Quảng Nam, Quảng Ngãi tan hoang sau bão số 9
Đến chiều 28-10, Ban chỉ đạo tiền phương cho hay bão số 9 đã khiến một người chết, hai người bị thương. Có 34 nhà sập, 56.163 nhà tốc mái. 31 trụ sở cơ quan và 35 điểm trường bị tốc mái, hư hỏng.
Quảng Ngãi: 37.000 căn nhà bị tốc mái, hư hỏng
Nhiều tuyến đường tại Quảng Ngãi đã bị cây cổ thụ chắn ngang, ô tô không thể lưu thông. Dây điện sà xuống mặt đường, muốn đi qua được phải sang hướng ngược lại hoặc chạy lên một phần của vỉa hè. Hàng loạt người dân nhà bị tốc mái tranh thủ dọn bên trong, lợp lại mái nhà vì một số nơi vẫn đang mưa. Nhiều khu dân cư cây xanh ngã la liệt, một số cây đè lên mái nhà.
Theo thống kê mới nhất lúc 15 giờ cùng ngày của Ban phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi, tỉnh này có hơn 37.000 nhà bị tốc mái, hư hỏng. Trong đó, tại huyện Tư Nghĩa 23.800, Nghĩa Hành 12.500, Sơn Tịnh 493, Đức Phổ 300, Ba Tơ 32, Trà Bồng 22, Sơn Tây 16 và Sơn Hà một căn. Bên cạnh đó, có tám căn nhà bị đổ sập hoàn toàn, trong đó Tư Nghĩa bảy căn, Nghĩa Hành một căn.
Hiện tại, để đảm bảo an toàn cho hệ thống điện, Điện lực Quảng Ngãi vẫn đang cắt phụ tải, hầu hết các huyện đang bị mất điện trên diện rộng. Một trụ phát sóng của nhà mạng VinaPhone ở xã Phổ Khánh, huyện Đức Phổ bị đổ sập.
Ngoài ra, có 31 trụ sở các cơ quan bị tốc mái, hư hỏng. Trong đó có Trung tâm Văn hóa huyện Tư Nghĩa; 12 UBND của các xã thuộc huyện Sơn Tịnh. Có bốn trạm y tế bị tốc mái, đáng chú ý là Trường CĐ Y tế Đặng Thùy Trâm cũng bị tương tự.
Một số canô, thuyền neo trú bị bứt neo, sóng lớn đánh chìm. 28 trường học thuộc các cấp bị tốc mái, trong đó nhiều nhất ở huyện Sơn Tịnh, 22 cái.
Ngập nặng ở hai huyện miền núi Hoài Ân và An Lão, tỉnh Bình Định do ảnh hưởng của bão số 9. Ảnh: TÂN VŨ
Quảng Nam: Giao thông chia cắt, hai cán bộ bị vùi lấp
Sau gần 3 giờ quần thảo, bão số 9 đã gây nhiều thiệt hại cho người dân, công trình trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Chiều 28-10, trên đường đi giúp người dân, anh Hồ Văn Độ (Phó Bí thư xã đoàn) và anh Hồ Văn Sợ (cán bộ dân vận xã Phước Lộc) bị sạt lở vùi lấp. Hiện nay, chính quyền địa phương vẫn chưa thể triển khai lực lượng tìm kiếm do khu vực hai cán bộ gặp nạn đang có mưa, đường đến hiện trường nhiều điểm bị sạt lở.
Ghi nhận tại nội thành TP Tam Kỳ, cây cối ngã đổ nằm la liệt khắp các tuyến đường như Hùng Vương, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Phú, Nguyễn Chí Thanh… khiến giao thông đi lại khó khăn. Bên cạnh đó, nhiều khu vực có cây ngã đổ khiến dây điện sà xuống đường, rất nguy hiểm. Mặc dù có sự chuẩn bị từ trước nhưng nhà vẫn không trụ vững, tốc mái, hư hỏng nặng. Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại huyện Núi Thành.
Tối 28-10, UBND tỉnh Quảng Nam có báo cáo sơ bộ ước thiệt hại khoảng 1.000 tỉ đồng. Ít nhất một người chết, hai người bị mất tích. Hàng ngàn nhà dân bị tốc mái, hư hỏng. Tình trạng cúp điện trên diện rộng vẫn đang tiếp tục, một số xã ở các huyện miền núi giao thông bị chia cắt.
Trả lời báo Pháp Luật TP.HCM, ông Bùi Ngọc Ảnh, Chủ tịch UBND TP Tam Kỳ, cho biết sau khi gió suy yếu, TP đã triển khai toàn bộ lực lượng hỗ trợ người dân, thống kê thiệt hại nhưng vẫn chưa có số liệu cụ thể.
“Xã Tam Thanh (ven biển), Tam Thăng (gần sông) bị thiệt hại nặng nhất. Đối với những nhà dân chủ động chằng chống nhà cửa tốt thiệt hại không đáng kể, nhiều nhà chủ quan không chuẩn bị đã thiệt hại nặng hơn. May mắn là không có thiệt hại về người do TP đã tổ chức di dời, sơ tán dân từ trước” - ông Ảnh nói.
