Siêu biến thể BA.5 có khả năng kháng vaccine Covid-19 gấp 4 lần. 

Đây là kết quả trong một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí khoa học Nature, Nghiên cứu khẳng định biến thể này có khả năng kháng lại các loại vaccine RNA  bao gồm cả vaccine của Pfizer và Moderna. 

BA.5 Omicron lần đầu tiên được xác định ở Nam Phi vào ngày 26/2. Theo hãng tin IANS, BA.5 đang là biến thể lây nhiễm chủ đạo tại Mỹ và khiến làn sóng dịch Covid-19 trỗi dậy ở một số nước châu Âu.

Theo báo cáo mới nhất của Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh (CDC) của Mỹ, trong tuần kết thúc ngày 9/7, BA.5 chiếm 65% số ca mắc mới tại nước này.

Báo cáo của Trung tâm y tế Mayo Clinic của Mỹ cho thấy BA.5 là biến thể "siêu lây nhiễm", đang làm gia tăng số bệnh nhân Covid-19 phải nhập viện điều trị và cần chăm sóc đặc biệt.

Theo Tiến sĩ Gregory Poland, người đứng đầu nhóm nghiên cứu vaccine của Mayo Clinic, những người không tiêm vaccine có nguy cơ mắc Covid-19 cao hơn khoảng 5 lần so với những người được tiêm chủng vaccine và tiêm mũi tăng cường.

Nguy cơ cần nhập viện điều trị và tử vong ở nhóm người này cũng cao hơn lần lượt là 7,5 lần và 15 lần so với người đã tiêm chủng.

Theo các chuyên gia y tế Mỹ, lý do khiến BA.5 Omicron nhanh chóng trở thành biến chủng trội tại nước này là do nó dễ lây truyền hơn BA.2.12.1 Omicron. Trong khi đó BA.4 Omicron có một số đột biến protein quan trọng giống như BA.5, nhưng không có tác động tương tự.

Eric Topal, Người sáng lập và Giám đốc Viện Dịch thuật Nghiên cứu Scripps, Giáo sư Y học Phân tử và Phó Chủ tịch Điều hành Scripps cho biết: “Biến thể phụ BA.5 Omicron là phiên bản tồi tệ nhất của loại virus mà chúng tôi chứng kiến. Biến thể phụ này có khả năng lây truyền vượt xa BA.1 Omicron và các biến thể phụ khác của Omicron khác”.

Phát biểu tại buổi họp báo liên quan đến tình hình Covid-19 toàn cầu hôm 6/7, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết có 4 thách thức lớn đối với dịch Covid-19 hiện nay: số xét nghiệm giảm khiến khó đánh giá về bức tranh Covid-19 toàn cầu; khả năng tiếp cận thuốc kháng virus còn thấp ở các quốc gia thu nhập trung bình thấp; khả năng bảo vệ của vaccine suy giảm theo thời gian và sự biến đổi của virus. Theo Tổng giám đốc WHO, những thách thức đòi hỏi hành động ở cấp độ toàn cầu, quốc gia và địa phương.

Chính vì vậy, người đứng đầu WHO đưa ra 2 khuyến nghị quan trọng với các quốc gia thành viên: Một là tiêm chủng và tiêm chủng tăng cường những người có nguy cơ cao nhất. Điều này bao gồm những người lớn tuổi, những người bị bệnh mãn tính, người bị suy giảm miễn dịch và nhân viên y tế. Sau đó xây dựng bức tường miễn dịch trong toàn bộ quần thể.

Hai là cung cấp thuốc kháng virus đường uống mới và các phương pháp điều trị khác cho tất cả mọi người. Ông Ghebreyesus nói thêm rằng WHO đã làm việc với các tổ chức quốc tế khác và cam kết sẽ hỗ trợ các quốc gia về vấn đề này.