Sau vụ lật thuyền trên sông Chảy làm 5 người chết: Chủ tịch tỉnh Lào Cai chỉ đạo 'nóng'
Những ngày qua, người dân thôn Cốc Rế, xã Bản Mế, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai chìm trong nỗi buồn không nguôi vì một lúc mất đi 5 người trong vụ lật thuyền ngày 15/8.
Ngồi bên bờ sông Chảy, chị Cư Dứa cho biết, vụ lật thuyền khiến chị mất đi 2 người con, mãi đến ngày 17/8 mới tìm thấy. Đến cuối năm nay một cháu sẽ sinh nhật tròn 2 tuổi và một cháu sinh nhật tròn 5 tuổi. Trước hôm các con bị nạn, chị Dứa vẫn gọi điện về nói chuyện và hứa đến sinh nhật, mẹ về có lương đi làm công nhân sẽ mua bánh kem sinh nhật theo nguyện vọng của các con.
Chiếc bánh kem sinh nhật đối với những đứa trẻ vùng cao ở một địa phương nghèo như Cốc Rế là một ước mơ không phải lúc nào cũng thực hiện được. "Vậy mà giờ em không còn cơ hội thực hiện ước muốn của các con em nữa, em thương các cháu quá…", người phụ nữ Mông nức nở nói.
Lãnh đạo huyện Si Ma Cai cho biết, thôn Cốc Rế, xã Bản Mế hiện có khoảng 100 hộ dân, chủ yếu là người dân tộc thiểu số. Do điều kiện địa hình khó sản xuất nông nghiệp nên phần lớn các hộ trong thôn đều hết sức khó khăn và lao động chính của các gia đình trong độ tuổi đều đi làm ăn xa.
Hôm xảy ra sự việc, 2 bà cùng 3 cháu nhỏ (cùng trong họ hàng) qua sông sang đến nhà thông gia chơi thì bất ngờ thuyền bị lật dẫn đến cả 5 người tử vong.
Theo UBND tỉnh Lào Cai, qua theo dõi cho thấy, một số sở, ngành, địa phương còn chưa triển khai quyết liệt và thường xuyên các chỉ đạo của UBND tỉnh, từ đó, xảy ra tình trạng đơn vị, người lái phương tiện thủy chưa chấp hành nghiêm túc, hoạt động tự phát tham gia giao thông đường thủy.
Để tiếp tục tăng cường các biện pháp cấp bách đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy, phòng ngừa, ngăn chặn các vụ tai nạn giao thông đường thủy trong mùa mưa bão, đặc biệt tại các nơi luồng tuyến đang khai thác tự nhiên và chưa được đưa vào quản lý, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai chỉ đạo các đơn vị rà soát, thống kê số lượng phương tiện thủy, bến đò ngang trên địa bàn quản lý (bao gồm cả các phương tiện, bến thủy hoạt động tự phát; phương tiện chưa có đăng ký, đăng kiểm); thông báo và phối hợp với lực lượng Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải - Xây dựng, Đoàn kiểm tra liên ngành xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tự ý hoạt động; thực hiện ngay việc cắm biển cảnh báo nguy hiểm tại các khu vực bến đò hoạt động tự phát.
Phối hợp với lực lượng Công an tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức kiểm tra, xử lý các vi phạm về mở bến thủy nội địa không đúng quy định; xử phạt nghiêm các trường hợp phương tiện chở khách trên sông, hồ, đò ngang không đảm bảo các điều kiện hoạt động (không có đăng ký, đăng kiểm); người điều khiển phương tiện không có chứng chỉ chuyên môn; phương tiện chở quá số người được phép chở, người đi thuyền không mặc áo phao, chở hàng hóa quá vạch dấu mớn nước an toàn...
Theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, rất nhiều vụ tai nạn giao thông đường thủy do ý thức chấp hành pháp luật của cá nhân tham gia giao thông còn kém, kỹ năng xử lý tình huống của người điều khiển phương tiện chưa cao. Đơn cử như trong vụ lật thuyền nói trên, cả 5 nạn nhân đều không mặc áo phao dẫn đến tử vong thương tâm.
Dự báo thời tiết ngày 23/11: Hà Nội nhiều mây, sáng sớm trời rét, miền Trung có mưa lớn
Từ chiều tối 22 đến 23/11, khu vực Hà Tĩnh, Quảng Bình, Phú Yên và Khánh Hòa có mưa, mưa...
Nỗi oan khó nói của ông chồng bị vợ nghi ngoại tình
Không ít bà vợ cảm thấy lo lắng và bất an khi chồng ngày một sa sút, thậm chí không...
Vì sao con người lùn đi khi về già?
Giảm chiều cao là một đặc trưng điển hình của việc con người già đi. Bắt đầu từ sau tuổi...
Đàn ông cũng cần được khóc
Nhiều nam giới trao đổi rằng họ không được ai dạy về cách thế hiện tình cảm yêu thương thế...