Sinh năm một, hại nhiều hơn lợi
Bối cảnh hiện đại khiến nhiều cặp đôi kết hôn trễ hơn ngày xưa và khi "về chung một nhà" đã có điều kiện kinh tế tạm ổn. Có điều kiện, sợ già, gia đình hối thúc, tâm lý "nuôi một lần cho tiện", nhiều người đã tập trung cho việc sinh con, thậm chí sinh năm một. Nhưng mọi chuyện không đơn giản…
Tưởng khỏe mà... không khỏe
Chị L.T.N (35 tuổi, nhân viên truyền thông, ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) ngồi phịch xuống bồn cây trước trường mẫu giáo của con gái nhỏ, than thở: "Ngày nào cũng chạy đua như vậy. Năm nay tôi stress lắm. Tôi có 2 đứa: Một đứa 2 tuổi còn chưa biết gì, đứa thì đang khủng hoảng tuổi lên 3... Hồi đó nghĩ sinh một lần cho khỏe mà hóa ra không khỏe chút nào".
Chị M., bạn gái thân của chị N., còn khổ hơn. Chị M. chưa kịp giảm cân sau sinh đứa đầu đã mang thai tiếp đứa thứ 2, hậu quả là bị béo phì và sản giật suýt nguy tính mạng.
Theo chia sẻ của 2 chị, tâm lý "sinh một lượt" rất phổ biến trong bạn bè. "Ngày nay ai lấy nhau đều đã gần 30, sợ già cực với lại công việc cũng ổn rồi nên muốn sinh một lèo 2 đứa luôn" - chị N. nói.
Theo bác sĩ (BS) chuyên khoa II Trần Ngọc Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, "sinh một lượt" thực ra có cái lợi và cái bất lợi. Lợi là như suy nghĩ của các phụ nữ nói trên, con có anh chị em gần tuổi chơi với nhau sẽ vui hơn, việc chăm sóc các trẻ cùng tuổi có khi tiện hơn… Nhưng cái bất lợi lên sức khỏe còn lớn hơn.
"Mang thai và sinh con không phải điều đơn giản. Tuy nói thời gian hậu sản là 6 tuần nhưng thời gian đó chỉ đủ để cơ quan sinh dục phần nào hồi phục; còn những thay đổi sinh lý khác do quá trình mang thai và sinh nở trước đó như hệ thống tuần hoàn, hô hấp, chức năng gan, ruột, tụy, tiêu hóa... thì chưa hồi phục hẳn.
Chưa kể sự căng thẳng, mệt mỏi trong quá trình mang thai - sinh nở và sinh con nhỏ. Sẽ quá tải nếu họ lại tiếp tục mang thai khi con mới vài tháng. Nhất là khi chúng ta không thể biết trước thai kỳ tiếp theo có thuận lợi hay không" - BS Hải phân tích.
BS Nguyễn Ngọc Thông, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP HCM, lưu ý ngoài những bất lợi về sức khỏe, phụ nữ sinh con quá dày sẽ gặp các bất lợi về mặt xã hội, cụ thể là ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống riêng. Công việc ảnh hưởng sẽ liên quan đến kinh tế gia đình, trong khi các cặp vợ chồng có cùng lúc 2-3 đứa con nhỏ sẽ cần chi phí khá lớn để nuôi các cháu.
"Ngoài ra, khi người mẹ có thai lần nữa, nội tiết trong cơ thể sẽ chuyển từ chế độ đang cho con bú sang chế độ phù hợp với người mang thai, đồng nghĩa với việc sữa mẹ dần dần mất đi. Không được bú sữa mẹ từ khi mới vài tháng tuổi và có khi không được chăm sóc kỹ càng vì mẹ mang thai nhiều mệt mỏi, đứa con trước đó sẽ thiệt thòi rất lớn. Hai năm đầu đời lại là thời gian cực kỳ quan trọng với trẻ" - BS Thông lưu ý.
Nên cách ít nhất 2 năm
Theo BS Thông, nếu có điều kiện, các cặp vợ chồng nên điều chỉnh khoảng cách giữa các lần sinh con từ 3-5 năm. Đây là con số được nhiều chuyên gia về dân số và sức khỏe khuyến cáo, bảo đảm không chỉ về mặt sức khỏe mà còn phù hợp cho việc nuôi dạy các bé.
"Tuy nhiên, không có chỉ định bỏ thai nếu bạn lỡ thụ thai quá sớm. Tốt nhất trong tình huống đó bạn nên đi khám ở một bệnh viện lớn, tuyến cuối để được quản lý thai kỳ chặt chẽ" - BS Thông khuyên.
Trong khi đó, theo nghiên cứu của Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID), quy chuẩn về thời gian và khoảng cách lành mạnh của thai kỳ (HTSP) đòi hỏi khoảng thời gian tối thiểu từ lúc sinh con đến lần thử thai thành công tiếp theo nên ít nhất là 24 tháng. Nếu bạn cần sinh gấp, ít ra hãy ráng chờ đến khi qua 18 tháng để giảm bớt các nguy cơ. Với người sau phá thai, sẩy thai, thai lưu, thời gian tối thiểu là 6 tháng.
Theo USAID, điều này nhằm "đạt được kết quả lành mạnh nhất" cho phụ nữ, trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và cả các trẻ ở độ tuổi lớn hơn.
Ngoài ra, khoảng cách quá dài trên 5 năm cũng không nên. Kết luận này dựa trên bằng chứng về những rủi ro với cả mẹ và bé.
Con 6 tháng đã có bầu: Rủi ro rất cao!
Một nghiên cứu công bố năm 2018 trên JAMA Internal Medicine của Đại học British Columbia (Anh) và Trường Y tế công cộng Harvard TH Chan (Đại học Harvard, Mỹ) khảo sát hơn 150.000 phụ nữ, cho thấy người trên 35 tuổi mà thụ thai chỉ trong 6 tháng sau sinh có nguy tử vong hoặc tổn hại mẹ lên tới 1,2%, trong khi phụ nữ trẻ thì phải đối mặt với nguy cơ chuyển dạ sớm, tức dễ gây sinh non (8,5%). Các rủi ro giảm thấp nếu họ chịu khó chờ đợi đến 18 tháng (chỉ còn 0,5% nguy cơ tổn hại mẹ và 3,7% nguy cơ chuyển dạ sớm).
Năm 2017, một nghiên cứu từ Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho thấy nếu mẹ có thai đứa con tiếp theo khi đứa con trước chưa được 2 tuổi, nguy cơ mắc tự kỷ của bé sau sẽ tăng 50% so với nguy cơ chung ở trẻ bình thường.
Nguyên nhân là cơ thể người phụ nữ cần ít nhất 18 tháng để tự cân bằng, tự bổ sung các chất cần thiết cho việc nuôi dưỡng đứa bé.
Khi nào thai phụ cần tiêm vaccine uốn ván?
Vợ tôi có thai được 5 tháng và chưa tiêm vaccine uốn ván. Vậy, bác sĩ cho tôi hỏi khi...
Mắc bệnh tiểu đường có được ăn đường không?
Trong điều trị bệnh tiểu đường, dinh dưỡng là phương pháp điều trị không dùng thuốc được áp dụng đầu...
Loại sán dễ mắc khi ăn các loại rau mọc dưới nước
Mẹ tôi rất thích ăn rau sống, gần đây lại có biểu hiện sốt nhẹ, mệt mỏi, da sẩn ngứa....
Chồng ngủ ngáy to quá, tôi phải làm thế nào?
Thông thường, người ngủ ngáy to không biết là mình gây ồn ào làm phiền người bên cạnh.