Tỷ lệ cứu sống hai bé là 74%

Thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM cho biết với ca đại phẫu nay, bệnh viện sử dụng hai phòng mổ siêu sạch số 11 và 12 cùng phòng hồi sức được cấy không khí, vệ sinh khử khuẩn hàng ngày, chiếu tia UV.

TS.BS Trương Quang Định - Trưởng ê-kíp mổ - cùng 93 thành viên chia thành nhiều kíp, phụ trách từng chuyên khoa gây mê, dụng cụ, phẫu thuật ngoại tổng quát, chỉnh hình, tạo hình, hồi sức, hồi sức trước mổ, chống nhiễm khuẩn, chẩn đoán hình ảnh và điều dưỡng.

Ca mổ huy động 9 chuyên gia (8 bác sĩ, 1 điều dưỡng). Ê-kíp ngoại viện gồm 14 bác sĩ, 2 kỹ thuật viên gây mê, 4 điều dưỡng. Ê-kíp nội viện gồm 21 bác sĩ, 2 kỹ thuật viên gây mê, 4 điều dưỡng, 1 kỹ thuật viên chẩn đoán hình ảnh.

Các bác sĩ dự kiến mỗi bé mất khoảng 250-500 ml máu. Bệnh viện đã đăng ký 16 đơn vị hồng cầu lắng, 12 đơn vị huyết tương tươi đông lạnh và 12 đơn vị tiểu cầu.

Trước mổ 2 ngày, hai bé được xét nghiệm tiền phẫu, X-quang phổi, siêu âm tim và mạch máu. Ngày 14/7, hai bé được thụt tháo hậu môn và tắm bằng dung dịch sát trùng.

Gần 6h ngày 15/7, Trúc Nhi - Diệu Nhi được đưa vào đến khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức. Cha mẹ hai bé đi bên cạnh cáng y tế, không giấu được xúc động, liên tục lau nước mắt. Tại đây, các nhân viên y tế tiến hành đặt thông tiểu, gây mê cho hai bệnh nhi.

Khoảng 7h30, hai bé được tiến hành gây mê nội khí quản, sát trùng phẫu trường, kê tư thế chuẩn để bắt đầu phẫu thuật. Các bác sĩ nhận định tỷ lệ cứu sống trên y văn cả 2 bé là 74%.

Ê-kíp phẫu thuật gồm gần 100 y bác sĩ đã sẵn sàng cho cuộc đại phẫu thuật. Ảnh: Thuận Thắng.

Quyết định táo bạo
Trả lời báo chí về việc thực hiện ca đại phẫu này, TS.BS Trương Quang Định, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cho biết: "Dù quyết định tách dính mang tính táo bạo nhưng chắc chắn sẽ thật nhân văn".

Trên Facebook, ông tâm sự: “Sinh ra với một hình hài không nguyên vẹn, nương tựa nhau bằng những cơ quan, nội tạng duy nhất cho cả hai cá thể. Trúc Nhi và Diệu Nhi đã gắn bó với bệnh viện từ lúc còn trong bụng mẹ. Lúc đó, các bác sĩ đã mường tượng được sự dính nhau phức tạp của hai con, nhưng ba mẹ đã quyết tâm nuôi dưỡng cho đến ngày chào đời”.

TS.BS Trương Quang Định nhớ lại ngày ấy, bé Diệu Nhi yếu ớt, nhưng diệu kỳ, mạnh mẽ vượt qua hành trình đầy sóng gió trong thời kỳ sơ sinh thiếu tháng để bảo toàn sự sống cho cả hai.

“Tâm nguyện của chúng tôi là trả lại cho hai bé một cuộc đời lành lặn như bao trẻ khác. Trải qua bao lần hội chẩn, để ngày hôm nay đi đến quyết định thực hiện công việc này. Một trường hợp hiếm hoi, với thành công không phải là nhiều trong y văn. Xin hãy cầu chúc cho đội ngũ 100 người chúng tôi vượt qua cuộc đọ sức trí tuệ", TS.BS Trương Quang Định viết.

Trúc Nhi - Diệu Nhi được chăm sóc tốt, cơ thể phát triển gần như bình thường. Ảnh: Chí Hùng.

Ê-kíp của ca đại phẫu thuật gồm hơn 60 bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) phối hợp cùng 30 chuyên gia từ các bệnh viện và trung tâm lớn trên cả nước như Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Xuyên Á, Đại học Y dược TP.HCM.

Trước đó, tháng 6/2019, hai bé gái này đã được các bác sĩ Bệnh viện Hùng Vương mổ sinh an toàn. Sau một năm, sức khỏe hai bé ổn định, được ê-kíp bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố tiếp tục theo dõi, điều trị và nuôi dưỡng với chế độ đặc biệt, chuẩn bị kỹ cho cuộc mổ tách rời.

Trúc Nhi và Diệu Nhi đã học được cách phối hợp và nhượng bộ đối phương gần như tuyệt đối. 6 tháng tuổi, cặp song sinh đã biết ngồi dậy, bò chồm, học cách thay nhau bước lùi để tập di chuyển.

Sau quá trình chăm sóc điều trị liên tục, các bé đã được 13 tháng tuổi, nặng 15 kg với các chỉ số phát triển gần với những trẻ bình thường. Dự kiến, cuộc đại phẫu sẽ kéo dài trong 12 giờ.