Số ca mắc sốt xuất huyết tăng hơn ngưỡng cảnh báo dịch
Quá tải cơ sở điều trị
Sốt xuất huyết ngày thứ 4, tiểu cầu hạ nhẹ nhưng chị N.T.T (Cầu Giấy, Hà Nội) được bác sĩ tư vấn về nhà theo dõi và hẹn tái khám sau 3 ngày vì cơ sở y tế chị đến khám đang quá tải. "Những trường hợp có biến chứng nặng mới nhập viện và phải chịu cảnh 3 người/ giường", chị T. cho hay.
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Giải Phóng, mỗi ngày ghi nhận hơn 100 ca sốt xuất huyết đến khám, trong đó 10% ca nặng phải nhập viện. Khoa Cấp cứu có 30 giường thì có tới 25 giường là bệnh nhân sốt xuất huyết nặng cần theo dõi tích cực.
Trong khi đó, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung, Đông Anh, hàng chục bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện mỗi ngày khiến giường bệnh đều chật kín. 3 ngày gần đây, bệnh viện tiếp nhận chủ yếu các ca bệnh nặng, nguy cơ tử vong cao.
Đáng nói, các bệnh nhân nặng đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đều sống cùng một khu vực.
Mới đây, Viện Lâm sàng Các bệnh Truyền nhiễm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiếp nhận nhiều trường hợp nhập viện trong tình trạng sốt cao, mệt, xét nghiệm dương tính với sốt xuất huyết.
Cụ thể, bệnh nhân V.T.P (nam, 17 tuổi, Hai Bà Trưng, Hà Nội) nhập viện với các biểu hiện sốt cao ngày thứ 4 không giảm, tức ngực, khó thở. Sau khi xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị sốt xuất huyết Dengue giảm tiểu cầu, tràn dịch màng phổi, màng bụng.
Hiện tại, sau 3 ngày nhập viện bệnh nhân không sốt, không chảy máu cam chân răng, ban xuất huyết rải rác dưới da, đỡ chóng mặt, đỡ khó thở.
Trong tuần qua, Hà Nội phát sinh 58 ổ dịch sốt xuất huyết mới, ghi nhận 1.312 ca mắc, tăng 8,9% so với tuần trước. Hà Nội đang chuẩn bị bước vào đỉnh dịch sốt xuất huyết với số người mắc tăng cao, bệnh nhân nặng phải nhập viện tăng.
Cả thành phố còn 143 ổ dịch đang hoạt động tại 24 quận, huyện, trong đó một số ổ dịch có nhiều bệnh nhân, có ổ lên tới 200 người mắc ở Thôn Bùng, Phùng Xá, Thạch Thất và ổ này bùng phát vài tháng nay.
Ngoài 12 ca tử vong trong thời gian qua, Hà Nội đã ghi nhận rất nhiều ca nặng như tiểu cầu tụt về 0 G/l, sốc sốt xuất huyết, xuất huyết tiêu hoá, viêm phổi, suy đa tạng phải thở máy, lọc máu…
Bác sĩ Hà Huy Tình, Phó Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa cho biết, sở dĩ sốt xuất huyết bùng phát, ngoài chu kỳ đã trở thành quy luật, còn do phần lớn người dân chưa có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường khiến muỗi sinh sản, phát triển.
Tăng mạnh ca nhiễm tại ngoại thành
Bác sĩ Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, các ổ dịch trong nội thành hiện cơ bản đã kiểm soát tốt. Tuy nhiên, diễn biến bất thường năm nay là dịch sốt xuất huyết tăng mạnh ở các huyện ngoại thành. Có những huyện ngoại thành, ổ dịch cũ chưa dập xong lại phát sinh ổ dịch mới.
Cả 30 quận, huyện của Hà Nội đều ghi nhận ca mắc sốt xuất huyết. Trong tuần qua, những quận, huyện có số ca mắc cao là: Hà Đông (148), Phú Xuyên (110), Đống Đa (101).
Lãnh đạo CDC cho biết, nóng nhất hiện nay là ổ dịch sốt xuất huyết tại huyện Đan Phượng khi đã có 1.039 ca mắc, 37 ổ dịch, hiện còn 11 ổ hoạt động.
Theo Tiến sĩ Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, với đặc điểm của thời tiết hiện nay thuận lợi cho sự phát triển của muỗi truyền bệnh. Bên cạnh đó vào đầu tháng 10 số lượng học sinh, sinh viên các tỉnh, thành phố về Hà Nội nhập học đông, tiềm ẩn nguy cơ mắc sốt xuất huyết rất cao.
Đặc biệt, chu kỳ của dịch sốt xuất huyết sẽ bùng phát thành dịch sau 5 năm một lần. Trước đó, dịch sốt xuất huyết lớn nhất gần đây là vào năm 2017. Vì vậy, theo chu kỳ năm 2022 sốt xuất huyết có thể lại bùng phát thành dịch.
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, số mắc sốt xuất huyết năm 2022 đã vượt ngưỡng cảnh báo dịch, tình hình dịch đang diễn biến phức tạp.
Dự báo, số ca mắc tiếp tục ghi nhận ở mức cao, nguy cơ ghi nhận nhiều bệnh nhân nặng, do đó cần tiếp tục bám sát tình hình, sẵn sàng nhân lực, cơ số vật tư, hoá chất phục vụ cho công tác phòng, chống sốt xuất huyết.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Đăng Mạnh, Chủ nhiệm khoa Bệnh lây đường tiêu hóa, Viện Lâm sàng các Bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện Trung ương Quân đội cho biết, để phòng bệnh sốt xuất huyết, Bộ Y tế kêu gọi người dân mỗi tuần dành 10 phút để diệt bọ gậy/lăng quăng và thực hiện các biện pháp phòng bệnh như: kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thay rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng.
Bên cạnh đó, các gia đình thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh...; loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng.
Nam giới bụng to, nhìn cho sang hay chỉ toàn tác hại?
Nam giới bụng to không chỉ ảnh hưởng đến ngoại hình của phái mạnh mà còn là “thủ phạm” của...
Điều gì xảy ra khi đội mũ vào mùa đông?
Đội mũ vào mùa đông không chỉ để chống lạnh mà còn mang lại những lợi ích sức khỏe không...
Người Nhật ăn gì để giảm gãy xương?
Một số chuyên gia đã phát hiện ra rằng mặc dù lượng canxi hấp thụ của người Nhật thấp hơn...
Khảo sát 36.000 người trên 40 tuổi phát hiện: Đây thời gian đi bộ mỗi ngày để tăng thêm 11...
Nếu muốn gia tăng tuổi thọ, đây là phương pháp hữu hiệu bạn nên áp dụng.