Theo thông tin từ Thanh Niên, ngày 2/11, tin từ Liên đoàn Lao động TP.HCM cho biết, mới đây, Công ty TNHH T.H  hoạt động trong lĩnh vực ngành sản xuất giày da xuất khẩu, đóng tại P.An Lạc, Q.Bình Tân, TP.HCM và có tổng số lao động là 1.822 công nhân lao động) đã thông báo chấm dứt hợp đồng với 1.185 lao động.

Công ty T.H - Ảnh: Thanh Niên

"Mặc dù đã tìm nhiều biện pháp nhưng công ty vẫn gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, không thể khôi phục hoạt động như kế hoạch đề ra. Do đó, công ty buộc phải thu hẹp sản xuất và chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động", thông báo nêu rõ.

Theo đó, Công ty T.H sẽ thu hẹp toàn bộ khối sản xuất và một số đơn vị gián tiếp phục vụ sản xuất, chấm dứt hợp đồng lao động với khoảng 1.185 lao động kể từ ngày 1/12/2022. Trong đó có 936 lao động có hợp đồng vô thời hạn và 249 lao động có hợp đồng 1 năm.

Công ty chi trả trợ cấp thôi việc (theo bộ luật Lao động) cho những lao động có thời gian làm việc từ năm 2008 trở về trước. Đồng thời, trả trợ cấp 2 tháng tiền lương cho toàn bộ người lao động bị mất việc (thời gian trả vào ngày 2/12).

Thông báo cũng nêu rõ thời gian trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động và lương tháng 11/2022. Ngoài ra, Công ty T.H cho biết vẫn chi tiền thưởng năm 2022, người lao động làm việc đủ 12 tháng sẽ được nhận 1 tháng lương.

Hôm qua (30/11) chính là ngày làm việc cuối cùng của những công nhân thuộc công ty này. Vào giờ tan ca, thay vì không khí náo nhiệt, rộn ràng như cách đây vài tháng thì giờ đây gương mặt ai nấy đều bần thần. Người lặng lẽ ra về, người nán lại ngậm ngùi nhìn về nơi mình từng gắn bó bởi từ ngày mai họ sẽ không thể đến làm việc được nữa. 

Nhiều người tranh thủ gom thêm ve chai về bán - Ảnh: Phụ nữ Việt Nam

Thay vì từng tốp công nhân tranh thủ rời công ty về nhà sau một ngày làm việc vất vả, hôm nay, họ đều nán lại một chút trước cổng công ty. Phiên họp chợ mua bán hàng ngày trước cổng cũng chẳng còn rộn rã, ai nấy đều ngậm ngùi nhìn xung quay rồi lủi thủi ra về. 

Chia sẻ với báo Phụ nữ Việt Nam, cô Nguyễn Thị V. (huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp) cho biết 16 năm gắn bó với công ty, cô không nghĩ có một ngày, mình sẽ rời công ty như vậy.

“Buồn lắm chứ, mà giờ công ty không có đơn hàng, biết phải làm sao. Hôm nay làm việc cuối cùng rồi, chắc cô về quê chứ đâu kiếm được việc nữa. Cô 52 tuổi rồi, ai mà mướn”, cô Vốn xúc động nói.

Cũng trong tình cảnh tương tự, 17 năm gắn bó với công ty, hôm nay, cô Đặng Thị H. (51 tuổi, quê Nghệ An) chỉ biết lắc đầu chua chát. Đẩy chiếc xe đạp cũ chở đầy ve chai rời công ty, cô H. lủi thủi quay lại căn trọ cũ, cô cũng chưa biết ngày mai mình sẽ ra sao.

Rời công ty với giỏ ve chai chất đầy trên yên xe như cô H., chị H. (40 tuổi, Đồng Tháp) cho biết sau ngày làm việc cuối cùng, hầu như ai cũng gom góp ít ve chai có được ở nơi sản xuất để ra vựa bán. Với nhiều người, số tiền bán ve chai chẳng đáng là bao, nhưng với chị Hường, được đồng nào hay đồng đó, nhất là những ngày sắp tới, chị chưa biết sẽ sống ra sao khi mất việc làm.

“Cả ngày hôm nay chị buồn lắm, chắc thất nghiệp tới Tết luôn rồi. Nay vào công ty mà không có làm, cán bộ ngồi đó cũng khóc. Công ty không có trụ nổi, mùa dịch thấy vậy mà cố gắng vượt qua được. Mất việc rồi, cuộc sống giờ gì cũng khó khăn hết trơn. Tết nhất đến nơi rồi, đâu có ai chịu nhận người mới làm việc…”, chị H. thở dài.

Chị H. (40 tuổi, Đồng Tháp) vẫn chưa biết sẽ sống sao khi mất việc làm - Ảnh: Phụ nữ Việt Nam

Theo các công nhân ở đây, khoảng 2 tuần gần đây, công ty không còn việc làm, mọi người chỉ đến cắt chỉ máy với làm vệ sinh cho sạch. Ngày cuối cùng ở công ty, từ cán bộ đến công nhân, ai cũng khóc rồi tự an ủi lẫn nhau.

Trước đó, trả lời trên Tiền Phong, bà Trần Thị Thùy Trâm, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai cho hay, vào thời điểm này mọi năm, các doanh nghiệp ngành may mặc, giày da đều tuyển dụng rầm rộ nhưng riêng năm nay, nhu cầu này đã giảm mạnh từ tháng 6 đến nay do các doanh nghiệp bị giảm hoặc không có đơn hàng. Tại sàn tuyển dụng lao động, chỉ có các doanh nghiệp ngành điện tử, bất động sản và bảo hiểm có nhu cầu nhưng tuyển dụng rất hạn chế, chỉ 20-50 lao động. 

Ông Trần Việt Hà, Phó Trưởng quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp TPHCM cho biết, ghi nhận từ các DN ngành gỗ, dệt may, bao bì... cho thấy các nhà máy giảm công suất hoạt động khá sâu. Thậm chí có đơn vị hoạt động cầm chừng chỉ với 30-40% công suất.

Hình ảnh những người công nhân lớn tuổi ra về với đôi mát đỏ hoe, còn ngoái đầu nhìn nhau, nhìn nơi đã gắn bó bao nhiêu năm khiến ai cũng xót xa. Chưa bao giờ, cuộc sống của những người công nhân lại khổ như vậy, nhất là Tết đã cận kề đến nơi…