Đã có rất nhiều án thương tâm do áp lực học tập đè nặng lên con trẻ. Như vụ án xót xa dưới đây là hồi chuông cảnh tỉnh cho các bậc phụ huynh. 

Mới đây, một bé trai lớp 6 rơi từ tầng cao chung cư xuống đất tử vong ở Hà Nội đã khiến dư luận bàng hoàng, xót xa. Theo gia đình chia sẻ, lý do dẫn đến hành động trên của bé là vì áp lực học tập.

Trao đổi với PV báo Dân Việt, chuyên gia tâm lý Lê Khanh cho hay, thêm lần nữa, một vụ tự tử của học sinh được cho là do áp lực học tập gây chấn động. Đây là một nguyên nhân dễ đưa ra, nhưng không dễ giải thích.

Chuyên gia Lê Khanh cho hay, nếu nói áp lực học tập đến mức đi tìm đến cái chết thì nguyên nhân này là chưa đủ. "Tùy vào vụ việc, mà có thể đó là "thủ phạm" chính hay chỉ là kẻ "tòng phạm" góp vào cho những vấn đề gai góc khiến cho đứa trẻ không thể chịu đựng nổi", chuyên gia này nhận định.

Ảnh minh họa: Internet

 Hiện trường vụ bé trai rơi từ tầng cao chung cư xuống đất tử vong ở Hà Nội hôm 16/12. Ảnh: HN

Nhưng cũng từ vụ việc trên, chuyên gia Lê Khanh đưa ra lời khuyên cho các bậc cha mẹ: "Hành động tự tìm đến cái chết của trẻ giống như một cuộc... chạy trốn. Thế nhưng, tại sao có trẻ thì tổn thương, mà cũng có trẻ bị chửi, bị đánh, bị phạt... sáng hôm sau thức dậy vẫn như không. Đó chính là sự khác biệt ở từng đứa trẻ do tính cách, do cách suy nghĩ, do năng lực và do các yếu tố từ môi trường sống mà mỗi trẻ là một cá thể không giống ai.

Cha mẹ sinh con ra thì phải hiểu được tính cách của con, phải biết được khả năng nhận thức, tiếp thu của con, để đừng kỳ vọng vào những gì vượt quá năng lực mà khiến cho cả bố mẹ lẫn con đều thất vọng. Ngoài việc hiểu con, cha mẹ thì cũng cần phải biết những biện pháp nâng cao khả năng tự chủ nơi trẻ. Mà điều đầu tiên là phải giúp con có sự tự giác, tự ý trong các sinh hoạt cá nhân, cũng như việc ăn, việc ngủ, việc học, việc chơi..."

Cũng theo chuyên gia Lê Khanh, để tránh vụ việc đáng tiếc như vụ bé trai rơi từ tầng cao chung cư xuống đất tử vong ở Hà Nội, đồng thời, làm giảm gánh nặng về học hành cũng như về nhận thức cho trẻ, phụ huynh cần hiểu rằng năng lực của trẻ không tự nhiên mà có – nó là một tiến trình mà ngay từ nhỏ, đã phải có các kế hoạch và chiến lược để giúp con. Không phải giúp con học cho giỏi, sống cho ngoan, trở thành thần đồng hay siêu trí nhớ. Cũng không phải cần bỏ công đi học hết khóa này đến khóa khác để trở thành cha mẹ tài năng, hay cho con tham gia các khóa huấn luyện "tôi siêu đẳng" cực đắt, cực tốn kém hoặc có khi lại có vẻ như là miễn phí, phi lợi nhuận mà thực chất chỉ làm cho bố mẹ và cả đứa trẻ mất thời gian.

Bố mẹ hãy là một tấm gương cho con về vấn đề tổ chức công việc trong nhà, biết giúp trẻ phân phối thời gian hợp lý trong ngày với 4 hoạt động: Học tập, ăn uống, nghỉ ngơi, giải trí. Bên cạnh đó còn có các hoạt động làm việc nhà và giao tiếp xã hội, tất cả đều phải cân bằng dựa trên chính năng lực tiếp thu của trẻ chứ không phải dựa trên yêu cầu của nhà trường hay căn cứ vào năng lực của trẻ hàng xóm.

Bố mẹ hãy tập cho trẻ có một thời gian biểu các hoạt động trong ngày một cách rõ ràng, và hợp lý trong việc sử dụng thời gian. Đây là điều cần phải tập luyện để trở thành thói quen trong cuộc sống. Chính việc biết tổ chức các hoạt động, có học có chơi, có ăn có nghỉ một cách hợp lý sẽ giúp làm giảm đi áp lực không cần thiết. Bài học thì giúp trẻ biết tóm tắt, bài tập nhiều quá thì có thể giảm bớt, bị thầy cô phê bình, chê trách còn hơn là suy nhược vì thức trắng đêm làm bài. Để rồi các áp lực đó, như những giọt nước tích tụ, và đến một ngày, chỉ cần một lời trách móc như giọt nước tràn ly...

Ngoài ra, để giúp con có những suy nghĩ tích cực về giá trị bản thân, cần thôi đi những lời chỉ trích, chê bai mà thay vào đó các lời nhận xét tích cực và sự khen tặng, cảm ơn chân thành dành cho con. Để giúp con biết rõ về thế giới ảo, hãy cùng con trao đổi, xem xét và nâng cao nhận thức về các điều mà trẻ đang tiếp nhận, đó chính là game online, phim ảnh, những ảo tưởng trên mạng xã hội. Nói cách khác, cha mẹ là bạn đồng hành với trẻ, giúp cho trẻ nhận biết đâu là "thế giới ảo" có thể "tắt đèn làm lại" và đâu là xã hội thực, nơi mà mỗi hành vi đều gây ra một vấn đề và để lại một hậu quả cụ thể rõ ràng!

Cuối cùng, một môi trường an toàn cũng là điều cần thiết để tránh đưa đến các tai nạn đáng tiếc – nhà lầu hay chung cư cao ốc, cần có rào chắn, lưới che. Trong nhà thì hệ thống điện nước phải có sự đề phòng cẩn thận bằng những biện pháp bảo vệ cho con trẻ. Hãy cùng trẻ tìm hiểu và thực hành các biện pháp an toàn, tự bảo vệ mình trong các hoạt động hàng ngày. Đừng đợi "mất bò mới lo rào chuồng" . Mong rằng, những tai nạn thương tâm sẽ giảm bớt bằng những biện pháp cụ thể chứ không phải là những sự thương xót hay hô hào nào", chuyên gia này chia sẻ.