Theo thông tin từ báo Dân Trí, liên quan đến đoạn clip ghi lại cảnh người đàn ông hành hung bé trai, chị T.P. (ngụ tại huyện Hóc Môn) chủ nhân đoạn clip, sự việc xảy ra vào khoảng 20h30 ngày 30/6, trên đường Lê Văn Khương (phường Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TPHCM).

Chị P. chia sẻ, vào thời điểm xảy ra sự việc, chồng chị nghe tiếng khóc của trẻ em nên đã mở cửa nhà ra ngoài tìm hiểu. Vợ chồng chị nhìn thấy bé trai đang khóc, đứng cùng 2 người đàn ông. Một người liên tiếp đánh bé trai và một người đứng can ngăn. Một lúc sau, hàng chục người đi đường cũng dừng lại yêu cầu người đàn ông không được hành hung đứa trẻ. Có người quá bất bình đã tát người đàn ông một cái vào mặt. 

Bé trai ngã xuống đất khiến người đi đường phẫn nộ - Ảnh: Báo Dân trí

Theo bé trai, người hành hung em chính là bố ruột và người can ngăn là chú. Nguyên nhân bé bị đánh là do trên đường đi chơi về, em muốn về nhà ngoại nhưng bố không đồng ý. Dọc đường, hai bố con xảy ra mâu thuẫn về chuyện này nên người bố đã dừng lại giữa đường để đánh em. Người chú cũng xác nhận vụ việc. 

Sau khi kiểm tra camera trước nhà, chị P. mới chứng kiến toàn bộ cảnh tượng nói trên. Theo đoạn clip trích xuất từ camera, người bố đánh bé trai ngã lăn xuống đường. Bé trai té lên miếng sắt trơn nên đã khóc do đau và sợ hãi.

Mặc cho người chú can ngăn, người đàn ông này vẫn cố tiến tới để đánh bé trai. Cho đến khi có người đi đường đến hỗ trợ cháu bé, người bố này mới dừng lại. "Tôi hỏi thì bé nói ở nhà bị bố đánh hoài. Thấy bé bị đánh, tôi bức xúc nên đã đăng clip lên mạng xã hội. Rất tiếc là camera không quay được biển số xe, nếu không thì tôi đã trình báo cơ quan chức năng để làm việc với bố bé trai", chị P. nói.

Đoạn clip đăng tải lên mạng xã hội đã thu hút hàng chục nghìn lượt tương tác. Theo đó, nhiều người bày tỏ sự phẫn nộ trước hành động của bố bé trai.

Ảnh minh họa: Internet

Theo thông tin từ báo Đồng Nai, dựa vào Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2016, nghĩa vụ và trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo vệ con trẻ trước hết là của cha mẹ, ông bà. Ngoài ra, còn có tới 17 cơ quan liên quan có vai trò và trách nhiệm bảo vệ trẻ em nhưng tình trạng bạo hành trẻ em không vì thế mà giảm bớt, hàng ngày vẫn xảy ra với tính chất nghiêm trọng hơn. Thậm chí, mỗi khi có vụ xảy ra cũng không thấy cơ quan nào phải chịu trách nhiệm… Nhiều ý kiến BĐ cho rằng, đã đến lúc phải “gọi đích danh”, cụ thể là ai, cơ quan nào phải chịu trách nhiệm cho những vụ việc trẻ bị bạo hành, xâm hại, kể cả những người đã che giấu hành vi tội phạm này.

Ông Trần Thanh Nguyên (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) cho biết, nếu chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể ở cơ sở quan tâm thì sẽ ngăn chặn được tình trạng trẻ bị bạo hành. Bởi nếu vừa phát hiện hoặc được báo có trẻ bị đánh đập, cơ quan chức năng đến xử lý ngay thì chắc chắn sẽ không xảy ra những trường hợp trẻ bị bạo hành dã man trong thời gian dài.

Ngoài ra, không ít ý kiến BĐ cũng cho rằng, bên cạnh Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, ngành chức năng cần công bố thêm đường dây nóng tiếp nhận báo tin về trẻ bị bạo hành, xâm hại tại các phường, xã để can thiệp kịp thời những vụ việc trẻ bị bạo hành, xâm hại ngay từ cơ sở.