Tuyệt vọng sau khi sinh con

Nhớ lại thời điểm bị trầm cảm sau sinh khi sinh con đầu lòng, chị Đỗ Thị Hằng (Q. Hà Đông, Hà Nội) vẫn không khỏi rùng mình. Đứa trẻ khóc ngằn ngặt, chị xuất hiện ý nghĩ muốn hại con.

Sau khi ý nghĩ ấy lướt qua đầu, chị thực sự hoảng sợ vì không hiểu tại sao mình lại như thế?

Lọ mọ lên mạng tìm hiểu, chị biết chứng bệnh trầm cảm sau sinh đã khiến chị muốn làm hại đứa bé.

Trầm cảm sau sinh - căn bệnh gây ra nhiều hệ lụy nguy hiểm. Ảnh minh họa.

Tưởng chừng lần sinh con thứ hai có kinh nghiệm, không mắc chứng bệnh này nữa nhưng sự thực lại khác xa với tưởng tượng của chị.

Chồng đi làm xa, chỉ có một mình chị chăm sóc với hai đứa con. Đứa lớn mới 2 tuổi và đứa nhỏ thì sinh non, cân nặng chỉ hơn 2kg. Con sinh non, chị thực sự cảm thấy tiếc vì chưa kịp mua cho con ít quần áo và đồ dùng mới.

Chân tay con bé tí xíu, ai đến chơi cũng thương vì bé quá. Tròn một tháng tuổi, chị thử cân xem con tăng được mấy lạng rồi. Trộm vía sau trận đi ngoài kéo dài mấy ngày, con vẫn đạt 3,4kg, tăng 1.1kg so với lúc sinh. Với người khác, đây chẳng là điều gì đặc biệt, nhưng với chị, đó là cả một điều kỳ diệu sau 30 ngày nỗ lực.

“Tháng đầu tiên trôi đi êm ả nhưng không hiểu sao, sau đó, suốt 1,5 tháng trời, Cu con quấy kinh khủng. Ăn tốt, nhưng con ngủ vô cùng ít. Có những thời điểm, con chỉ ngủ 4 tiếng/ngày. Sáng không ngủ, chiều không ngủ, đêm ngủ được một lúc lại dậy, khóc ầm ĩ. Dỗ cũng khóc, bế cũng khóc. Mẹ trầm cảm thực sự. Bi kịch của cuộc đời là lúc cả ba mẹ con cùng ốm và bố thì không có nhà”, chị Hằng bộc bạch.

Tuyệt vọng, cô đơn, chị cứ lọ mọ đêm hôm, đánh vật với hai nhóc và tự động viên mình “tất cả rồi sẽ ổn thôi, sẽ ổn thôi mà!”. Cả ba mẹ con đã cùng nhau vượt qua những thử thách như thế và mọi thứ dần ồn khi con ngoan hơn, mẹ có những giấc ngủ ngon hàng đêm.

Nguy cơ tan vỡ hạnh phúc vì trầm cảm sau sinh

Thanh Ngọc (TP.HCM) từng bị trầm cảm sau sinh nặng đến nỗi suýt tan vỡ hạnh phúc gia đình. Chị kết hôn và nhanh chóng có con để sinh con vào năm “đẹp”, hợp tuổi bố mẹ.

Chuẩn bị đón thành viên mới chào đời, vợ chồng chị mua trả góp một căn chung cư cao cấp với số tiền hiện có. Vợ chồng chị dự định, với thu nhập hiện tại, việc trả góp là trong tầm tay thế nhưng mọi thứ bắt đầu vượt ngoài tầm kiểm soát khi em bé sinh non ở tháng thứ 7.

Em bé sinh non chỉ nặng 900g, phải nằm viện suốt mấy tháng trời, cả nhà “huy động” tất cả 7 người chạy tới chạy lui chăm bé. Thanh Ngọc “vỡ mộng toàn tập” về việc có con, lúc nào chị cũng cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi và thèm ngủ.

