Vương Bách Dương thi đại học khi mới 16 tuổi và trở thành thủ khoa. Ảnh: Sohu.

Trong kỳ thi tuyển sinh đại học của Trung Quốc vào năm 2009, một thí sinh ở Cáp Nhĩ Tân đạt điểm số xuất sắc 716, trở thành thủ khoa đại học toàn tỉnh. Vào thời điểm đó, cậu mới chỉ 16 tuổi, là thí sinh nhỏ tuổi nhất.

Không chỉ là thủ khoa của Cáp Nhĩ Tân, điểm số ấn tượng này còn giúp nam sinh trở thành thủ khoa toàn tỉnh Hắc Long Giang. Qua đó, cậu được mệnh danh là "trạng nguyên 9 tỉnh" hoặc "đệ nhất thủ khoa" của tỉnh.

Thông minh vượt trội

Cậu bé trong câu chuyện này là Vương Bách Dương, sinh năm 1993 ở Cáp Nhĩ Tân (Trung Quốc). Sinh ra trong một gia đình có gia cảnh bình thường, nhưng từ nhỏ, Bách Dương đã bộc lộ những năng khiếu hơn người.

Từ năm 3 tuổi, khi những đứa trẻ khác vẫn đang học nói, Bách Dương đã có thể nhận biết hơn 3.000 chữ Hán. Lên 4 tuổi, cậu có thể tự đọc sách mà không cần người lớn hỗ trợ.

Khả năng tập trung của Bách Dương lúc đọc sách cũng là điều khiến nhiều người ngưỡng mộ. Mỗi lần đắm chìm trong sách, cậu như bị tách biệt với thế giới bên ngoài, không hề bị phân tâm dù xung quanh ồn ào như vỡ chợ.

Bách Dương được gia đình cho đi học bình thường. Nhưng khi lên lớp 4, do công việc của cha mẹ, cậu phải chuyển từ Cáp Nhĩ Tân đến thành phố Đại Liên.

Khi đó, hệ thống trường học ở hai thành phố khác nhau. Chương trình giáo dục bắt buộc 9 năm ở Cáp Nhĩ Tân gồm 5 năm tiểu học và 4 năm THCS; chương trình ở Đại Liên lại là 6 năm tiểu học và 3 năm THCS. Giáo viên ở Đại Liên đề nghị gia đình của Bách Dương cho cậu học lại một năm để làm quen chương trình mới, nhưng cha cậu không đồng ý.

Sau một thời gian tranh luận, giáo viên đưa cho cậu bé một bộ đề kiểm tra. Kết quả, Bách Dương hoàn thành bài kiểm tra suôn sẻ và được "nhảy cóc" lên lớp 5.

Sau khi học xong lớp 5 ở Đại Liên, Bách Dương lại cùng cha mẹ trở về Cáp Nhĩ Tân. Tương tự lần trước, cậu lại được làm đề kiểm tra và thuận lợi tiến thẳng vào bậc THCS.

Những năm học cấp 2, Bách Dương cũng bộc lộ năng khiếu học tập phi thường. Cậu luôn nằm trong tốp đầu về thành tích và có khả năng tập trung rất tốt. Giáo viên của cậu thường nói đùa rằng: "Nếu Vương Bách Dương ngẩng đầu lên trong giờ học, chúng tôi sẽ biết mình đang dạy sai".

 

Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ, Bách Dương trở về Trung Quốc nghiên cứu. Ảnh: Sohu.

Sự nghiệp học tập ấn tượng

Lời nói của giáo viên chỉ là đùa, nhưng cũng gián tiếp khẳng định khả năng tập trung phi thường của Bách Dương khi học tập. Đến khi lên cấp 3, cậu vẫn duy trì phong độ này, sau đó thuận lợi trúng tuyển Đại học Bắc Kinh - ngôi trường tốp đầu tại Trung Quốc.

Theo The Paper, trước khi kỳ thi gaokao diễn ra, đội tuyển sinh độc lập của Đại học Bắc Kinh đã để mắt đến Bách Dương và tuyển cậu thông qua phương thức tuyển sinh sớm của trường. Như vậy, dù không đạt 716 điểm, cậu vẫn có thể trở thành sinh viên Đại học Bắc Kinh.

Tuy nhiên, đối với thiên tài trẻ tuổi, Đại học Bắc Kinh không thể thỏa mãn "cơn khát" kiến thức của cậu. Vì vậy, sau khi tốt nghiệp đại học, cậu từ chối lời mời làm việc của nhiều công ty nổi tiếng trong nước để học cao học. Thời điểm đó, mục tiêu của Bách Dương là Đại học Hong Kong.

Nhờ thành tích học tập xuất sắc ở bậc đại học, Vương Bách Dương không chỉ nhận được thư trúng tuyển của Đại học Hong Kong mà còn vinh dự nhận được học bổng toàn phần từ nhà trường.

Sau khi hoàn thành chương trình thạc sĩ tại Đại học Hồng Kông, Vương Bách Dương lại lên đường đến Đại học Northwestern ở Mỹ để theo đuổi chương trình tiến sĩ.

Sau nhiều năm học tập, chàng trai sinh năm 1993 hoàn thành chương trình tiến sĩ và đạt được những thành tựu nổi bật. Với thành tích như vậy, cậu có thể chọn một trường đại học nước ngoài danh tiếng để giảng dạy, hoặc gia nhập một công ty lớn để phát triển sự nghiệp.

Tuy nhiên, Bách Dương không bao giờ quên mục đích ban đầu là cống hiến cho sự nghiệp nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ ở Trung Quốc.

Vì tình yêu quê hương, Vương Bách Dương kiên quyết từ chối lời mời từ nhiều trường đại học nổi tiếng nước ngoài và chọn trở về Trung Quốc để phát triển.

Sau nhiều lần tìm hiểu, cuối cùng cậu gia nhập một viện nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc và bắt đầu sự nghiệp nghiên cứu khoa học của riêng mình.

Là thế hệ nhà nghiên cứu mới, Vương Bách Dương mang đến những ý tưởng và sức sống mới mẻ cho tổ chức này. Nhiều năm kinh nghiệm du học, cậu không chỉ tích hợp các lý thuyết tiên tiến quốc tế và tư duy đổi mới vào thực tiễn nghiên cứu khoa học, mà còn tích cực hợp tác với đồng nghiệp trong và ngoài nước nhằm thúc đẩy công tác nghiên cứu khoa học lên một tầm cao mới.