Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Hà Nội ngày 14/2, thành phố đang điều trị cho 95.916 người mắc Covid-19.

Các bệnh nhân được phân bổ tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (163), Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (175), các bệnh viện thuộc Hà Nội (3.273), cơ sở thu dung của thành phố (100), cơ sở thu dung cấp quận/huyện (661). Ngoài ra, 91.544 F0 đang được theo dõi và cách ly tại nhà.

Thống kê của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), cập nhật lần gần nhất ngày 14/2 cho thấy Hà Nội có 582 F0 đang điều trị tại các bệnh viện diễn biến nhẹ, không xuất hiện triệu chứng.

Ngoài ra, thành phố đang điều trị cho 2.193 bệnh nhân Covid-19 ở mức độ trung bình. Đáng chú ý, số trường hợp diễn biến nặng, nguy kịch của thành phố hiện là 598 (tăng 0,7% so với trung bình 7 ngày trước).

Trong đó, 517 ca phải thở oxy qua mặt nạ, gọng kính, 18 trường hợp thở oxy dòng cao (HFNC), 22 người thở máy không xâm lấn, 36 ca thở máy xâm lấn, 4 bệnh nhân phải lọc máu và một trường hợp được can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo).

Thành phố cũng công bố trong ngày mùng 5 Tết đã ghi nhận thêm 18 bệnh nhân Covid-19 tử vong. Từ ngày 29/4/2021 đến nay, Hà Nội đã có tổng cộng 744 trường hợp mắc Covid-19 và qua đời.

Ngày 14/2, Hà Nội ghi nhận thêm 3.507 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc của thành phố ở làn sóng dịch thứ 4 lên 175.245 người. Các trường hợp này được phát hiện trên toàn bộ 30/30 quận, huyện, thị xã thuộc Hà Nội.

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội, tính đến ngày 11/2, thành phố không ghi nhận phường, xã, thị trấn nào có mức độ dịch ở cấp độ 3 và 4 (vùng cam và đỏ) trong vòng một tuần qua. So với trước đó, 9 phường, xã đã kiểm soát dịch từ cấp độ 3 về cấp độ 2 (màu vàng).

Đại diện Sở Y tế Hà Nội vừa qua cũng đã nhận định thành phố có thể ghi nhận số ca mắc tăng trong thời gian này, sau Tết Nguyên đán. Công tác chống dịch của thành phố vẫn đang được tổ chức quyết liệt, tỷ lệ bệnh nhân nặng, tử vong nằm trong tầm kiểm soát.

Thời gian tới, việc thành phố mở cửa trở lại một số dịch vụ, ngành nghề như vận tải, du lịch, giao thương quốc tế,… có thể dẫn đến nguy cơ biến chủng Omicron xâm nhập mạnh. Vì thế, các địa phương cần theo dõi sát, áp dụng biện pháp phòng, chống dịch phù hợp để bảo đảm việc phục hồi phát triển kinh tế và an ninh y tế.