Theo TS BS Huỳnh Giao (ĐH Y Dược TP HCM), ở thời điểm hiện tại ngành y tế vẫn đang phải đối diện với nhiều thách thức. 

COVID-19 là một bệnh mới, các tài liệu và thông tin được sử dụng để kiểm soát đại dịch như các hướng dẫn về chẩn đoán, điều trị và phục hồi chức năng cho người bệnh sau mắc COVID-19 đã được Bộ Y tế ban hành và được cập nhật thường xuyên. Việc này sẽ giúp kịp thời đáp ứng với các vấn đề hiện tại cũng như những thay đổi trong cộng đồng. Bên cạnh đó cần thực hiện các biện pháp can thiệp y tế công cộng để phòng ngừa bệnh, đặc biệt là việc triển khai chiến dịch tiêm chủng trên diện rộng để giúp hạn chế sự lây truyền bệnh, ngăn ngừa bệnh nặng và giảm tỉ lệ tử vong. 

Tuy nhiên, hậu quả của COVID-19 vẫn đang là một thách thức lớn hiện nay, bởi vì những người sau mắc COVID-19 phải đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe. Không chỉ các triệu chứng của COVID-19 kéo dài (các dấu hiệu và triệu chứng vẫn tồn tại sau khi mắc COVID-19 từ 4 đến 12 tuần), mà còn cả những tác động tâm lý bao gồm rối loạn lo âu, biểu hiện trầm cảm và stress (căng thẳng) hay rối loạn giấc ngủ.

Giấc ngủ đóng vai trò rất quan trọng trong việc giúp cơ thể thư giãn, phục hồi tái tạo năng lượng cho các hoạt động của cơ thể, đặc biệt là não bộ. Nếu tình trạng thiếu ngủ hoặc mất ngủ thường xuyên có thể ảnh hưởng đến tâm lý, khả năng ra quyết định và các đáp ứng miễn dịch, dẫn đến thay đổi tâm trạng và kém tập trung. Do đó, ở người có rối loạn giấc ngủ và có vấn đề sức khỏe tâm thần trong thời gian dài có thể gây ra các gánh nặng đáng kể về kinh tế, xã hội và vấn đề chăm sóc sức khỏe.

Trong một nghiên cứu đánh giá rối loạn giấc ngủ của người dân trong đại dịch COVID-19 tại 13 quốc gia trên thế giới, cho thấy tỷ lệ người có rối loạn giấc ngủ là 35,7% (tỷ lệ này dao động từ 29,4% đến 42,4%), trong đó người mắc COVID-19 dường như là nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất, với tỷ lệ 74,8% (dao động từ 28,7% đến 95,6%). Một nghiên cứu khác tại Trung Quốc trên người bệnh sau mắc COVID-19 cho thấy có tình trạng trầm cảm và mất ngủ đáng kể, trong đó đáng chú ý nhất là mất ngủ, chiếm tỷ lệ  26,45%. Điều này cho thấy COVID-19 gây ra những tác động tiêu cực đến vấn đề giấc ngủ và sức khỏe tâm thần.

Nghiên cứu của nhóm TS BS Huỳnh Giao, BSCK2 Nguyễn Viết Hậu, BS Nguyễn Thị Ngọc Hân (ĐH Y Dược TP.HCM) và cộng sự, được thực hiện tại TP.HCM với mục tiêu đánh giá rối loạn giấc ngủ và sức khỏe tâm thần trên những người trưởng thành và có tiền sử mắc COVID-19 (được xác định dựa vào kết quả test nhanh hoặc RT-PCR). Kết quả nhận thấy 34,5% người tham gia có vấn đề mất ngủ, 20,3% có rối loạn lo âu, 30,8% có triệu chứng trầm cảm và 23,4% bị stress, trong đó những người trên 50 tuổi, không được gia đình hoặc người thân hỗ trợ và có các vấn đề sức khỏe tâm thần bao gồm lo âu, trầm cảm và stress thì ghi nhận có mất ngủ cao hơn đáng kể so với những người trẻ tuổi hơn, nhận được sự hỗ trợ từ gia đình hoặc người thân và có tình trạng sức khỏe tâm thần ổn định.

Tóm lại, có một tỷ lệ đáng kể người bệnh sau mắc COVID-19 gặp các vấn đề về giấc ngủ và sức khỏe tâm thần. Điều này cho thấy người bệnh cần được chăm sóc toàn diện, đặc biệt là sự quan tâm, hỗ trợ từ người thân và gia đình. Cùng với đó có thể phối hợp nhiều chuyên khoa điều trị và phục hồi chức năng, bao gồm đánh giá vấn đề giấc ngủ và sức khỏe tâm thần để phát hiện sớm và có hướng điều trị phù hợp.