xúc với người bệnh cũng dễ bị lây và có xu hướng nặng hơn trẻ em. Nhiều nghiên cứu cho thấy, có khoảng 90% người chưa có miễn dịch thủy đậu sẽ mắc bệnh nếu tiếp xúc với người bệnh. 

Bệnh thủy đậu có thể lây nhiễm trong khoảng thời gian từ 1 - 2 ngày trước khi xuất hiện mụn nước, cho đến lúc các mụn nước khô lại và bong tróc vảy. 

Ngoài ra, bệnh thủy đậu còn có thể lây truyền từ mẹ sang con. Phụ nữ mang thai bị thủy đậu có thể lây truyền cho thai nhi qua nhau thai hoặc lây sau khi sinh nở.

Bệnh thủy đậu thường xảy ra rải rác quanh năm, nhưng xuất hiện nhiều vào dịp đông xuân. Thời gian ủ bệnh thường từ 2 đến 3 tuần. 

Sau ủ bệnh, bệnh bắt đầu giai đoạn khởi phát với những biểu hiện của thủy đậu thường gặp như: Sốt, đau đầu, mệt mỏi, phát ban. 

Ảnh minh họa: Internet

Ở giai đoạn toàn phát, triệu chứng thường là sốt cao, đau đầu, chán ăn, mệt mỏi, buồn nôn, đau cơ. Điển hình là xuất hiện những mụn nước với đường kính 1 - 3 mm xuất hiện toàn than, tập trung nhiều ở mặt, thân mình rồi lan ra toàn thân, thậm chí xuất hiện cả trong niêm mạc miệng, gây ngứa rát, khó chịu cho người bệnh. 

Nếu không có biến chứng, giai đoạn hồi phục bệnh thủy đậu thường sau 7 - 10 ngày. Khi đó, các vết mụn nước sẽ khô dần, bong vảy, da thâm và khỏi lâu sẽ trở lại bình thường không để lại sẹo. Trong giai đoạn này, việc vệ sinh cơ thể cần đặc biệt chú trọng, tránh để nhiễm trùng nốt phỏng dẫn đến sẹo.

Trong những trường hợp nặng, mụn nước sẽ to hơn. Khi nhiễm trùng, mụn nước sẽ có màu đục do chứa mủ. Ở trường hợp thủy đậu biến chứng có thể gây viêm phổi, viêm não, viêm gan,... 

Đặc biệt, phụ nữ mang thai bị thuỷ đậu ở 3 tháng đầu của thai kỳ có nguy cơ sảy thai, hoặc khi sinh ra trẻ có thể mắc một số dị tật bẩm sinh… 

Chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai nhấn mạnh, bệnh nhân có miễn dịch yếu, đang dùng thuốc corticoid, thuốc điều trị ung thư, đang xạ trị khi mắc thủy đậu sẽ dễ chuyển nặng và biến chứng.

Ngoài ra, với những trường hợp khỏe mạnh cũng không nên chủ quan. Khi mắc bệnh cần đến cơ sở y tế để bác sĩ có chuyên môn chẩn đoán, điều trị kịp thời.

Theo PGS. Đỗ Duy Cường, hiện nay bệnh đã có thuốc điều trị đặc hiệu chống virus thuỷ đậu là Acyclorvir nhưng cần phải điều trị sớm trong những ngày đầu thì mới có hiệu quả.

Bên cạnh đó, dùng thuốc chữa triệu chứng như hạ sốt, bôi các dung dịch sát khuẩn làm se các nốt phỏng tránh bội nhiễm (xanh methylen), vệ sinh thân thể tránh các biến chứng bội nhiễm, không cần phải kiêng cữ nhiều (kiêng gió, kiêng nước,...).

Điều quan trọng là người bệnh cần phải theo dõi và phát hiện kịp thời các biến chứng, giữ gìn vệ sinh và tránh tự ý sử dụng các thuốc có thể gây bệnh nặng hơn như Corticoid.

Bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo, khi người bệnh mắc thuỷ đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 đến 10 ngày, từ khi bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho những người xung quanh.

Cũng về bệnh thuỷ đậu, có bằng chứng cho thấy vắc-xin giúp ngăn ngừa hoặc làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh nếu được tiêm trong vòng 3-5 ngày sau khi phơi nhiễm. Đặc biệt, mức độ hiệu quả của vắc-xin có thể đạt được 70-100% nếu tiêm trong vòng 72 giờ.

Với trẻ em, khi trẻ mắc bệnh thủy đậu, phụ huynh cần lưu ý ngoài việc hạ sốt và uống thuốc theo đơn bác sĩ, chăm sóc các nốt tổn thương da rất quan trọng.

Nếu tổn thương da không chăm sóc cẩn thận, bị nhiễm trùng, vết sẹo sau này sẽ rất xấu và có thể bội nhiễm, gây nhiễm trùng các cơ quan khác.

Người bệnh cần giữ sạch sẽ các tổn thương da bóng nước, có thể sử dụng thuốc sát trùng nếu bội nhiễm; tuyệt đối không bôi loại thuốc không rõ nguồn gốc lên các vết bóng nước. Bệnh thủy đậu không hạn chế tắm rửa, ngược lại, càng vệ sinh cơ thể sạch sẽ càng tốt.

Về dinh dưỡng, người bị thủy đậu cần ăn uống hợp lý, đầy đủ các chất dinh dưỡng phù hợp với lứa tuổi, uống nhiều nước.

Trong quá trình chăm sóc, nếu có sốt cao liên tục không hạ được kèm theo các dấu hiệu thần kinh như li bì, khó đánh thức, nôn, co giật, khó thở… người bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế kịp thời.

Trẻ nên được tiêm phòng để tạo sự miễn dịch chủ động đối với bệnh thủy đậu. Để giảm nguy cơ mắc bệnh, bạn không nên tiếp xúc gần với người chăm sóc hoặc người đang mắc bệnh thủy đậu.

Nếu có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh này, tốt nhất nên đến cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán sớm.