PGS. BS Wynn Huynh Tran: Muốn chữa ung thư, đừng xem những bài viết 'trôi nổi' trên mạng xã hội
Tình trạng ung thư hiện nay
Ung thư là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Đây là căn bệnh tiến triển âm thầm, đến khi phát hiện thường nằm ở các giai đoạn cuối.
Theo PGS. BS Wynn Huynh Tran, Trung tâm Y khoa Wynn Medical Center tại Los Angeles (USA) và VietMD, ung thư được hiểu đơn giản là: "Sự phát triển không có kiểm soát của các tế bào khiến cơ thể chúng ta có những mô, nơi ngày càng phình to ra. Đến một lúc nào đó, chúng thể hiện ra bên ngoài là những khối u được xác định ác tính".
Theo số liệu ngày 09/01/2018 trên trang Globalcancermap, tỷ lệ trường hợp mắc ung thư hàng năm ở Việt Nam là 101.4/100.000 người. Theo đó, Việt Nam đứng thứ 105 trên tổng số 179 nước trong bản đồ quốc tế về tỷ lệ mắc bệnh ung thư.
Người bị ung thư nên ăn uống như thế nào?
Có nhiều quan điểm về việc ăn uống khi bị ung thư. Một số người cho rằng, khi bị ung thư bạn nên kiêng khem khắt khe, hạn chế ăn thịt và "bỏ đói" các tế bào ung thư để khối u không phát triển. Một số khác khuyên bạn nên ăn gạo lứt để thanh lọc cơ thể, phòng ngừa và chữa bệnh ung thư.
Cũng có quan điểm cho rằng, các tế bào ung thư mang tính axit nên muốn diệt chúng thì chỉ cần nâng PH máu lên 8.5 là chúng sẽ chết.
Như vậy, khi bị ung thư bạn nên ăn uống như thế nào? Những chia sẻ của người sáng lập Trung tâm Y khoa Wynn Medical Center tại Los Angeles (USA) và VietMD - PGS. BS Wynn Huynh Tran sẽ giúp bạn có nhiều kiến thức hơn về chế độ ăn uống khi bị ung thư.
Giá trị của dinh dưỡng trong chữa trị ung thư
Theo PGS. BS Wynn Huynh Tran: "Dinh dưỡng tốt đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong cuộc chiến chống ung thư. Hiểu đúng về nguồn dinh dưỡng tốt là điều quan trọng đầu tiên mà bệnh nhân nên làm trong việc chữa trị căn bệnh này.
Thực tế, nhiều bệnh nhân ung thư mất vì suy dinh dưỡng chứ không vì biến chứng của căn bệnh. Nguyên nhân là do chúng ta không chú trọng đến dinh dưỡng trong quá trình điều trị bệnh.
Khi chúng ta mắc bệnh ung thư, các tế bào ung thư sẽ liên tục phát triển. Do các tế bào này có tốc độ phát triển nhanh hơn nên chúng cần oxygen và dinh dưỡng nhiều hơn tế bào bình thường".
Việc các tế bào ung thư cần nhiều dinh dưỡng hơn tế bào bình thường không đồng nghĩa với việc bạn phải kiêng khem, "bỏ đói" chúng để chữa bệnh.
"Để chữa ung thư, bạn nên tuân thủ theo Y học hiện đại cũng như phác đồ điều trị của các y bác sĩ. Các phương pháp phẫu thuật, hóa trị, xạ trị hay dùng thuốc đều nhắm vào tế bào ung thư nhưng cũng khiến cơ thể suy kiệt và mệt mỏi.
Khi mắc ung thư phần thực quản, bao tử, ruột hay đường tiêu hóa thì việc nạp dinh dưỡng đầy đủ càng khó khăn hơn. Trong trường hợp đó, điều trị dinh dưỡng như dùng ống hoặc đường tĩnh mạch có thể là giải pháp tạm thời" - PGS. BS Wynn Huynh Tran cho biết.
Chữa ung thư là cả một quá trình dài. Khi tiến hành các phương pháp xạ trị, hóa trị,... bệnh nhân sẽ bị suy kiệt. Do đó, cần phải bổ sung nguồn dinh dưỡng đầy đủ để người bệnh sớm phục hồi sức khỏe và tiếp tục chiến đấu với ung thư.
Nguồn dinh dưỡng trong quá trình chữa ung thư
Theo chia sẻ của PGS. BS Wynn Huynh Tran: "Khẩu phần ăn hàng ngày của người bệnh ung thư cần đầy đủ: Thịt, mỡ, tinh bột, rau củ, trái cây và nước. Nguyên liệu để nấu món ăn phải tươi và ít chế biến, nêm nếm.
