Thực tế ghi nhận, trong nhiều năm gần đây, không ít sự việc đáng tiếc đã xảy ra với những bé gái khi bản thân bị xâm hại tình dục hay bị dụ dỗ, bỏ nhà đi theo người lạ… Đặc biệt, những sự việc đau lòng này thường bắt nguồn từ mối quan hệ qua mạng xã hội.


Vì muốn bảo vệ con em mình, nhiều bậc cha mẹ cho rằng, cần ngăn cấm trẻ sử dụng mạng xã hội để tránh việc làm quen với người lạ qua mạng. Từ đó có thể ngăn chặn những tình huống xấu có thể xảy ra.

Vậy quan điểm đó có phải là hướng giải quyết đúng đắn và đem lại hiệu quả?

Ảnh minh họa: Internet

 Cấm trẻ sử dụng mạng xã hội không có giá trị tránh xâm hại tình dục
Trao đổi phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống, TS Vũ Thu Hương cho rằng để tránh những câu chuyện đáng tiếc liên quan đến dụ dỗ hay xâm hại, việc đầu tiên chúng ta cần phải làm đó là giáo dục các con cách phòng tránh xâm hại.

"Có những bạn mới ở độ tuổi 11-12 đã bị dụ dỗ, 3-4 tuổi đã bị sờ mó, nên việc cha mẹ cấm con không được sử dụng mạng xã hội lúc này cũng không có giá trị gì cả. Đối với những bạn lớn hơn, nếu cấm các con sử dụng mạng xã hội thì đối tượng xấu cũng sẽ len lỏi vào bằng các con đường khác. Thế nên điều quan trọng là phải giáo dục các con về những tình huống có thể sẽ xảy ra và cách các con có thể tự bảo vệ mình", TS. Vũ Thu Hương nhấn mạnh.

Cũng theo TS. Vũ Thu Hương, hầu như các bậc phụ huynh hay cho rằng, những câu chuyện đau lòng mà họ biết được là câu chuyện của gia đình khác, không phải là điều xảy ra với con mình. Và vấn đề quan trọng được cha mẹ đặt lên hàng đầu luôn là việc học chữ ở trường của các con, sau đó là học thêm các môn tại trung tâm hay nơi đào tạo uy tín. Chỉ khi nào còn thời gian thì cha mẹ mới nghĩ đến việc cho trẻ học kỹ năng sống.

Ít ai hiểu rằng, việc học chữ ở trường hay học thêm sẽ không thể đảm bảo an toàn cho các con. Trong khi học kỹ năng sống sẽ giúp các con giảm thiểu được khoảng 60-70% hậu quả từ những tình huống nguy hiểm.

"Nếu không được học về giới tính thì các con cũng không biết được những hành vi nào là hành vi xâm hại. Thậm chí còn có thể cho rằng hành vi xâm hại là thể hiện tình yêu, yêu nhau thì phải hết mình với nhau. Nguy hiểm hơn, các con cũng không lường trước được hậu quả của những hành vi đó, hậu quả từ thể xác, tinh thần hay việc quan hệ tình dục khi chưa đủ tuổi sẽ vi phạm phạm luật.

Hậu quả đáng tiếc xảy ra là do chúng ta không chú trọng việc giáo dục giới tính cho các con, không chú trọng cung cấp những thông tin kiến thức về pháp luật cho các con", chuyên gia giáo dục chia sẻ.

Nói về những phương pháp để giáo dục, TS. Vũ Thu Hương cho biết, thực tế nhiều bố mẹ cho rằng việc giáo dục trẻ chỉ có một cách duy nhất là nói. Điều này hoàn toàn không chính xác, thậm chí nói còn là phương pháp giáo dục kém hiệu quả nhất.

Có nhiều phương pháp giáo dục hiệu quả khác, với trẻ nhỏ thì cha mẹ có thể cùng con chơi trò sắm vai, bố mẹ sẽ là những người hại con và con sẽ tìm cách xử lý.

Chuyên gia giáo dục - TS. Vũ Thu Hương.

 "Rõ ràng lúc này chúng ta không phải tìm cách nói như thế nào với trẻ cả. Cha mẹ chỉ cần tìm hiểu những cách người khác dụ dỗ hoặc xâm hại con mình, sau đó vào ai "kẻ ác" để xem con phản ứng ra sao. Các con có thể sẽ đưa ra cách giải quyết ngay lúc đó, hoặc có thể suy nghĩ nhiều ngày để tự đưa ra cách giải quyết tốt nhất cho bản thân.

Bản thân tôi trong trong suốt hơn 10 năm đi dạy giáo dục giới tính và phòng chống xâm hại, thì chính tôi cũng phải nhìn nhận có những phương pháp giải quyết mà các bạn nhỏ đưa ra còn tốt hơn người lớn và tôi đã phải học hỏi những phương pháp đó", TS. Vũ Thu Hương nói.

Ngoài ra, cha mẹ có thể cung cấp cho các con những vụ án có thật, nói cho các con biết kẻ ác đã phải chịu hậu quả như thế nào, đi tù bao nhiêu năm…

Cần giáo dục giới tính cho trẻ từ khi nào để tránh xâm hại tình dục?
Cũng theo TS. Hương, độ tuổi để giáo dục giới tính cho con là từ 3 tuổi. Bởi ở độ tuổi này các con đã bắt đầu bỏ bỉm và trong ngày sẽ có những khoảng thời gian rời xa vòng tay bố mẹ để đi học. Khi bỏ bỉm, các con sẽ có cảm giác trống trải ở bộ phận sinh dục nên cha mẹ cần cho con mặc quần lót, và dạy con rằng tuyệt đối không cho ai động vào khu vực đồ lót của mình. Đây chính là bài học đầu tiên về giới tính.

Tiếp theo, cha mẹ có thể tập cho con cách để phản ứng nhanh với việc bị người khác sờ mó, hoặc kéo chân, kéo tay. Như dạy con không được cho ai sờ, chộp vào tay mình bằng cách, cha mẹ chộp vào tay con nhiều lần để các con tập phản ứng thoát ra. Sau vài lần sẽ tạo thói quen ai cầm vào tay mà không được sự đồng ý là con sẽ vùng ra ngay.

"Cần cho trẻ hiểu rằng bản thân chúng có quyền phản ứng lại với mọi người, kể cả với người lớn. Tâm lý thủ phạm thường sẽ rất bất ngờ với sự phản ứng của các con, chính từ sự bất ngờ này mà bọn chúng có thể sẽ bỏ cuộc. Thủ phạm cũng thường không dám làm đến cùng với những trẻ có thái độ đề phòng và phản ứng ngay từ đầu, mà chúng sẽ tìm đến những đối tượng là trẻ không có phản ứng, dễ dụ dỗ để gây án", chuyên gia giáo dục phân tích.

Cũng theo chuyên gia, khi trẻ lên 6-7 tuổi, cha mẹ cần giáo dục kỹ càng hơn về kiến thức giới tính theo khoa học. Đặc biệt những kiến thức này cần được giáo dục gần như hoàn thiện cho trẻ trước 12 tuổi, vì đa phần 12 tuổi các con đã dậy thì xong, nhiều bạn đã có nhu cầu về tình dục.