Nên bắt đầu dạy con học tiếng Anh khi nào?

Theo nghiên cứu của tiến sĩ tâm lý Elaine Schneider – một chuyên gia ngôn ngữ trẻ em tại Mỹ cho biết trẻ em tiếp xúc với tiếng Anh càng sớm càng tốt. Vì theo bà, não bộ của trẻ nhỏ, đặc biệt là các bé từ 1 - 5 tuổi được ví như một miếng bọt biển có thể hút các thông tin xung quanh rất nhanh và nhạy bén.

Bên cạnh đó, cấu tạo của các cơ quan nghe và phát âm ở trẻ nhỏ trong giai đoạn này cũng giúp các bé dễ dàng bắt chước các cách phát âm khác nhau hơn.

Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Trần Thị Thu Mai – Phó trưởng khoa tâm lý giáo dục trường Đại học Sư phạm TPHCM, cũng nhận định: Từ 20 tháng cho đến 8 tuổi là giai đoạn trẻ nhỏ phát triển mạnh mẽ nhất về ngôn ngữ, giai đoạn này được gọi là thời kỳ “phát cảm về ngôn ngữ”.

Bắt đầu càng sớm thì việc học ngôn ngữ thứ hai càng dễ dàng hơn - Ảnh minh họa: Internet

Nếu trẻ được tạo điều kiện để học ngôn ngữ thứ hai song song cùng tiếng mẹ đẻ thì không những sẽ phát huy tốt khả năng ngôn ngữ của mình mà còn có thêm khả năng tư duy logic khi trưởng thành.

Ngay từ khi con ở lứa tuổi học mầm non, cha mẹ hãy tạo điều kiện hết sức cho con học tiếng Anh. Đây là độ tuổi tuyệt vời để bắt đầu học một ngôn ngữ mới vì bộ nhớ của các con ở độ tuổi này vẫn còn rất nhiều chỗ cho các kiến thức mới.

Mặt khác, bắt đầu càng sớm thì việc học ngôn ngữ thứ hai càng dễ dàng hơn vì các con ít bị ảnh hưởng bởi tiếng mẹ đẻ, việc phát âm sẽ tốt hơn và tránh được tình trạng tư duy bằng tiếng mẹ đẻ trong quá trình giao tiếp bằng tiếng nước ngoài.

Lưu ý khi đồng hành cùng con học tiếng Anh

Cách học truyền thống của những năm trước – chủ yếu học ngữ pháp, từ vựng, ít học nghe, học nói – thì thế hệ bố mẹ trẻ ngày nay, trừ một số nhỏ lớn lên ở thành phố và có điều kiện học thêm cũng như tiếp xúc với người nước ngoài, phần lớn đều có vốn tiếng Anh rất ít ỏi, đặc biệt phát âm không được chuẩn.

Thậm chí với những bố mẹ biết một chút nhưng phát âm không được chuẩn thì không nên dạy con cách đọc của từ, trong quá trình học cùng con các bố mẹ nên tránh tự mình đọc ra các từ vì như thế vô tình tạo ra cho con một nhận thức không chuẩn về cách đọc từ đó. Con trẻ thường nghĩ những gì người lớn nói ra đều là chuẩn và sẽ bắt chước một cách vô thức.

Nên cho trẻ học tiếng Anh như thế nào?

Điều cần chú ý trong cách dạy con học tiếng Anh tại nhà ở tuổi này là được tiếp xúc thường xuyên với tiếng Anh của người bản xứ. Điều đó không có nghĩa là bạn buộc phải đầu tư thật nhiều tiền cho con học với giáo viên nước ngoài 100%.

Điều cần chú ý trong cách dạy con học tiếng Anh tại nhà ở tuổi này là được tiếp xúc thường xuyên với tiếng Anh của người bản xứ - Ảnh minh họa: Internet

Cha mẹ hoàn toàn có thể tìm được những thầy cô như thế trên mạng Internet với phát âm chuẩn của người Anh, người Mỹ hoặc người Úc. Bởi theo nguyên lý, não bộ của trẻ đặc biệt nhạy cảm với âm thanh và hình ảnh, do vậy hãy để bé được thường xuyên tiếp xúc với tiếng Anh chuẩn thông qua việc nghe nhìn.

Mẹ cũng có thể tìm những bài hát, những câu chuyện cổ tích bằng tiếng Anh bằng cách ấn từ khóa “songs for kids” “stories for kids”. Những kênh youtube có nhiều bài hát và câu chuyện phổ biến mà các con yêu thích.

Mẹ hãy khuyến khích con hát theo, đọc theo và sau đó và kể lại câu chuyện trong khi tắt tiếng, chỉ cho con xem hình.

Mẹ có thể cho con xem các bộ phim hoạt hình nước ngoài mỗi ngày một chút. Con bạn sẽ hiểu câu chuyện mà không cần biết tất cả các từ, dần dần con sẽ học được những kiến thức cần thiết cho giao tiếp mà không phải sách vở nào cũng có thể dạy con.

Ngay từ khi con ở lứa tuổi học mầm non, cha mẹ hãy tạo điều kiện hết sức cho con học tiếng Anh - Ảnh minh họa: Internet

Tuy nhiên tiếp xúc với máy tính nhiều quá có thể không tốt cho mắt bé. Hãy cân bằng việc xem và nghe của con bằng cách download các file âm thanh cho con nghe. Tất cả các video trên youtube đều có thể được lưu lại dưới dạng âm thanh mp3 khi mở ở trình duyệt Firefox, sau đó ó thể mở bằng điện thoại hoặc cho vào usb để mở cho con nghe mỗi ngày một chút.

