Hầu hết ngân hàng đều có các dòng thẻ tín dụng hướng tới nhóm khách hàng sinh viên. Ảnh: The Balance Money.

Cùng với việc bùng nổ các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt, việc sở hữu thẻ tín dụng hiện không còn giới hạn ở nhóm khách hàng có thu nhập cao mà hầu hết ngân hàng đều đang có các sản phẩm thẻ tín dụng cho nhóm khách hàng là sinh viên.

Do là nhóm khách hàng chưa có thu nhập ổn định, để mở được thẻ tín dụng, nhóm khách hàng này phải đáp ứng một số yêu cầu đặc biệt từ phía các ngân hàng.

Cụ thể, trường hợp chủ thẻ tín dụng là sinh viên, hầu hết ngân hàng hiện nay yêu cầu khách hàng phải là sinh viên đang theo học tại các cơ sở giáo dục đại học/cao đẳng từ năm 3 trở lên; có thu nhập từ việc làm thêm với lương chuyển khoản ít nhất 4,5 triệu đồng/tháng; hoặc sở hữu một phương tiện di chuyển như xe máy (đăng ký chính chủ).

Bên cạnh đó, trường hợp khách hàng là sinh viên đứng tên một số tài sản như sổ tiết kiệm, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ... cũng có thể mở thẻ tín dụng.

Một số nhà băng khi làm thủ tục mở thẻ tín dụng cho nhóm khách hàng này còn yêu cầu điểm học tập trung bình của sinh viên phải đạt từ 7.0 trở lên.

Hạn chế của thẻ tín dụng cho nhóm khách hàng sinh viên thường là bị giới hạn thời gian sử dụng cũng như hạn mức tín dụng thấp.

Ngoài ra, một vài lời khuyên được các chuyên gia đưa ra với nhóm khách hàng sinh viên khi lựa chọn sử dụng thẻ tín dụng là lựa chọn ngân hàng phát hành thẻ tín dụng phù hợp; không mở nhiều thẻ một lúc; thanh toán đúng hạn tránh phát sinh nợ xấu; và có kế hoạch chi tiêu hợp lý...

Tùy vào nhu cầu và điều kiện cá nhân mà khách hàng là sinh viên có thể lựa chọn dòng thẻ tín dụng phù hợp. Hiện tại, hầu hết ngân hàng đều có các sản phẩm thẻ tín dụng dành riêng cho nhóm khách hàng này với các ưu đãi tập trung chủ yếu trong các giao dịch thanh toán học phí, dịch vụ y tế, di chuyển, vui chơi giải trí...

Như tại HDBank, nhà băng này đang có dòng thẻ tín dụng HDBank Best Friend Forever với nhiều ưu đãi nhắm tới nhóm khách hàng học sinh - sinh viên. Với dòng thẻ này, HDBank sẽ hoàn phí thường niên năm đầu; ưu đãi 50% các thanh toán liên quan tới di chuyển, ẩm thực, du lịch, học tập, giải trí... Ngoài ra, chủ thẻ cũng được hưởng ưu đãi cho trả góp lãi suất 0% các sản phẩm điện tử điện máy mà HDBank có liên kết.

Hạn mức phổ biến của dòng thẻ này là 10 triệu đồng với thời gian không tính lãi suất 45 ngày.

Tương tự, MB hiện có dòng thẻ tín dụng MB Modern Youth hướng tới nhóm chủ thẻ học sinh, sinh viên với ưu đãi không phí phát hành và phí duy trì thẻ hàng năm. Chủ thẻ được mua hàng trả góp lãi suất 0% tại hơn 1.000 điểm mua sắm có liên kết với ngân hàng. Bên cạnh đó, MB cũng dành nhiều ưu đãi mua sắm online tại Shopee, Grab cho chủ thẻ.

Tại VPBank, nhà băng này cũng đang cung cấp dòng thẻ tín dụng MasterCard MC2 cho nhóm khách hàng sinh viên. Thẻ này được miễn phí thường niên năm đầu; tích điểm đổi quà; giảm giá đến 30% tại hơn 5.000 cửa hàng, đối tác ăn uống, du lịch, mua sắm…; cho phép thanh toán trong nước và hơn 220 quốc gia trên thế giới.

VIB cũng có dòng thẻ tín dụng Ivy Card hướng tới nhóm khách hàng Gen Z. Điều kiện mở thẻ là người có độ tuổi từ đủ 20 đến 25 tuổi, sinh viên từ năm 3 tại các trường đại học, có điểm trung bình học kỳ gần nhất tối thiểu 7/10 hoặc các mức tương đương theo thang điểm xếp loại từng trường.

Ưu đãi của dòng thẻ này là chủ thẻ được hưởng dịch vụ tài chính/đào tạo tài chính như sinh viên Mỹ (Ivy League); hoàn 0,5% các giao dịch chi tiêu mua sắm hàng hóa - dịch vụ; miễn phí thường niên năm đầu tiên; hoàn 10% tổng giao dịch chi tiêu thẻ...