Một số bệnh nhân ung thư sau khi phẫu thuật và hóa trị sẽ không còn cảm thấy ăn ngon miệng như trước. Do đó, bạn nên chia phẩu phần ăn thành nhiều bữa trong ngày, trang trí bằng màu sắc của rau củ, trái cây để kích thích họ cảm thấy ngon miệng hơn. Bác sĩ cũng có thể hỗ trợ bệnh nhân ung thư một số thuốc ăn ngon miệng hoặc chống trầm cảm".
"Bữa ăn tinh thần" trong chữa trị ung thư
Bên cạnh nguồn thực dưỡng đầy đủ, bạn cần bổ sung nhiều thức ăn tinh thần để chống lại căn bệnh ung thư.
"Ngủ đủ giấc và sâu là một phần quan trọng trong thức ăn tinh thần của bệnh nhân ung thư. Ngủ ngon sẽ giúp cơ thể bạn hồi phục nhanh hơn sau khi trị liệu.
Âm nhạc, đọc sách, dành thời gian bên cạnh người thân là những món ăn tinh thần vô giá cho bệnh nhân ung thư. Đồng thời, trị liệu tâm lý như ngồi thiền, đi chùa, nhà thờ, cầu nguyện,... cũng là bữa ăn tinh thần không thể thiếu, giúp bệnh nhân ung thư an nhiên và lạc quan hơn.
Bên cạnh đó, tham gia nhóm hay cộng đồng hỗ trợ nhau chống lại ung thư sẽ giúp bệnh nhân bớt cô đơn và có được tinh thần lạc quan. Cần phải biết rằng, khi có tinh thần tốt, hệ miễn dịch của chúng ta sẽ mạnh hơn để chiến đấu với vi khuẩn (nhiễm trùng do tác dụng phụ của trị liệu). Đồng thời, lúc này hệ miễn dịch cũng sẽ chống lại tế bào ung thư tốt hơn" - Bác sĩ Wynn Huynh Tran chia sẻ.
Bạn nên tham khảo các nguồn tin tức để tìm hiểu và cập nhật sự phát triển của Y học. Tuy nhiên, bạn cần đọc tin tức Y khoa ở các trang sức khỏe uy tín và có sự phân tích, sàng lọc.
PGS. BS Wynn Huynh Tran khuyên: "Trong việc đọc tin tức, bạn nên chọn cách đọc chủ động ở những trang sức khỏe uy tín, tìm hiểu, phân tích, suy luận thay vì đọc bị động như xem trên mạng xã hội các bài viết không nguồn gốc chỉ cách chữa trị ung thư.
Cuối cùng, bạn nên thảo luận với bác sĩ và chuyên viên dinh dưỡng thường xuyên về thói quen ăn uống của mình để cùng tìm ra giải pháp thích hợp nhất".
Trong thời kỳ công nghệ thông tin phát triển, nguồn tin tức trở nên đa chiều. Thông qua các trang mạng xã hội, nhiều người đã chia sẻ thông tin về cách chữa trị ung thư không cần đến xạ trị, hóa trị. Rất nhiều bệnh nhân đã tiền mất tật mang vì nghe theo những thông tin không rõ nguồn gốc này.
Hy vọng những chia sẻ của PGS. BS Wynn Huynh Tran sẽ giúp bạn có nhiều kiến thức hơn về chế độ dinh dưỡng và cách đọc thông tin hữu ích trong chữa trị ung thư.
Điều gì xảy ra khi đội mũ vào mùa đông?
Đội mũ vào mùa đông không chỉ để chống lạnh mà còn mang lại những lợi ích sức khỏe không...
Người Nhật ăn gì để giảm gãy xương?
Một số chuyên gia đã phát hiện ra rằng mặc dù lượng canxi hấp thụ của người Nhật thấp hơn...
Khảo sát 36.000 người trên 40 tuổi phát hiện: Đây thời gian đi bộ mỗi ngày để tăng thêm 11...
Nếu muốn gia tăng tuổi thọ, đây là phương pháp hữu hiệu bạn nên áp dụng.
7 sai lầm trong chế độ ăn uống nên tránh để ngăn ngừa bệnh tiểu đường!
Bệnh tiểu đường là một tình trạng kéo dài suốt đời, có nghĩa là nó không thể đảo ngược được....