Ngày 19/3, bà P.T.Đ (55 tuổi, trú tại huyện Anh Sơn, Nghệ An) đến Bệnh viện Hoàn Mỹ Quốc tế Vinh khám trong tình trạng mệt mỏi, đầy bụng, đau đầu, đau nhiều ở vùng ngực và thắt lưng.

Trước đó, Bà Đ. chỉ nghĩ mình bị bệnh cảm nên đã mua thuốc về tự điều trị nhưng dấu hiệu đau nhức không hề thuyên giảm.

Với những dấu hiệu lâm sàng, bác sĩ đã khám và thực hiện những chỉ định sâu hơn để chẩn đoán như Xét nghiệm phân, chụp X – Quang tim phổi, chụp X – Quang ổ bụng không chuẩn bị, siêu âm ổ bụng…

Kết quả kiểm tra phát hiện sán lá gan sinh sống trong cơ thể nữ bệnh nhân nhiều năm nay.

Ảnh X - quang chụp sống lưng bệnh nhân 

Bác sĩ. CKI Trần Thị Bích Lan sau khi phát hiện bệnh đã chia sẻ: “Những tác nhân gây bệnh sán lá gan lớn thường là từ động vật ăn cỏ, hoặc cũng có thể bị lây truyền qua trung gian là một số loài ốc nước ngọt (ốc họ Lymnaea).

Người nhiễm bệnh do ăn sống các loại rau mọc dưới nước (rau ngổ, rau nhút, rau cần…) hoặc uống nước lã có nhiễm ấu trùng sán.

Ấu trùng vào dạ dày đến ruột, gan sán trưởng thành, ký sinh tại gan nhiều năm, đẻ trứng theo phân ra ngoài, xuống nước, xuống nước nở thành ấu trùng lông, sau đó phát triển thành một loại ốc thuộc họ Lymnaea, rồi thành ấu trùng đuôi, và thành nang trùng.

Nang trùng bám vào các loại rau thủy sinh và bơi trong nước, người ăn uống phải sẽ mắc bệnh sán lá gan lớn”.

Ảnh X - quang chụp tịm phổi bệnh nhân

Để phòng ngừa nguy cơ sán trú ngụ trong cơ thể, bác sĩ Lan cho biết người dân không nên ăn cá và ốc chưa nấu chín dưới mọi hình thức (gỏi nấu canh, chiên rán…), không ăn rau sống mọc dưới nước, không uống nước lã, không dùng phân người nuôi cá và không phóng uế xuống các nguồn nước.

Đặc biệt, khi có các triệu chứng nêu trên, bệnh nhân nên đi khám và điều trị kịp thời, tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Trong khi người dân cả nước đang liên tục cảnh báo về nguy cơ nhiễm sán và những biến chứng từ dịch sán lợn, nhiều người thường quên mất những nguy cơ nhiễm sán từ những tác nhân rất bình thường và quen thuộc trong đời sống hằng ngày.