Hằng ngày, trên các diễn đàn cao đẳng sư phạm hay trên các nhóm hội chủ trường thường xuyên đăng tải bài tuyển giáo viên làm theo ngày. Số lượng các cô có bằng cấp, có trình độ và được đào tạo liên tục thì giờ gần như rất ít.
Cũng theo ThS. Nguyễn Mai Duyên, ở trường tư còn thêm gánh nặng đó là sự kỳ vọng quá cao của chủ trường và phụ huynh học sinh dẫn đến muôn vàn những áp lực đè lên đôi vai của các cô. Thêm nữa, việc không được đào tạo đầy đủ về kỹ năng quản lý cảm xúc hay xử lý các tình huống cơ bản với trẻ dẫn tới những trường hợp đáng tiếc thế này sẽ dễ xảy ra.
Vậy làm sao để phụ huynh yên tâm khi gửi con? ThS. Nguyễn Mai Duyên cho rằng: "Con cái là tài sản lớn nhất cuộc đời mình, vì thế, khi phụ huynh muốn tìm đến một cơ sở an tâm để gửi con, trước hết hãy dành thời gian quan sát quá trình hoạt động của cơ sở đó.
Theo ThS. Nguyễn Mai Duyên, phụ huynh hãy đến tận nơi để có thể nhìn thấy về cơ sở vật chất hay môi trường..., lên lớp để nhìn cách các cô đối xử với con. Có nhiều khung giờ, các bậc cha mẹ có thể đến giờ chơi để nhìn sự bao quát của giáo viên với con hay đến vào giờ ăn để nhìn sự ân cần của cô với con.
"Giờ đa phần các trường đều có camera nhưng không có camera nào chân thật bằng chính camera lương tâm của các cô. Và quan trọng hơn cả là phụ huynh hãy lắng nghe và đồng hành cùng con", ThS. Nguyễn Mai Duyên chia sẻ.
Xử lý nghiêm các cơ sở giáo dục chui, hoạt động giáo dục không đúng pháp luật
Dưới góc độ pháp lý, TS. Đặng Văn Cường - Ủy viên ban chấp hành Hội bảo vệ quyền trẻ em cho rằng, hành vi của hai nữ giáo viên trong vụ bé trai 17 tháng tử vong ở Thường Tín (Hà Nội) là vô cùng tàn nhẫn, mất tính người.
Với kết quả điều tra ban đầu, hai đối tượng này sẽ bị xử lý về tội Giết người với nhiều tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự như giết người dưới 16 tuổi, hành vi có tính chất côn đồ nên sẽ phải đối mặt phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Luật sư Đặng Văn Cường cho biết "Qua điều tra, nghiên cứu về tình hình tội phạm bạo hành, xâm hại trẻ em chúng tôi thấy rằng phần lớn các vụ việc giáo viên xâm phạm đến sức khoẻ, tính mạng của trẻ em đều là những người không được đào tạo bài bản hoặc vụ việc xảy ra ở các cơ sở giáo dục tư thục, thiếu sự quản lý của Nhà nước.
Các bảo mẫu thường là những người chuyển ngành, trái ngành hoặc không có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, không được đào tạo bài bản. Đây là hạn chế của công tác quản lý giáo dục trong thời gian qua ở một số địa phương.
Ngoài việc xử lý nghiêm khắc với các đối tượng giết trẻ em thì cơ quan chức năng cũng cần tăng cường công tác quản lý, giám sát hoạt động giáo dục để kịp thời phát hiện ra các cơ sở giáo dục chui, hoạt động giáo dục không đúng pháp luật, các giáo viên, cán bộ, nhân viên không có bằng cấp chứng chỉ phù hợp để đảm bảo an toàn cho các em học sinh, tránh những vụ việc tương tự có thể xảy ra".