Rắn hổ mang Trung Quốc chủ yếu hoạt động vào ban ngày và chứa độc tính cực mạnh. Ảnh: Wallpaper.com.

Người phụ nữ khoảng 66 tuổi, sống ở một ngôi làng gần Hàng Châu, miền đông Trung Quốc, cho biết khi đang xem ti vi thì nghe thấy tiếng gõ cửa. Khi bà mở cửa để xem ai đến, con rắn nhanh chóng bò thẳng vào nhà.

Quá sợ hãi, người phụ nữ chạy khỏi nhà và gọi điện cầu cứu. Khi cảnh sát đến, họ nhận ra rằng con rắn có thể đã vào nhà để tìm nơi trú ẩn khỏi thời tiết nóng bức.

"Tôi nghĩ con rắn muốn trốn vào nhà vì bên ngoài quá nóng. Nó nằm ở cửa và bây giờ đã trườn vào nhà," người phụ nữ nói, theo Global Times.

Cuối cùng, cảnh sát đã bắt được con rắn và thả về môi trường sống tự nhiên của nó.

Một số loài rắn hổ mang có thể được tìm thấy ở Trung Quốc, bao gồm rắn hổ mang Trung Quốc, rắn hổ mang đơn sắc và rắn hổ mang Đông Dương.

Con rắn hổ mang Trung Quốc, còn được gọi là rắn hổ mang Đài Loan hay rắn hổ mang bành, có độc tính cao, dài tới 1,5 mét, một số cá thể hiếm có thể đạt tới hơn 1,8 mét.

Nọc của rắn rất độc và chứa một hỗn hợp độc tố thần kinh, độc tố tế bào và độc tố tim. Vết cắn có thể dẫn đến đau dữ dội và sưng ở vị trí vết cắn, sau đó là hoại tử, cũng như tê liệt, khó thở và đôi khi tử vong.

Tuy nhiên, việc chăm sóc y tế kịp thời và sử dụng huyết thanh kháng độc sẽ giúp giảm tỷ lệ tử vong. Lượng nọc độc được tiêm vào sau khi bị cắn có thể khác nhau, càng nhiều nọc độc hơn sẽ có nguy cơ tử vong cao hơn. Trẻ em, người già và những người bệnh nền cũng có nguy cơ cao hơn.

Rắn hổ mang Trung Quốc được tìm thấy ở một số nơi như: rừng, đồng cỏ, vùng đất ngập nước và các khu vực nông nghiệp. Những con rắn này chủ yếu hoạt động vào ban ngày nên người dân khu vực dễ dàng bắt gặp chúng hơn.

Huyết thanh kháng nọc rắn hiếm và đắt tiền. Khi không may bị rắn độc cắn, mọi người cần sơ cứu đúng cách để hạn chế sự xâm nhập của nọc độc vào cơ thể:

- Động viên bệnh nhân bình tĩnh và hạn chế cử động.

- Đặt vùng bị cắn nằm thấp hơn tim để làm chậm mức độ hấp thu độc tố.

- Làm sạch vết thương bằng xà phòng và nước muối sinh lý.

- Bất động chân, tay bị rắn cắn bằng vải hoặc nẹp.

- Dùng một miếng gạc hoặc vải khô và sạch để băng kín vùng bị cắn.

- Đưa người bị nạn đến ngay cơ sở y tế.