Đứa trẻ ra đời kéo theo bao nhiêu lo toan kinh tế, nỗi vất vả cơm áo gạo tiền đã khiến người mẹ bị stress nặng. Ảnh minh họa.

Chị luôn thấy có lỗi, tự dằn vặt bản thân khi con sinh non như thế. Từ một người phụ nữ vô cùng quyến rũ, chị biến thành bà mẹ bỉm sữa tóc tai lúc nào cũng rối bời, quần áo nhàu nhĩ từ ngày này sang ngày khác.

Chồng nhiều lần góp ý về việc này nhưng chị chỉ thấy “phát khùng” khi anh nói. Áp lực trả góp tiền mua nhà, tiền chăm sóc con sinh non đã đẩy cặp vợ chồng trẻ vào bi kịch cãi vã, bực bội lẫn nhau. Nhận thấy tình cảm vợ chồng có nguy cơ rạn nứt sau khi sinh con, Ngọc phải cầu cứu chuyên gia tâm lý. Khi đó chị mới được biết, chứng bệnh trầm cảm sau sinh rất nặng đang hành hạ chị cũng như cả gia đình.

Vượt qua nỗi sợ hãi thế nào?

Trao đổi với PV Phụ nữ Sức khỏe, Tiến sĩ tâm lý Phan Thị Huyền Trân cho biết Thanh Ngọc là một trong những trường hợp học viên khiến chị vô cùng trăn trở. Từng tiếp nhận và tư vấn giúp cho rất nhiều học viên bị trầm cảm sau sinh, tiến sĩ Trân gặp không ít ca người mẹ nói với chị rằng họ đang trầm cảm đến nỗi “muốn giết con”.

“Nồng độ hormone giảm nhanh sau sinh, chưa thích nghi với trách nhiệm chăm sóc, phải thức dậy nhiều lần trong đêm cho bé bú, thiếu ngủ dẫn đến suy nhược thần kinh… Tất cả những lý do đó khiến bà mẹ sau sinh rơi vào trạng thái trầm cảm, mất kiểm soát cảm xúc, vui buồn thất thường, khóc không cần lý do, dễ giận dữ, thậm chí nghĩ đến làm hại đứa bé và tự tử. Vì thế, tuyệt đối không để người mẹ kéo dài triệu chứng trầm cảm sau sinh quá hai tuần vì các diễn biến của bệnh sẽ nặng và ngây hậu quả nguy hiểm”, TS. Huyền Trân lý giải.

Mẹ hãy cố gắng thư giãn, tìm lại góc bình yên trong tâm hồn trên hành trình đoạn trường nuôi con. Ảnh minh họa.

Nói về thực trạng bệnh nhân trầm cảm sau sinh, TS. BS Trần Thị Hồng Thu, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương cho biết có tới 80% phụ nữ sau sinh đã trải nghiệm nỗi buồn sau sinh. Chỉ khoảng 10 -20% mắc trầm cảm sau sinh thực sự.

“Nếu không được quan tâm, chăm sóc kịp thời, người mẹ bị trầm cảm sau sinh có thể dẫn tới ý nghĩ hay hành vi tự tử (chiếm tỉ lệ 41.2%).

Một số người rối loạn tâm thần, luôn có cảm giác bị hại nên tìm cách trả thù hay đối phó. Có bà mẹ mang dao đâm người thân chỉ vì hoang tưởng bị hại. Có những bà mẹ nghĩ con mình bị ma quỉ nhập nên tìm cách trừ tà, nguy hiểm cho tính mạng đứa bé.

Tuy nhiên, nếu người mẹ dù đang trải qua nỗi buồn bình thường sau sinh hay trầm cảm sau sinh được gia đình, đặc biệt là mẹ đẻ, người chồng hỗ trợ, nâng đỡ thì họ sẽ hồi phục nhanh hơn. Gia đình nên hiểu bệnh đang ở giai đoạn tạm thời và sự giúp đỡ của họ có thể giúp cho người mẹ phục hồi nhanh chóng”, TS. Hồng Thu nhấn mạnh.