Tối 28-10, chủ trương của TP vẫn chưa đưa người dân đi sơ tán tập trung về nhà, đề phòng trường hợp thiệt hại không đáng có sau bão. “Tuy nhiên, nhiều thanh niên, trai trẻ sốt ruột đã rời khỏi nơi sơ tán tập trung về nhà” - ông Ảnh thông tin.
56.163 nhà tốc mái, hư hỏng. Ban chỉ đạo tiền phương cho hay bão số 9 đã khiến một người chết, hai người bị thương. Có 34 nhà sập, 56.163 nhà tốc mái. 31 trụ sở cơ quan và 35 điểm trường bị tốc mái, hư hỏng.
Một trong những huyện của Quảng Nam gần tâm bão, ông Lê Văn Sinh, Chủ tịch UBND huyện Núi Thành, cho biết các đoàn làm nhiệm vụ của địa phương vẫn đang tiếp cận, chưa có thống kê chính thức.
Theo ông Sinh, qua quan sát, một số xã phía nam của huyện nhà cửa bị tốc mái không nhiều, thiệt hại nặng nhất ở xã đảo Tam Hải. “Cơ bản người dân thực hiện tốt việc chằng chống, bảo vệ tài sản nên giảm được đáng kể thiệt hại” - ông Sinh nói.
Tại Đà Nẵng, theo Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Đà Nẵng, mưa bão đã khiến một số nhà dân, nhà thờ tộc bị tốc mái, bay tôn. Tổng số khách hàng bị mất điện là 241.350. Đến tối 28-10, đã khôi phục điện cho 45.967 khách hàng. Toàn TP Đà Nẵng có 254 cây xanh nghiêng, ngã đổ.
Gió giật mạnh đã làm sập giàn cổng chào biểu diễn ngoài trời tại Công viên Biển Đông. Nhà làm việc, nhà để xe của một số cơ quan, đơn vị bị tốc mái. Một số biển báo giao thông bị hư hỏng, ngã đổ. Nước và sóng đánh tràn lên đường Như Nguyệt gây hư hỏng vỉa hè… Ngoài ra còn có một số phòng học của các trường bị rớt la phông, bay mái tôn.
Hồi 11 giờ 45 cùng ngày, tại âu thuyền Thọ Quang có một trong số 32 phao neo bị đứt xích, trôi dạt. Tại phao neo bị đứt có trên 20 tàu đang neo đậu trú bão. Các tàu đã bám được neo và đảm bảo an toàn. Tình hình tại âu thuyền Thọ Quang vẫn đảm bảo ổn định, chưa có thiệt hại.
Thiệt hại gần 400 tỉ đồng ở Bình Định, hai huyện ngập nặng
Cuối giờ chiều 28-10, UBND tỉnh Bình Định đã có báo cáo về những thiệt hại do cơn bão số 9 gây ra trên địa bàn gửi lên Thủ tướng.
Theo đó, bão khiến năm người bị thương; khiến 45 nhà sập (TP Quy Nhơn 10 nhà, thị xã An Nhơn tám nhà, huyện Phù Mỹ một nhà, huyện Tuy Phước 16 nhà, huyện An Lão 10 nhà); 2.820 nhà bị tốc mái, hư hỏng, 982 nhà ngập nước; một số trạm y tế xã bị hư hỏng, tốc mái. Bão khiến 2.687 ha hoa màu bị hư hỏng; 350 cây xanh bị đổ, ngã; sáu tàu cá bị chìm.
Tính đến cuối ngày 28-10, nhiều tuyến đường giao thông trên toàn tỉnh bị hư hỏng, sạt lở, khối lượng sạt lở lên đến hàng ngàn m3, chiều dài khoảng 12,6 km; hư hỏng hai cầu. Nhiều đoạn đê kè, kênh mương bị bồi lấp, hư hỏng nặng, chiều dài khoảng 10 km. 16 hồ chứa bị sạt mái taluy, hư hỏng bờ tràn. Kè biển Tam Quan bị sạt lở chiều dài khoảng 1.600 m. Tổng thiệt hại ước tính gần 394 tỉ đồng. Đến chiều 28-10, nhiều xã ở hai huyện miền núi Hoài Ân và An Lão, tỉnh Bình Định bị ngập sâu do ảnh hưởng của bão số 9.
Dự báo thời tiết ngày 23/11: Hà Nội nhiều mây, sáng sớm trời rét, miền Trung có mưa lớn
Từ chiều tối 22 đến 23/11, khu vực Hà Tĩnh, Quảng Bình, Phú Yên và Khánh Hòa có mưa, mưa...
Nỗi oan khó nói của ông chồng bị vợ nghi ngoại tình
Không ít bà vợ cảm thấy lo lắng và bất an khi chồng ngày một sa sút, thậm chí không...
Vì sao con người lùn đi khi về già?
Giảm chiều cao là một đặc trưng điển hình của việc con người già đi. Bắt đầu từ sau tuổi...
Đàn ông cũng cần được khóc
Nhiều nam giới trao đổi rằng họ không được ai dạy về cách thế hiện tình cảm yêu thương thế...