Đã 55 ngày Việt Nam không ghi nhận ca tử vong do COVID-19

Bộ Y tế cho biết, ngày 24/2 có 11 ca mắc COVID-19, trong ngày có 15 bệnh nhân khỏi, nhiều hơn số mắc mới.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.526.881 ca nhiễm, đứng thứ 13/230quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.488 ca nhiễm).

Đến nay tổng số người mắc COVID-19 đã khỏi ở nước ta là : 10.614.755 ca; trong số các trường hợp đang theo dõi, giám sát, số bệnh nhân đang thở oxy là 3 ca, trong đó: Thở oxy qua mặt nạ: 2 ca; thở máy xâm lấn 1 ca.

Theo thống kê của Bộ Y tế đến nay Việt Nam đã tiêm hơn 266,2 triệu liều vaccine COVID-19, tuy nhiên vẫn còn một số địa phương tiêm chậm, tiêm thấp các mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên, tiêm cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi

Đến nay, đã 55 ngày Việt Nam không ghi nhận ca tử vong do COVID-19.Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.186 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm. Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/230 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 139/230 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49(xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 21/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 3 ASEAN).

Bộ Y tế đề nghị xử lý nghiêm văn nghệ sĩ tham gia quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe sai sự thật

Theo báo cáo của Cục An toàn thực phẩm tại Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2023 tổ chức ngày 24/2, cho biết hiện nay các vi phạm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe, đặc biệt trong môi trường mạng có chủ thể đặt máy chủ tại nước ngoài khó kiểm soát, không xác định được chủ thể quảng cáo vi phạm nên khó xử lý vi phạm.

Bên cạnh đó, một số cơ quan phát hành quảng cáo chưa thực hiện đúng quy định quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thường phát hành các nội dung quảng cáo khi chưa được cơ quan có thẩm quyền thẩm định nội dung quảng cáo, gây hiểu nhầm như thuốc chữa bệnh.

Đặc biệt sử dụng hình ảnh, uy tín, thư tín của các cơ sở y tế, bác sĩ; quảng cáo thực phẩm kèm theo ý kiến phản hồi của người tiêu dùng, người nổi tiếng quảng cáo có tác dụng điều trị bệnh.

Thậm chí, một số công ty thuê địa điểm, tổ chức đào tạo nhân viên gọi điện thoại, tư vấn, giả danh bác sĩ, dược sĩ tư vấn bệnh, dọa dẫm khách hàng để tư vấn liệu trình điều trị bệnh, thực tế là bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Trước thực trạng trên, Cục An toàn thực phẩm đề nghị xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân phát hành quảng cáo sai sự thật, quảng cáo chưa có thẩm định của cơ quan y tế, có biện pháp mạnh với Facebook, Google, YouTube, yêu cầu họ thực hiện nghiêm túc pháp luật Việt Nam về quảng cáo.

Cục An toàn thực phẩm cũng đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tuyên truyền quy định của pháp luật về quảng cáo. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân các văn nghệ sĩ tham gia quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tác dụng như thuốc chữa bệnh, thổi phồng công dụng, nêu các thông tin chưa được kiểm chứng, quảng cáo các thông tin chưa được cơ quan chức năng kiểm duyệt gây ảnh hưởng tới sức khỏe và kinh tế cho người tiêu dùng.

Trước đó, trong một hội thảo do Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) phối hợp tổ chức gần đây, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong - cũng thông tin, nhiều doanh nghiệp đang có tình trạng "đăng ký một đằng, sản xuất một nẻo". Không ít đơn vị đã lợi dụng hình ảnh các y bác sĩ, người nổi tiếng, diễn viên để "thổi phồng" tác dụng của thực phẩm chức năng.

Cục An toàn Thực phẩm đã công khai thông tin trên website của cơ quan này để cảnh báo nhưng tình trạng trên vẫn diễn ra phổ biến.