Sau chuỗi ca COVID-19 mới trong cộng đồng, TP.HCM yêu cầu những người đang làm việc tại sân bay Tân Sơn Nhất phải lấy mẫu xét nghiệm mỗi ngày, chỉ khi kết quả xét nghiệm âm tính (xét nghiệm có giá trị từng ngày một) họ mới được đến cơ quan làm việc.

Như vậy ngày nào cũng thế, sau giờ làm, các nhân viên này phải đến Trung tâm Y tế quận, huyện để xét nghiệm COVID-19.

"Ngày nào họ cũng phải xét nghiệm âm tính mới được đi làm, chưa kể chúng tôi còn phải xét nghiệm 100% cho cả gia đình họ. Số lượng đông như vậy, phải nói rằng lực lượng y tế của chúng tôi làm với áp lực rất dữ dằn" - TS.BS Nguyễn Trung Hòa, giám đốc Trung tâm y tế quận Gò Vấp, chia sẻ với chúng tôi sáng 10-2 khi đứng trước khu vực cách ly hẻm 251 (đường Quang Trung, phường 10, quận Gò Vấp).

Theo BS Hòa, cho đến hiện tại, quận Gò Vấp có tất cả 5 ca nhiễm COVID-19 và khoảng 40 F1, 20 F2. Đơn vị đã lấy tổng 976 mẫu xét nghiệm của cả địa bàn, tất cả đều có kết quả âm tính.

Điểm phong tỏa cách ly hẻm 237, 251 (đường Quang Trung, phường 10) - Ảnh: HOÀNG LỘC

Đến nay trên địa bàn quận có 2 điểm phong tỏa cách ly là hẻm 237, 251 (đường Quang Trung, phường 10) và chung cư Felix Homes (44 Nguyễn Văn Dung, phường 6) với tổng cộng gần 1.000 người. Số lượng này có thể tăng theo thời gian, bởi hiện có nhiều người đi vắng chưa về

"Tôi nghĩ với các hộ dân trong khu cách ly, đây là cái Tết đặc biệt nhất trong đời người. Dù áp lực, khó khăn nhưng mong bà con hãy yên tâm cách ly, chúng tôi sẽ cố gắng đảm bảo sức khỏe để bà con có một cái Tết đầm ấm, an toàn nhất", ông Hòa nhắn nhủ.

Với các hộ dân trong khu cách ly, đây là cái Tết đặc biệt nhất trong đời họ - Ảnh: HOÀNG LỘC

Lực lượng công an viên, dân phòng luôn túc trực hỗ trợ người dân - Ảnh: HOÀNG LỘC

Nhân viên y tế dọn dẹp vệ sinh liên tục trong những ngày cách ly - Ảnh: HOÀNG LỘC

Từ ngày dịch bùng phát ở TP.HCM, đặc biệt là sau 5 ca COVID-19 ghi nhận tại quận nhà, bác sĩ Hòa không có thời gian nghỉ ngơi, mỗi ngày ông cùng đồng nghiệp phải giải quyết rất nhiều việc, điện thoại ông lúc nào cũng trong tình trạng "cháy máy".

"Ngoài điện thoại cá nhân, tôi cầm thêm điện thoại đường dây nóng. Tôi là giám đốc, nếu bà con có gọi tôi sẽ nắm được vấn đề và có thể giải quyết được ngay, còn để lính cầm giải quyết không được" - BS Hòa nói. Trung bình mỗi ngày trong đợt dịch ông nhận được từ 150-200 cuộc gọi như thế.

Tin liên quan