Bên cạnh đó, mở nhạc thiếu nhi bằng tiếng Anh đều đặn khoảng 15 - 20 phút cho bé nghe từ khi còn nhỏ, dần dần có thể tăng thời lượng lên và nên chọn những bài hát dễ hiểu, ngắn gọn, sinh động giúp trẻ có được hứng thú và học tập hiệu quả.

Cho trẻ học nghe nói nhiều hơn đọc viết

Dạy con học tiếng Anh như thế nào cho hiệu quả? Theo nghiên cứu, khả năng tiếp thu và học một loại ngôn ngữ của trẻ nhỏ tốt hơn nhiều so với người lớn, đặc biệt là kỹ năng nghe và nói.

Hơn nữa, khi trẻ còn nhỏ tuổi thì rất dễ có cảm giác nhàm chán khi học, vì thế các bậc phụ huynh nên cho trẻ học nghe nói, gia tăng khả năng bắt chước ngôn ngữ nhiều hơn là kỹ năng đọc viết.

Hãy dạy bé học tiếng Anh tại nhà bằng hình ảnh thay vì học bằng ngôn ngữ - Ảnh minh họa: Internet

Bố mẹ có thể dẫn con đến một số địa điểm như công viên, phố đi bộ… để bé có cơ hội tiếp xúc, làm quen với người bản xứ. Dù các đoạn hội thoại chỉ vỏn vẹn vài câu nhưng sẽ đem đến cơ hội cực kỳ tốt cho con để ứng dụng những gì được học, tăng khả năng tự tin khi nói tiếng Anh, tạo cơ hội tốt để bé ứng dụng những gì được học một cách tự nhiên nhất.

Học tiếng Anh tại nhà bằng hình ảnh

Hãy dạy bé học tiếng Anh tại nhà bằng hình ảnh thay vì học bằng ngôn ngữ. Hãy đưa ra các hình ảnh và dạy con gọi tên chúng bằng tiếng Anh. Dạy bé học tiếng Anh các con vật với các bộ card hình ảnh sống động. Tất cả các hoạt động của mẹ cùng con sẽ giúp bé học ngôn ngữ tốt hơn so với trẻ tự học một mình.

Học tiếng Anh từ các trò chơi

Tâm lý của trẻ là luôn ham chơi, các bé dễ chán nản khi nghe đến từ "học". Hơn thế, việc học ở trường đã rất áp lực, vì vậy khi về nhà cha mẹ không nên tạo thêm áp lức cho trẻ. Thay vì nghĩ rằng mình phải dạy con học tiếng Anh ở nhà, hãy nghĩ đơn giản rằng mình cùng chơi cùng học tiếng Anh với bé.

Để giúp con thích thú hơn với việc học tiếng Anh tại nhà, mẹ hãy vận dụng vào một vài trò chơi. Trong những giây phút gia đình bên nhau, bố mẹ hãy cùng con chơi trò đoán chữ tiếng Anh.

Có rất nhiều trò mà mẹ có thể áp dụng - Ảnh minh họa: Internet

Ví dụ như: Trò tìm đồ vật, hãy nói từ tiếng Anh và yêu cầu con tìm đồ vật đó. Bằng các trò chơi này, trẻ sẽ học tiếng Anh tại nhà một cách hiệu quả. Phương pháp này tạo sự thú vị cho trẻ và gắn kết tình cảm gia đình.

Lập thời gian biểu cụ thể

Nguyên nhân chủ yếu của việc dạy bé tại nhà không hiệu quả đa số thuộc về các bậc phụ huynh không dành đủ thời gian chăm chút việc học của bé. Các cha mẹ rất dễ sao nhãng việc dạy bé học vì nhiều mối quan tâm khác, thường có tâm lý ỷ lại “không hôm nay thì ngày mai”.

Thời gian biểu sẽ giúp chúng ta làm việc, học tập và quản lý thời gian khoa học hơn, với việc dạy tiếng Anh cho trẻ cũng vậy. Do đó, mục đích của việc lập thời gian biểu chính là để hình thành một thói quen cho việc học tiếng Anh ở nhà. Trong khoảng thời gian cố định này, phụ huynh sẽ dành thời gian giao tiếp tiếng Anh với trẻ thông qua trò chơi hay đối thoại...

Khoảng thời gian này không nên kéo dài quá 30 phút, bởi mức độ tập trung ở trẻ là có hạn. Nếu quá o ép, trẻ có thể mất đi hứng thú, giảm hiệu quả tiếp thu ngôn ngữ mới.

Hãy giữ tâm lý thoải mái khi dạy tiếng Anh cho trẻ - Ảnh minh họa: Internet

Các phụ huynh hãy nên để trẻ “tự viết giáo trình” cho mình bằng cách hỏi về cảm xúc của bé sau mỗi giờ học, trò chơi yêu thích của bé hay hỏi rằng bé muốn chơi trò chơi nào hôm nay.

Đừng quên việc khen ngợi khi bé hoàn thành nhiệm vụ hay câu hỏi của bạn. Khi việc học trở thành niềm vui, bé sẽ tự giác học tập mà không cần đến sự thúc giục của cha mẹ.

Có thể thấy, việc tạo một môi trường tiếng Anh chuẩn xung quanh con là yếu tố mà các ông bố bà mẹ nên chú trọng trong phương pháp dạy con học tiếng Anh. Ở lứa tuổi còn nhỏ, ngữ pháp không là yếu tố mà phụ huynh đặt nặng, hãy chú ý phát triển khả năng nghe nói của con để tạo tiền đề cho bé học tiếng Anh sau này.