Sau lũ, miền Trung gồng mình phòng, chống dịch bệnh
Nhiều cơ sở y tế bị thiệt hại nặng
Năm nay, người dân ở huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình hứng chịu một trận ngập lịch sử, vượt qua đỉnh lũ năm 1979. Bệnh viện đa khoa huyện Lệ Thủy chưa từng bị ngập thì nay bị lũ tràn, mất điện.
Chị Bùi Thị Nga - ở xã Hưng Thủy, huyện Lệ Thủy - cho biết, mấy hôm nay, các bệnh nhân ở Bệnh viện đa khoa huyện Lệ Thủy phải sống bằng hàng tiếp tế từ bên ngoài. Nước ngập sâu khiến bệnh viện tan hoang, bệnh nhân rất lo lắng. “Nhà thì bị ngập, bệnh nhân và người thân thì đang mắc kẹt trong bệnh viện. Mấy hôm nay, chồng tôi về nhà chống lũ, còn tôi ở lại đây sống bằng nguồn hàng cứu trợ” - chị Nga cho hay.
Bác sĩ Thái Văn Công - Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Lệ Thủy - thông tin, hiện có 200 bệnh nhân và thân nhân, cùng 30 người dân đến tránh lũ, tổng số đang lưu trú khoảng 300 người. Ngoài ra, còn có 50 y, bác sĩ, cán bộ của bệnh viện túc trực hỗ trợ bệnh nhân. Bệnh viện hiện bị cô lập, không điện, nước sinh hoạt, di chuyển hoàn toàn bằng thuyền. Bệnh viện đã phải chạy máy phát điện để thực hiện ba ca mổ khẩn cấp cho các bệnh nhân.
Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Quảng Bình cho biết, đợt mưa lũ vừa qua, nhiều cơ sở y tế của tỉnh đã ngập sâu. Nặng nhất là Bệnh viện đa khoa huyện Lệ Thủy, Bệnh viện đa khoa huyện Quảng Ninh, Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình. Bệnh viện đa khoa TP. Đồng Hới cũng ngập.
Tuy nước ngập sâu, nhưng các cơ sở y tế đều duy trì chế độ trực 24/24 giờ, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sẵn sàng cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân. Khó khăn lớn nhất của các bệnh viện trong những ngày mưa lũ hoành hành là thiếu lương thực, thực phẩm cung cấp cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và nhân viên y tế đang làm việc.
Tại tỉnh Quảng Trị, các đợt mưa lớn trên diện rộng đã gây lũ, lụt, ngập sâu ở nhiều địa phương, làm 32 trạm y tế bị ngập lụt, thấm dột, hư hỏng trang thiết bị và vật tư y tế.
Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, mưa làm khoảng 30% trung tâm y tế bị thấm dột, tốc mái, trong đó, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Quảng Điền bị ngập toàn bộ tầng một. Khoảng 50% trạm y tế cũng bị dột, ảnh hưởng đến công tác khám, chữa bệnh. Nhiều cơ sở y tế bị ngập sâu từ 0,3-0,6m. TTYT huyện Nam Đông và A Lưới bị chia cắt do sạt lở tại đèo La Hy thuộc huyện Nam Đông và A Co thuộc huyện A Lưới, ảnh hưởng trong công tác chuyển tuyến bệnh nhân.
Đại diện Sở Y tế tỉnh Hà Tĩnh cho biết, do mưa lớn cộng với việc xả tràn hồ trong những ngày qua đã làm hàng chục trạm y tế bị ngập nặng, nhất là ở sáu xã vùng hạ lưu hồ Kẻ Gỗ thuộc huyện Cẩm Xuyên. Trong đó, Bệnh viện đa khoa huyện Cẩm Xuyên ngập sâu hơn 1m, 80% trạm y tế của huyện Cẩm Xuyên cũng bị ngập sâu.
Theo báo cáo sơ bộ của Bệnh viện đa khoa huyện Cẩm Xuyên, lúc lũ đạt đỉnh, bệnh viện bị ngập sâu hơn 2m nên hệ thống máy móc tại tầng một như máy siêu âm, ba máy X-quang kỹ thuật số, hệ thống máy giặt, máy sấy hỏng nặng, ước tính thiệt hại 30 tỷ đồng. Mưa lũ làm bệnh viện mất điện nên phải dùng máy phát điện phục vụ những khoa, phòng cần thiết.
“Hệ thống giường tủ bị ngập nước, hư hại đáng kể, kho thuốc bị ngập nên một số loại thuốc không còn dùng được… Trước mắt, bệnh viện đã huy động tối đa nhân viên dọn vệ sinh nhưng do bệnh viện bị ngập nặng nên công tác này gặp rất nhiều khó khăn” - đại diện Bệnh viện đa khoa huyện Cẩm Xuyên thông tin.
Nguy cơ dịch bùng phát
Lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, sau lũ, mỗi ngày có 200-300 bệnh nhân đến khám tại đây. Trong đó, gần một nửa số bệnh nhân mắc các bệnh lý cấp cứu về tiêu hóa, viêm loét da, mắt đỏ. Đây là những bệnh phổ biến trong mùa lũ.
