Trao đổi với phóng viên Infonet, PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh, chuyên gia công nghệ thực phẩm cho biết, thực phẩm nào cũng có nguy cơ gây ngộ độc. Vì thực phẩm là món ăn cho người nhưng cũng là “món ăn” cho vi sinh vật.

“Con người muốn tránh ngộ độc thì phải phòng ngừa, hạn chế không để vi sinh vật nhiễm vào. Còn bảo quản không tốt để vi sinh vật nhiễm vào thực phẩm thì sẽ gây ngộ độc”, PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh cho hay.

Theo ông, dẫu thực phẩm nào cũng có nguy cơ gây ngộ độc nhưng thực phẩm giàu protein (thịt) sẽ nhiều hơn và nguy hiểm hơn. Thịt các loại (thịt sống, thịt chín) đều rất dễ bị nhiễm.

Học sinh trường ischool Nha Trang cấp cứu sau bữa ăn trưa.

Trong đó, thịt đông lạnh và thịt tươi về nguyên tắc nhiễm khuẩn như nhau. PGS Thịnh cũng nhấn mạnh, nếu thịt tươi không bị nhiễm khuẩn sau đó cho vào đông lạnh thì vẫn tốt nhưng thịt tươi đã bị nhiễm, vi khuẩn đã phát triển tích luỹ, chất độc nằm trong đó rồi thì có đưa vào trong tủ lạnh thì chúng vẫn nằm trong đó.

Đối với khuẩn Salmonella phát triển chậm, do đó dù có cho vào tủ lạnh thì chúng vẫn phát triển.

“Thịt nhiễm khuẩn Salmonella nếu để ngăn mát tủ lạnh thì phát triển chậm hơn so với bên ngoài nhưng nhanh hơn để trên ngăn đá. Còn để ở ngoài thì phát triển nhanh hơn trong ngăn mát. Đáng ngại là, loại khuẩn Salmonella không nhìn được bằng mắt thường nên vi khuẩn này chủ yếu là phòng”, PGS. TS Duy Thịnh cho hay.

Theo ông, bằng mắt thường chỉ phát hiện một số loại thực phẩm nhiễm vi khuẩn Ecoli, Coliform gây mùi (hôi, thối). Nếu thực phẩm nhiễm 2 vi khuẩn này thì càng hỏng càng thối nhưng Salmonella không gây mùi hôi, không gây mùi thối.

“Do đó, con vi khuẩn này chủ yếu là phòng, nếu để nhiễm vào rồi thì mắt thường không phát hiện được. Do đó để phòng tránh phải chọn thịt tươi, thịt mới được mổ làm sạch gói lại cất tủ đá nếu để lâu, ăn ngay cũng để trong tủ mát thì sẽ hạn chế rất nhiều bị nhiễm Salmonella”, PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh cho hay.

Trong khi đó, từ kinh nghiệm ăn uống của bản thân, một chuyên gia dinh dưỡng cho rằng để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt ở các bếp ăn tập thể việc đầu tiên phải kiểm soát được đầu vào từ khâu thu mua thực phẩm có đảm bảo an toàn hay không (thịt mua buổi sáng khác với thịt ế buổi chiều) cho đến quá trình lưu trữ (tủ mát, tủ đông) có đảm bảo hay không; tiếp đến việc chế biến có đảm bảo nấu chín không?...

Đối với rau cỏ cũng phải được rửa sạch, tối thiểu 3 lần dưới nước sạch. Ông cũng lưu ý, người dân nên mùa nào ăn thức ấy đỡ bị thuốc hoá học nhiều nhất. Theo đó, nên sử dụng  rau củ, quả (củ cải, mướp đắng, cà rốt, su hào..) đỡ nhiễm hơn những loại rau có lá.

Vụ ngộ độc khiến hơn 600 học sinh phải nhập viện cấp cứu, 1 học sinh tử vong tại trường ischool Nha Trang khiến dư luận không khỏi lo lắng về tình trạng an toàn ở những bếp ăn tập thể. 

Đây không phải là lần đầu xảy ra vụ ngộ độc tập thể mà đối tượng là các bé đang trong độ tuổi đến trường. Nguyên nhân thường là do thực phẩm bị nhiễm vi khuẩn Salmonella.

Năm 2018 tại Hà Nội đã có vụ gần 200 học sinh và giáo viên trường mầm non tại Đông Anh, Hà Nội nhập viện sau khi ăn trưa tại bếp ăn tập thể do ngộ độc thực phẩm và có kết quả dương tính với vi khuẩn Salmonella.

Các chuyên gia nhấn mạnh, vi khuẩn Salmonella có thể xâm nhập rất nhanh qua thành ruột non vào máu và gây tác động toàn thân suy kiệt rất nhanh. Nhất là với trẻ em có sức đề kháng kém khi nhiễm độc sẽ nguy hiểm hơn rất nhiều… 

Salmonella phát triển trong nước rã đông của thịt gia cầm đông lạnh, do đó phải tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc nấu chín kỹ thức ăn, và tuyệt đối không được cấp đông đi, cấp đông lại nhiều lần thực phẩm vì khuẩn Salmonella có sức sống rất dai và dễ dàng sinh xôi nảy nở cả ở môi trường nóng và lạnh. 

Một kết quả nghiên cứu trên tổng số 380 mẫu thịt (lợn, bò, gà) tươi sống được lấy ngẫu nhiên tại các chợ truyền thống trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cho thấy, tỷ lệ nhiễm Salmonella là 42,37%.

Trong đó, tỷ lệ nhiễm ở từng nhóm mẫu lần lượt là 50,00% đối với thịt lợn, 49,62% đối với thịt gà và 26,83% đối với thịt bò.