Thông tin từ bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP HCM) cho biết đơn vị đang điều trị cho bệnh nhi T.T., 14 tuổi, quê Sóc Trăng. Hơn 5 tháng trước, T. được bệnh viện địa phương chuyển cấp cứu với chẩn đoán viêm tụy hoại tử nặng.

Qua khai thác thông tin từ người nhà được biết, trước khi nhập viện, bệnh nhi đã ăn những món nhiều dầu mỡ. Khi T. bị đau bụng quằn quại ngày càng tăng kèm tình trạng nôn ói, gia đình vội đưa em đến bệnh viện cấp cứu.

Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị viêm tụy hoại tử nặng, có nang giả tụy, sốc nhiễm độc toàn thân. Ngoài ra, bệnh nhi còn có tiền sử hay bị đau bụng, nhiễm trùng đường ruột nhiều lần.

Trước tình trạng nguy kịch của bệnh nhi, các bác sĩ đã thực hiện cuộc phẫu thuật khẩn cấp cắt bỏ nang tụy. Sau đó, điều chỉnh nhiễm trùng bao vây triệt để và điều trị tích cực. Em được đặt ống thông hỗng tràng đưa bột và các chất dinh dưỡng nghiền nát hỗ trợ cho việc ăn uống. Hơn 5 tháng nằm viện, bệnh nhi mới dần vượt qua nguy kịch, sức khỏe đang dần bình phục.

Bệnh thường xuất hiện sau bữa ăn có nhiều mỡ

Ảnh minh họa: Internet

Theo bác sĩ Nguyễn Cát Phương Vũ, Bệnh viện Nhi đồng TP, viêm tụy cấp ở trẻ đang là mối quan tâm lớn đối với các bậc phụ huynh. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, trẻ sẽ gặp biến chứng nguy hiểm.

Triệu chứng điển hình của viêm tụy cấp là đau bụng đột ngột, thường xuất hiện sau bữa ăn có nhiều mỡ. Trẻ bị đau quanh rốn hoặc đau ở vùng trên rốn, cơn đau tăng dần, đặc biệt đau nhiều hơn sau khi ăn. Trẻ bị viêm tụy cấp có thể nôn nhiều, mệt, dấu hiệu mất nước rõ, ăn ít, sốt, ớn lạnh, nhịp tim nhanh.

Bác sĩ cảnh báo, viêm tụy là một bệnh lý ít gặp ở trẻ em nên thường bị bỏ qua. Bệnh đôi khi có triệu chứng không điển hình, dễ gây nhầm lẫn với các bệnh đường tiêu hóa khác. Nếu chẩn đoán và xử trí muộn, bệnh diễn tiến phức tạp, gây mất nước do nôn ói nhiều, hạ huyết áp, bụng chướng, liệt ruột…

Nguyên nhân thường gặp của viêm tụy cấp là do siêu vi, chấn thương, sỏi mật, sỏi bùn đường mật, giun chui ống mật, do sử dụng thuốc (Valproic acid, azathioprin..). Nguyên nhân ít gặp hơn là do bệnh hệ thống, chuyển hóa, đột biến, vô căn.

Phần lớn bệnh nhi sẽ ổn định trong vòng 7-10 ngày, khoảng 13-20% sẽ kéo dài và có biến chứng. Vì vậy, ngay khi trẻ gặp phải những triệu chứng trên cần đưa trẻ tới cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nặng về sau.