Ông Hoàng Văn Đức - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thừa Thiên - Huế - cho biết: “Sau đợt lũ năm 2019, tỉnh Thừa Thiên - Huế có hơn 1.200 ca sốt xuất huyết, là một trong số những tỉnh miền Trung có số ca bệnh mắc sốt xuất huyết ít nhất sau lũ. Năm nay, lũ lụt kéo dài hơn nhưng chúng tôi cố gắng không để số ca bệnh vượt hơn năm ngoái”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, công tác triển khai các biện pháp phòng, chống dịch ở tỉnh Thừa Thiên - Huế gặp rất nhiều khó khăn. Đơn cử, tại huyện Quảng Điền, 11 trạm y tế xã đang thiếu nguồn nhân lực để phun thuốc diệt khuẩn. Để phòng, chống dịch sau lũ kịp thời, các trạm y tế phải bỏ tiền ra thuê người mang máy đi phun thuốc, cùng với nhiều chi phí khác nên đã vượt quá nguồn tiền dự phòng trong công tác phòng, chống lụt bão của ngành y tế. Vì vậy, TTYT huyện Quảng Điền phải xin tạm ứng tiền từ nguồn quỹ phòng, chống lụt bão của huyện.
Toàn huyện Quảng Điền chỉ có 11 máy phun diệt khuẩn, khử trùng để ở trung tâm y tế huyện, nhưng do nước lũ làm hỏng nên hiện chỉ có sáu máy có thể hoạt động được. Hiện các trạm y tế phải “linh hoạt” cho mượn máy phun tay để phục vụ công tác diệt khuẩn, khử trùng.
Bác sĩ Trần Văn Minh - Phó khoa Kiểm soát bệnh tật, TTYT huyện Quảng Điền - cho biết: “Huyện chúng tôi ở vùng trũng nên sau lũ, vô số chất thải, rác theo nước tràn vào các khu dân cư, nguy cơ xảy ra dịch bệnh rất cao. Nước lũ vừa rút là chúng tôi triển khai ngay các biện pháp chống dịch, nhưng công tác này gặp không ít khó khăn”.
“Thuốc tại các trạm y tế vùng lũ không thiếu nhưng do một số trạm bị ngập nên có thời điểm, người dân không thể tới trạm y tế mua thuốc phòng ngừa bệnh. Hơn nữa, có một số nơi, người dân còn ngại đến trạm y tế mua thuốc mà thường tìm đến các nhà thuốc bên ngoài” - ông Đức nói. Liên quan đến việc người dân vùng lũ phản ánh không mua được thuốc trị bệnh viêm loét da, đau mắt đỏ, đau bụng, ông Hoàng Văn Đức cho biết, trước mùa lũ, trung tâm đã triển khai cấp phát thuốc để trị dịch, bệnh mùa lũ đến các cơ Sở Y tế tuyến xã. Đặc biệt, Sở Y tế tỉnh đã cấp cho mỗi huyện hơn 100kg Cloramin B để phục vụ công tác tiêu độc, khử trùng sau lũ.
Tương tự, tại tỉnh Quảng Trị, ngành y tế đã ghi nhận hàng chục trường hợp sốt xuất huyết và các ca bệnh tay, chân, miệng. Ông Phan Văn Bay - cán bộ y tế xã Hải Phong, huyện Hải Lăng - cho biết: “Lũ chưa rút, bà con tranh thủ lên đường lộ, vào huyện Phong Điền của tỉnh Thừa Thiên - Huế mua các loại thuốc khử khuẩn do phải ngâm nước lâu ngày, nhưng hầu hết cửa hàng thuốc hết hàng”.
Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Trị cho hay, số xã, phường trong tỉnh bị ngập lụt quá lớn và ngập sâu, trang thiết bị, máy móc vệ sinh chuyên dụng bị hư hỏng hoặc bị bám bùn, nhiều tuyến đường bị chia cắt nên công tác tổng vệ sinh ở các địa phương gặp nhiều khó khăn. Công tác vệ sinh môi trường chưa được xử lý triệt để và kịp thời nên nguy cơ xuất hiện các ổ dịch như cảm cúm, sốt xuất huyết, da liễu, tiêu hóa, mắt đỏ… là rất cao.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Tĩnh này đã có phương án phòng, chống dịch, vệ sinh môi trường ngay sau lũ nhưng hiện tại, mực nước đang rút chậm, vẫn còn nhiều nhà dân, nhiều xã ngập sâu. Vì vậy, lực lượng chức năng vẫn đang chờ nước rút.
Bác sĩ Lê Hữu Lưu - Phó giám đốc TTYT huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh thông tin thêm: “Sau mưa lụt, môi trường và nguồn nước bị ô nhiễm nên sẽ phát sinh nhiều bệnh. Ngoài công tác khử trùng của cơ quan chuyên môn, người dân cũng cần tích cực, chủ động phối hợp thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch”.
Bộ Y tế khuyến cáo về nguy cơ dịch bệnh
Xót xa 12 người chết, 7 người bị thương trong trận mưa lũ tại tỉnh Quảng Bình, rốn lũ Lệ...
Tính đến chiều nay (31/10), mưa lũ tại tỉnh Quảng Bình đã làm 12 người chết, 7 người bị thương....
Vàng tăng không thể mua, người trẻ lấy chi phí đâu để… cưới?
Hôn nhân, khoảnh khắc lẽ ra phải tràn đầy niềm vui và sự chờ đợi lại trở nên ngoài tầm...
Mẹ bé Hải An hiến giác mạc cứu người: "6 năm trôi qua nhưng luôn cảm thấy con bên mình"
Sau hơn 6 năm kể từ khi con gái Hải An từ biệt cuộc sống và mang lại ánh sáng...
Bé gái 9 tuổi đoạt giải nhiếp ảnh gia thế giới
Một bức ảnh tuyệt đẹp ghi lại khoảnh khắc hai con công mái trong một buổi sáng mùa đông đã...