Thông tin được ông Nguyễn Minh Nhựt, Chủ tịch UBND huyện Bình Tân cho biết sáng 1/7. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh quận này đã ghi nhận 711 ca nhiễm, cao nhất tại TP HCM.

Theo ông Nhựt, trong quá trình thực hiện Chỉ thị 10 của UBND thành phố, các phường nhận thấy một số chợ không đảm bảo an toàn phòng dịch, người dân vẫn còn tập trung đông. Vì vậy, quận quyết định cho tiểu thương ngưng bán một thời gian, để thực hiện công tác phòng chống dịch.

Người dân mua hàng tại một chợ truyền thống tại TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần.

"Nếu các chợ đảm bảo an toàn chống dịch sẽ cho hoạt động trở lại chứ không thực hiện cứng nhắc", ông Nhựt nói và cho biết trong số 11 chợ, có 6 chợ tạm dừng trước đó để phòng dịch.

Trước lo ngại nếu dừng tất cả chợ truyền thống, người dân sẽ tập trung về siêu thị, cửa hàng tiện ích đông, khó đảm bảo phòng dịch, ông Nhựt cho rằng trong siêu thị có thể tổ chức phòng dịch tốt hơn. Người dân nên đặt hàng online hạn chế tiếp xúc trực tiếp.

Trước đó, nhiều chợ truyền thống ở TP HCM đã được yêu cầu dừng hoạt động để phòng dịch. Đến nay đã có 70 chợ truyền thống trong số 234 chợ ở thành phố ngưng hoạt động do liên quan ca mắc Covid-19, không đảm bảo phòng dịch.

Ngoài việc bị tạm dừng hoạt động, nhiều chợ truyền thống còn tổ chức tiểu thương bán luân phiên theo ngày, phát thẻ cho người đi chợ nhằm hạn chế đông đúc tại một thời điểm.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo chống Covid-19 của thành phố chiều 25/6, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết lo ngại hiện nay là các ca nhiễm phát hiện ở chợ truyền thống, chợ đầu mối vì những nơi này mật độ tiếp xúc lớn.

Giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Tấn Bỉnh cũng cho rằng sự lây lan dịch thời gian qua cho thấy việc giao lưu, tiếp xúc tại các chợ đầu mối, chợ truyền thống hiện không đảm bảo an toàn phòng dịch.